Đi chùa nhét tiền vào tay Phật, nên không?

Ngày 16/01/2014 08:42 AM (GMT+7)

Theo GS Ngô Đức Thịnh (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia), khi đi lễ chùa cần chuẩn bị tâm thế.

Đi lễ chùa là nét đẹp từ lâu đời của người dân Việt Nam. Thế nhưng, thời gian gần đây, báo chí cũng như không ít chuyên gia về văn hóa đã nói rất nhiều về những biến tướng đã và đang diễn ra ở chốn linh thiêng. Ăn uống xô bồ nơi cửa chùa, đi đứng không giữ được sự thanh tịnh, nói cười như ở nhà ga, bến tàu... thậm chí hình ảnh phản cảm tiền lẻ được đặt khắp nơi, nhét cả vào tay Phật khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Ngô Đức Thịnh (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) xung quanh tình trạng nhét tiền vào tay Phật, đốt vàng mã với số lượng quá nhiều.

Xin Giáo sư có thể cho biết đôi nét về nét đẹp đi lễ chùa nói chung và đặc biệt lễ chùa đầu năm của người dân Việt Nam?

Đi lễ chùa từ lâu là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Nhiều người thường đi lễ chùa vào các Lễ Tiết hay ngày mùng 1, ngày Rằm Âm Lịch. Trong số những Lễ Tiết đó thì Tết Nguyên Đán là dịp rất quan trọng trong tiềm thức của người dân Việt Nam. Tùy từng nơi, có thể giao thừa xong sẽ lên chùa nhưng cũng có người đi chùa trong 3 ngày Tết, có người đi cho đến Rằm Tháng Giêng… Và khi lên chùa như vậy là để cầu Phật, xin lộc đầu năm. Những năm trước đây, có một số thanh niên quan niệm lộc đầu năm là các chồi non của cây cối nên đi bẻ cảnh, hái lộc làm phá  hoại môi trường. Lộc là biểu tượng của mùa xuân, của sự sinh sôi nảy nở, ước muốn của người dân nông nghiệp. Lộc có thể hiểu là sức khỏe, công danh… nhiều người lên chùa để cầu xin những điều đó.

Liệu từ xưa, việc đưa tiền lên chùa đã được các cụ thực hiện?

Từ xưa, khi lên chùa người ta cũng mang theo một chút tiền. Ông cha ta gọi tiền đó với tên rất giản dị tiền “giọt dầu” để cùng góp một phần nhỏ vào hoạt động của đền chùa. Khi đi lễ chùa, ông cha ta mang theo hương hoa, còn bây giờ không hiểu sao lại biến tướng đến nỗi mang theo nhiều tiền đặt khắp nơi, thậm chí mang theo nhiều đồ cúng như thịt mặn… Quan trọng nhất là lòng thành, vì dân gian có câu “lòng thành thắp 1 nén nhang”. Theo quan niệm, sự thanh thản của tâm hồn mới thấu lên trần gian chứ không phải cứ mâm cao cỗ đầy, nhiều lễ vật mới được.

Đi chùa nhét tiền vào tay Phật, nên không? - 1

Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng: "Hành động nhét tiền vào tay Phật là phản tín ngưỡng"

Trước những hình ảnh nhét tiền vào tay Phật hay đặt tiền khắp nơi khi đi chùa của một số người dân, Giáo sư suy nghĩ như thế nào?

Như tôi đã nói, việc đưa một chút tiền lên chùa đã có từ lâu đời, ông cha ta thực hiện điều đó rất có văn hóa, có thể đưa tiền lên để vào hòm công đức hay đưa trực tiếp cho trụ trì gọi là đóng góp một phần cho chùa.  Ngày nay, có hòm công đức nhưng nhiều người không chịu để vào đó, cứ đi phát hết ban thờ này đến ban thờ kia, thậm chí nhét vào tay Phật tạo ra một hình ảnh phản tín ngưỡng và không có văn hóa. Nhiều người đưa tiền lên chùa quá nhiều gây ra sự thái quá, không đúng mực. Thần linh đâu cần những cái đó, vấn đề là ở lòng thành và tâm thế.

Giáo sư vừa nhắc đến tâm thế khi đi lễ chùa. Vậy có thể hiểu những hiện tượng nhét tiền tay Phật như vậy là do một số người chưa chuẩn bị được tâm thế khi đi lễ chùa?

Tôi nhận thấy nhiều người đến với chùa chiền không có được tâm thế như ông cha ta từ xưa. Ngày xưa, trước khi tiếp xúc với thần linh có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Trước khi đến đền, chùa ăn mặc chỉnh tề, tâm hồn thanh tịnh, thái độ nhẹ nhàng. Khi đưa tiền giọt dầu với thái độ cung kính, trân trọng. Ngay trong gia đình cũng thế thôi, vào các dịp giỗ chạp, người anh cả khi thay mặt cả gia đình cúng bái cũng chuẩn bị tâm thế rất kỹ càng, đó là sự thanh sạch về cả thể chất lẫn tâm hồn. Theo quan niệm của dân gian, khi người ta có tâm thế như vậy mới cảm được thần linh.

