Mới đây, cư dân mạng liên tục lan truyền một câu chuyện chủ hàng phở đăng lên mạng xã hội nói về người chồng, người cha ích kỉ một mình ăn 1 bát phở, để 3 mặc 3 mẹ con ăn chung 1 bát.
Câu chuyện là, anh chồng và vợ cùng 2 con vào quán gọi 2 bát phở, sau đó, anh chồng cứ cắm mặt ăn một mình, còn ăn trước, để vợ và hai con ăn một bát chung. Người vợ và 2 con thì ngồi đợi, trong khi người chồng thì quát con sang ngồi với mẹ khi bát phở đầu tiên được bê ra.
Mãi khi bát phở thứ hai được mang ra, người vợ mới có để đút cho con, vừa ăn vừa đút. Ăn xong một bát, con còn đói, con đòi mãi thì bố mới chịu gọi cho con bá thứ hai. Rồi anh chồng đứng dậy, phóng xe máy ra về, để mặc vợ và con ngồi lại…
Câu chuyện chỉ có vậy nhưng dưới góc nhìn của người chủ quán thì anh chồng này chính là người đàn ông ích kỉ, người cha thiếu trách nhiệm. Thấy hai con đói như vậy mà không chịu đút cho con, bỏ mặc vợ và hai con ăn chung một bát còn đói.
Nhiều người sau khi đọc được dòng chia sẻ cũng đã vào bình luận, chê bai anh chồng này, nói rằng, anh ta là một người đàn ông ích kỉ, người chồng vô tâm, như thế không xứng đáng làm chồng. Họ còn kể ra những câu chuyện vô tâm của đàn ông Việt, đến mức tan nát gia đình, vợ chồng ly tán…
Hình ảnh vợ ăn phở cùng con, đút cho hết đứa này đứa khác, còn chồng ngồi ăn một mình (Ảnh minh họa, nguồn internet)
Thế mới nói, câu chuyện đánh đồng đàn ông Việt đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người chúng ta. Không chỉ dừng lại ở chuyện đánh đồng, cho rằng đàn ông nhiều người vô tâm, thiếu trách nhiệm mà còn là chuyện ‘tâm lý đám đông’. Chúng ta chỉ là những người ở ngoài, chỉ nghe một tai, việc phán xét một người như vậy có phải là việc công bằng?
Điều này càng được sáng tỏ khi có một người tự nhận mình là anh chồng trong câu chuyện trên vào thanh minh. Anh giải thích, anh là một nhân viên bảo vệ. Bình thường, anh chỉ làm 1 ca rồi về ăn tối với vợ con. Hôm ấy, anh làm 2 ca liên tiếp nên 10 giờ mới nhờ người trông hộ một lúc để đi ăn tối.
Đúng lúc vợ đến gửi tiền đi đám hiếu nên cả nhà vào quán. Nghĩ rằng hai đứa nhỏ chỉ ăn hết 1 bát, anh mới gọi 2 bát phở, anh 1 bát, vợ bón cho 2 đứa bát còn lại. Ăn xong thì con kêu vẫn đói và bảo mẹ cũng chưa ăn tối nên anh mới gọi thêm bát nữa cho vợ. Thấy đã muộn, anh vội về chỗ làm nên bảo vợ con ăn xong về sau.
Nếu sự thực đúng là như vậy thì thử hỏi, có phải, chúng ta đã quá vội vàng khi phán xét một người? Nhất là những người chỉ nhìn ở ngoài, không được nghe chính chủ nhân trong câu chuyện nói mà cũng hùa theo tâm lý đám đông, thì quả thật không nên chút nào.
Nick name được cho là của người chồng vào đăng đàn thanh minh trên mạng xã hội (Ảnh internet)
Đàn ông Việt thời nay, họ đã khác nhiều rồi. Vẫn có những ông chồng sẵn sàng thức đêm trông con cho vợ ngủ. Ở khắp mọi nơi, đàn ông vào bếp còn nhiều hơn phụ nữ, bố chăm con còn khéo hơn mẹ... Nhưng trong tiềm thức của mỗi người chúng ta, vô tình đàn ông Việt vẫn chỉ được gắn mác của những người vô tâm, vô trách nhiệm, ích kỉ hay gia trưởng.
Hay như câu chuyện này, anh chồng đúng hay sai không thật sự quan trọng. Bởi bản chất, việc vội vã đánh đồng, a dua theo tâm lý đám đông chính là cách mà nhiều người đang làm để phán xét người khác đã là cái sai của chúng ta rồi.
Có những thứ ‘nhìn vậy mà không phải vậy’. Trong cuộc sống này, có biết bao số phận, bao hoàn cảnh mà mỗi người đều có những cách ứng xử khác nhau. Họ làm như thế nào đều có nguyên nhân của họ. Nếu mình không rõ, không nghe họ giải thích, không nhìn thấu mọi việc thì đừng bao giờ vội vàng đưa ra những lời phê phán.
Trở lại câu chuyện người cha một mình ăn phở, bỏ mặc vợ con, nếu như không có chuyện người cha ấy lên mạng thanh mình về hành động của mình thì có lẽ, cho đến tận bây giờ, trong mắt người khác, đó vẫn là một người đàn ông ích kỉ, một người chồng vô tâm, người cha thiếu trách nhiệm… Nhưng rốt cuộc, anh có phải là người như thế hay không, chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu rõ nhát.
Đám đông cứ mải phán xét, nhìn nhận mọi việc theo hướng u ám của xã hội mà vô tình quên mất rằng, họ - những người đàn ông đang mỗi ngày phải đọc những câu chuyện ngoại tình, nghe người đời lườm nguýt về sự "vô trách nhiệm" của thế hệ đàn ông, cũng biết đau, biết buồn chứ. Họ đều đang cố gắng thay đổi mỗi ngay cơ mà. Vì sao, chúng ta chỉ phán xét khi thấy có hành động xấu mà chẳng có ai lên tiếng minh oan, bênh vực cho họ.
Hãy nhớ rằng, đàn ông Việt bây giờ - họ đã khác rồi, thật sự, đã khác rất nhiều rồi!