Chồng ạ, người ta nói phụ nữ sướng khổ hơn nhau ở tấm chồng. Em thấy mình thật khổ khi lấy phải người chồng như anh.
Ba năm lấy chồng là ba năm em khóc thầm nuốt nước mắt vào trong. Ba năm lấy chồng là ba năm em thấy cuộc đời mình cay đắng thì nhiều mà vui sướng thì ít, tất cả cũng bởi lấy phải người chồng như anh.
Lấy anh làm chồng, em gặp phải sự phản đối từ gia đình. Ba mẹ nói cái tướng của anh là tướng vũ phu trưởng giả, lấy anh em nhất định sẽ khổ. Nhưng ngày đó chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà em vẫn quyết tâm lấy anh, em đã tự nhủ lòng mình sau này sướng khổ thế nào nhất định sẽ không than vãn nửa lời. Và em đã làm được, ba năm qua nước mắt có, đau khổ đắng cay đều có cả nhưng em chưa từng hé răng nửa lời với ai. Vì em sợ người ta sẽ chê cười: “Con bé ấy ngày xưa kén chọn cuối cùng lại vớ phải thằng chồng chẳng ra gì”, em cũng sợ ba mẹ buồn vì “cá không ăn muối cá ươn, con không nghe lời trăm đường con khổ”.
Lấy anh làm chồng, tất nhiên em phải về nhà anh ở, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ chồng. Là người phụ nữ, em hiểu điều đó và vui vẻ coi gia đình chồng như gia đình mình, bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ. Mặc cho mẹ chồng khó tính, luôn nhìn em bằng con mắt soi mói không mấy thiện cảm nhưng em đã nghĩ rằng mình phận làm con không được xét nét lại hay để bụng bố mẹ chồng. Vậy nên nàng dâu mới là em đây, không hề nửa lời kêu than với anh mỗi khi bị mẹ chồng la mắng vì chuyện không đâu. Nhiều khi nghĩ lại, em thấy mình giống như đứa con ở trong nhà chồng vậy.
Sáng sáng em dậy sớm cơm nước cho cả nhà, rồi lại lợn gà chó mèo đủ bộ mới được phép đi làm. Hôm nào em cũng đi làm trong tình trạng vội vội vàng vàng vừa chạy đến cơ quan vừa gặm cái bánh mỳ khô khốc mua từ hôm qua mà chẳng hề ai thèm quan tâm xem em đã ăn sáng chưa. Em chẳng biết là anh vô tâm hay anh vô tình đây, khi mà cả ba năm nay chưa hề biết rằng em chỉ nấu bữa sáng cho cả nhà chứ chưa bao giờ có đủ thời gian để ngồi ăn sáng đàng hoàng cả.
Em choáng váng trước lời đề nghị của mẹ chồng, bố mẹ em vất vả nuôi em ăn học để em có cái nghề ổn định, vậy mà mẹ chồng lại đề nghị em vứt bỏ nghề. (ảnh minh họa)
Nhà cách cơ quan em làm cả chục cây số, buổi trưa chỉ được nghỉ hơn tiếng nên chị em làm cùng người nào nhà gần thì về còn lại đều đặt cơm trưa ở nhà bếp của cơ quan. Chỉ có mình em ngày nắng cũng như ngày mưa đều đặn chạy xe máy về nhà buổi trưa để tranh thủ cơm nước cho bố mẹ chồng. Em nhớ hồi em mới về làm dâu, mẹ chồng gọi em vào phòng tâm sự: “Bố mẹ già yếu rồi nên mới lấy con dâu về để phụng dưỡng, nay đã có con về nhà rồi, mẹ muốn con tập trung chăm lo cho gia đình. Con nên nghỉ làm, về nhà mở cửa hàng tạp hóa tại nhà, vừa buôn bán kiếm tiền vừa có thời gian chăm sóc gia đình”.
