Con không thể nào phán đoán giá trị một ai đó chỉ qua cái nhìn đầu tiên. Đôi lúc, tưởng như con tìm được vàng, song hóa ra đó chỉ là đồng thau. Ngược lại, có khi con nghĩ nó là đồng thau thì đó lại là người bạn vàng mà con hằng tìm kiếm.
Cách đây rất lâu, ở đất nước Ai Cập xinh đẹp, có một vị thiền sư nổi tiếng tài giỏi tên là Zun-Nun. Nghe tiếng tăm của thầy Zun-Nun, một chàng trai trẻ đã tìm đến bên dòng sông Nile hiền hòa, nơi thầy đang sống để diện kiến. Chàng hỏi:
- Thưa thầy, con biết người đời rất kính trọng thầy. Với địa vị như thế, tại sao thầy không ăn vận và sống cuộc đời xa hoa hơn? Con nghĩ như vậy sẽ càng khiến mọi người nể trọng thầy hơn nữa.
Vị thiền sư chỉ mỉm cười, tháo từ tay mình một chiếc nhẫn cũ kỹ, đưa cho anh thanh niên và nói:
- Này con traỉ, ta sẽ cho con câu trả lời. Nhưng trước hết, ta cần con làm giúp một việc. Hãy mang chiếc nhẫn này ra chợ và bán nó với giá một thỏi vàng. Bán được rồi, quay về đây. Ta sẽ trả lời câu hỏi đó của con.
Người thanh niên nhìn chiếc nhẫn, lòng đầy thất vọng. Làm sao anh có thể bán được chiếc nhẫn cũ kỹ và xấu xí đó với giá một thỏi vàng?
Nhìn vẻ mặt nghi ngại của anh, Zun-Nun mỉm cười nói:
- Hãy cứ đi đi, con trai. Ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra!
Chàng trai đi ra chợ và rao bán chiếc nhẫn cho bất cứ thương nhân nào anh gặp. Đúng như anh dự đoán, tất cả đều lắc đầu, thậm chí còn cười nhạo trước cái giá một thỏi vàng anh đưa ra.
Chàng trai trở về căn nhà nhỏ bé, đơn sơ của thầy Zun-Nun với bộ dạng tiu nghỉu.
- Thưa thầy, con đã hỏi khắp nơi nhưng không ai chịu mua chiếc nhẫn của thầy với giá đó cả.
Vẫn giữ nụ cười bình thản trên mặt, vị thiền sư nhẹ nhàng bảo anh:
- Con hãy đi tới cửa hàng vàng bạc cuối con đường này, đưa chiếc nhẫn của ta cho ông chủ tiệm. Đừng nói con muốn bán nó với giá một thỏi vàng mà hãy để ông ta ra giá.
Người thanh niên làm theo lời chỉ dẫn. Chỉ một lát sau, anh quay về với vẻ mặt đầy phấn khích. Chạy đến bên thầy Zun-Nun, anh háo hức:
- Thầy ơi! Tất cả thương nhân trong chợ đều là những người mù, họ không biết giá trị thật sự của chiếc nhẫn. Người chủ tiệm vàng đã đề nghị trả cho con một ngàn thỏi vàng để được làm chủ nó, gấp đến một ngàn lần cái giá con rao bán ngoài chợ.
Zun-Nun chỉ mỉm cười:
- Đó chính là câu trả lời của ta cho câu hỏi của con. Giá trị của con người không phải nằm ở cách ăn mặc thế nào, cũng không ở chỗ ngôi nhà sống sang trọng ra sao, mà chính là bản chất con người. Con không thể nào phán đoán giá trị một ai đó chỉ qua cái nhìn đầu tiên. Đôi lúc, tưởng như con tìm được vàng, song hóa ra đó chỉ là đồng thau. Ngược lại, có khi con nghĩ nó là đồng thau thì đó lại là người bạn vàng mà con hằng tìm kiếm.
Trong xã hội hiện nay, khi vẻ bề ngoài ngày càng được đề cao, rất nhiều người đánh giá, nhìn nhận người khác qua bộ quần áo họ mặc trên người, chiếc túi mà họ đeo. Lại nhớ đến một câu chuyện, khi nhận tin báo trong phòng bị mất một chiếc ví, mọi người ngay lập tức đổ vạ cho cô lao công vì cho rằng chỉ có người đàn bà nghèo khổ ấy mới làm điều như vậy.
Mọi hoạt động trong công ty đều được ghi lại bởi camera nhưng trong lúc ấy, người ta chẳng cần nghĩ đến chiếc camera ở góc phòng đó mà mặc nhiên gán tội cho người phụ nữ kia. Có ai ngờ được rằng, người cầm chiếc ví ấy lại là một cô nàng ăn mặc sang chảnh trong phòng có tính ăn cắp vặt. Nếu người sếp không tỉnh táo âm thầm nhờ bộ phận bảo vệ kiểm tra camera an ninh thì có lẽ sự thật sẽ chẳng bao giờ được phơi bày.
Nhiều người lầm lạc trong những mớ hỗn độn của cuộc sống để rồi một ngày nhận ra những sai lầm không thể tránh khỏi. Họ đâu biết rằng có những thiên thần đội lốt của quỷ dữ và quỷ dữ đội lốt của thiên thần.
Gia cảnh giàu nghèo hay sang hèn, quần áo hàng hiệu hay không đều chỉ là điều kiện bên ngoài, chẳng thể làm nên giá trị con người. Có những tấm gương gây dựng nên cơ đồ bằng đôi ban tay trắng, trở thành những bác sĩ, nhà khoa học dù sinh ra trong đói nghèo. Bên cạnh đó, cũng có những kẻ sinh ra trong nhung lụa mà cuối cùng trở thành kẻ phá gia chi tử, đốt sạch sản nghiệp cả đời mẹ cha tích lũy.
Cùng là một cân gạo, với những con mắt khác nhau nhìn sẽ nhìn thấy giá trị khác nhau. Trong mắt bà nội trợ, một cân gạo này sẽ đủ cho 4 bữa cơm gia đình. Trong mắt người nông dân, một cân gạo sẽ đổi được về cỡ 10 nghìn để mua thức ăn cho tụi nhỏ.
Cũng một cân gạo đó, người làm bún có thể xay ra, chế biến và bán được 50 nghìn. Với người làm rượu, họ có thể lên men, ủ, nấu và thu về cả trăm nghìn đồng. Tất cả, vẫn chỉ là từ một cân gạo.
Giá trị của một người không nằm ở những thứ mà anh ta có, hay thậm chí là những điều mà anh ta làm, mà là bản chất của anh ta.