Em choáng váng trước lời đề nghị của mẹ chồng, bố mẹ em vất vả nuôi em ăn học để em có cái nghề ổn định, vậy mà mẹ chồng lại đề nghị em vứt bỏ nghề. Tất nhiên em không thể đồng ý với mẹ chồng, nhưng cũng không dám cãi lời mẹ nên đành xin mẹ cho em đi làm, em sẽ đảm nhiệm tốt mọi việc trong nhà. Và để chứng minh điều đó thì ngay ngày hôm sau, em bắt đầu về nhà buổi trưa để cơm nước cho gia đình chồng. Không biết những chuyện này mẹ có bàn với anh không, nhưng từ ngày đó anh cũng coi việc em về nhà buổi trưa để cơm nước cho bố mẹ chồng là điều đương nhiên.
Em chẳng dám kể với ai bên ngoại là bố mẹ chồng mới 50, cả hai ông bà vừa nghỉ hưu, lại rất khỏe mạnh nhưng không thể tự nấu cơm trưa mà bắt con dâu lặn lội cả chục cây số về nhà nấu cơm. Nếu kể ra chắc chắn mẹ em sẽ … tăng xông vì tức mất. Chồng như vậy nhưng chưa bao giờ em thấy ghét anh hay gia đình anh, em vẫn như con ở phục dịch nhà anh như thế suốt ba năm nay.
Nếu nói đến những vất vả, những bất công khi ở nhà chồng chắc em kể cả ngày không hết đâu anh ạ. Nhưng ba năm làm vợ, em chưa từng được một lời an ủi động viên từ chồng. Giá như anh chỉ cần nói: “Em vất vả cả ngày rồi đi nghỉ sớm đi” thay vì càu nhàu “Làm cái quái gì mà lục đục mãi dưới bếp thế, không lên buông màn cho con ngủ đi nó khóc đây này” thì con ở là em đây có lẽ cả đời này sẽ ngoan ngoãn cam tâm tình nguyện phục dịch cho gia đình anh không một lời oán than. Nhưng em cứ chờ đợi mãi, cái em nhận được chỉ là sự cau có khó chịu của chồng. Anh yêu em cơ mà, vậy tại sao không thể thông cảm cho em? Trong hôn nhân người vợ cần nhất sự thông cảm, thấu hiểu của chồng đấy anh ạ.
Cuối cùng còn một phần nhỏ anh đưa vợ để chi tiêu trong gia đình. Nhiều tháng phần nhỏ anh đưa chẳng đủ tiền mua sữa cho con anh, em lại cắn răng đi bán vàng hồi môn để lấy tiền tiêu. (ảnh minh họa)
Lương chồng hàng tháng không phải thấp, nhưng luôn phải chia năm sẻ bảy cho các khoản, cuối cùng về túi vợ anh chỉ là một phần rất nhỏ mà thôi. Nào thì một phần anh biếu bố mẹ ăn quà mặc dù hàng tháng em vẫn có một khoản nho nhỏ biếu bố mẹ chồng rồi. Nhưng lý lẽ của bố mẹ là: “Con tôi nuôi lớn thì nó phải trả hiếu cho chúng tôi, còn của con dâu cho thì đó là trách nhiệm của con dâu, không được tính gộp của hai vợ chồng”. Vậy là hàng tháng cả hai vợ chồng phải biếu bố mẹ chồng hai khoản, mặc dù mọi chuyện sinh hoạt dù nhỏ nhất của bố mẹ chồng thì em vẫn phải lo từ A đến Z.
Một phần thì anh gửi cho đứa em gái đang học ở thành phố vì anh lớn trong nhà phải có trách nhiệm với các em. Một phần khác anh dùng cho những việc ma chay, cưới xin, thăm ốm đau của bạn bè đồng nghiệp. Một phần anh dành để bia bọt nhậu nhẹt, em biết phần này anh luôn dùng đến nửa số lương. Cuối cùng còn một phần nhỏ anh đưa vợ để chi tiêu trong gia đình. Nhiều tháng phần nhỏ anh đưa chẳng đủ tiền mua sữa cho con anh, em lại cắn răng đi bán vàng hồi môn để lấy tiền tiêu.
Lại nói đến chuyện vàng cưới, bố mẹ và anh em đằng ngoại cho bốn cây vàng làm của hồi môn thì ngay sau hôm cưới mẹ chồng đã mượn tạm hai cây đi trả nợ đám cưới, còn hai cây em vẫn bán dần để …. trang trải sinh hoạt gia đình. Vậy là sau ba năm làm vợ anh, của hồi môn của em cũng đội nón ra đi không còn tăm hơi dấu vết. Nhiều lúc mẹ đẻ vẫn dặn: “Vàng cưới các con cố giữ đừng có bán đi mà đen lắm đấy” mà em chỉ biết gượng cười vâng dạ cho qua chuyện. Chắc mẹ chẳng bao giờ ngờ rằng có ngày em lại cơ cực đi bán vàng cưới để lấy tiền chi tiêu sinh hoạt đâu chồng ạ.
Mà kể cũng lạ, cứ có dịp gì như tiền bảo hiểm sinh con, tiền mọi người cho con lúc đầy tháng hay sinh nhật là chồng lại bảo em đưa anh vay một ít để lo chuyện này chuyện kia. Nếu em không đưa thì anh chẳng tiếc lời nhiếc mắng em, đánh đập em không thương tiếc. Rồi dần dần em mới phát hiện ra, hóa ra chồng là con nghiện lô đề cờ bạc. Hồi chưa cưới vợ, đã bao lần bố mẹ anh phải đi chuộc xe hay trả nợ cho anh rồi. Ngay cả chuyện hai cây vàng mẹ chồng mượn tạm em lúc mới cưới cũng là để mang đi trả nợ cờ bạc cho chồng.
Đến giờ phút này thì em thực sự mệt mỏi quá rồi chồng ạ. Tình yêu của em cũng đã chết dần theo những lần chồng chửi bới đánh đập em. Ngày xưa, trước khi cưới em luôn tự nhủ sau này lấy chồng nhất định không thể để chồng đánh dù chỉ một lần bởi đàn ông đánh vợ rồi sẽ quen tay, có một lần sẽ có hai lần, ba lần, nhiều lần. Nhưng rồi lấy chồng, chuyện ăn đòn của em đúng là như … cơm bữa. Anh có tính cứ cãi nhau lại đánh vợ, cứ không vừa lòng chuyện gì lại đánh vợ, hay đơn giản anh nhậu say về em đang cho con ngủ nên không kịp mở cửa cũng bị đánh. Sau mỗi lần đánh vợ, anh lại ngon ngọt xin lỗi rồi thề thốt, em dại dột tin lời anh và tha thứ.
Cứ thế, ba năm qua em tha thứ cho chồng không biết bao nhiêu lần. Giờ em cũng chẳng muốn một người chồng như anh nữa rồi, vậy thì cần gì phải tha thứ cho anh. Ngay đêm qua, lúc anh mang bố mẹ vợ ra để chửi, lúc ánh mắt anh trợn lên, tay anh vung lên để tát em thì em đã có quyết định cho cuộc đời mình. Em sẽ ly hôn dù chồng có đồng ý hay không. Em nghĩ mình không tội gì phải chịu khổ như thế này nữa. Con người em là ba mẹ sinh ra và nuôi lớn, ba mẹ cũng chưa hề làm đau em dù chỉ một lần. Ấy thế mà từ ngày lấy chồng, em ăn đòn cứ như cơm bữa. Bàn tay anh to khỏe là thế, nhưng chẳng để lao động làm ăn mà chỉ dùng để đánh bạc và đánh vợ. Đến giờ phút này thì em ân hận rồi chồng ạ. Một người chồng không lo làm ăn, chỉ ham mê cờ bạc rượu chè, lấy việc đánh vợ làm thú vui như anh thì em cũng không cần nữa. Vậy nên mình ly hôn chồng nhé.
P/s: Em có lời nhắn nhủ cuối với chồng, nếu sau này có lấy vợ nữa thì hãy thay đổi đi chứ không ai có thể chịu đựng lâu như em đâu. Tạm biệt anh nhé, chồng cũ của em!