Đi chùa nhét tiền vào tay Phật, nên không? - 2

(Ảnh Tri thức trực tuyến)

Nhưng một số  người cứ có quan niệm khi đi lễ  chùa phải dâng tiền như vậy mới may mắn hoặc không có chút tiền lẻ là chưa yên tâm. Liệu suy nghĩ này có đúng?

Không phải cứ đưa tiền lên chùa, đặt hết ban thờ này, ban thờ kia mới là cầu được may mắn như nhiều người vẫn nghĩ. Nếu đưa theo tiền thì phải đặt một cách có văn hóa, có thể là bỏ vào hòm công đức, thái độ cung kính.

Cũng có một thực tế phải nhận ra đó là có người đi chùa để cầu xin thần Phật nhưng cũng thể hiện sự phô trương. Cụ thể, lên chùa cũng muốn mang nhiều tiền lẻ hơn mọi người hay mang nhiều lễ vật hơn để tỏ lòng thành. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng quan trọng là tấm lòng của chính người đó chứ không phải là số lượng tiền lẻ hay lễ vật. Trong đời sống ngày nay, kinh tế thị trường xô bồ nên có lẽ nhiều người cũng nghĩ thần linh cũng cần tiền. Mặt khác, văn hóa tín ngưỡng cũng là một kiến thức cần được giáo dục, nhiều bạn trẻ hiện nay dường như không hiểu về văn hóa tín ngưỡng nên cứ nói đi chùa là đi chứ không biết cần phải làm gì hay ăn mặc, thái độ như thế nào.

Vậy theo chuyên gia để giải quyết được vấn đề nhét tiền vào tay Phật cần biện pháp nào?

Nhìn ra một số nước giềng như Thái Lan, Lào, người dân cũng đi chùa nhưng họ rất có ý thức, thái độ chuẩn mực. Có vẻ như một số người dân Việt Nam không có ý thức, không có tâm thế. Không phải chúng ta không bằng họ mà một số người chưa hiểu đến nơi đến chốn. Tôi cũng góp ý với Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch cần có một thập niên để chấn chỉnh lại, cung cấp kiến thức một cách có hệ thống và đầy đủ nhất.

Không phải đốt nhiều vàng mã mới có lòng thành

Không chỉ có nhét tiền vào tay Phật, đốt vàng mã quá nhiều cũng là vấn đề khiến các cơ quan quản lý đau đầu. Đứng ở góc độ chuyên gia văn hóa, Giáo sư có suy nghĩ gì?

Vàng mà là quan niệm xã hội lâu đời, từ thời ông cha ta cũng đã có. Nhưng vấn đề là phải đúng mực, báo chí cũng nói nhiều và qua các hình ảnh chúng ta thấy có lẽ nhiều người đang thái quá trong việc đốt vàng mã. Trước đây, ông cha ta không đốt nhiều như vậy nhưng không hiểu tại sao bây giờ lại biến tướng đốt nhiều như thế. Để giải quyết được vấn đề này, trước hết là ý thức của mỗi người nhưng chính các vị trụ trì cũng cần giải thích, góp ý và nói rõ lễ nào chỉ cần những vàng mã nào. Thậm chí, có thể nói, nếu đưa nhiều vàng mã hơn thì không đồng ý.

Nhiều người cứ quan niệm “trần sao âm vậy” nên mua hết nhà tầng, xe hơi, xe máy bằng giấy đề đốt. Liệu có phải cứ như vậy mới là có lòng thành?

Nhiều người nhìn vào đó để thể hiện hơn nhau về nhiều tiền, làm lễ to hơn, nhiều vàng mã hơn người khác. Nhìn qua có thể thấy số lượng quá lớn, thậm chí có một sự đua đòi kinh khủng. Vì vậy, cần sự tuyên truyền không phải nhiều mới tốt. Các cụ thời xưa không như vậy sao nhiều người bây giờ cứ phá bỏ những nét đẹp đó, tự truyền nhau là nhiều đồ vàng mã mới may mắn hay mới bày tỏ được lòng thành.

Còn những biến tướng khi đi lễ chùa như lễ vật đồ mặn, ăn nói không văn hóa ở nơi linh thiêng năm nào cũng nói, Giáo sư suy nghĩ như thế nào?

Đúng là như vậy, người đi xô bồ, chen lấn, làm những hành động mà cảm giác như ngoài nhà ga, bến tàu chứ không phải chốn thanh tịnh, linh thiêng. Thậm chí, việc mang cả đồ mặn lên chùa để cúng bái là không thể chấp nhận được. Thần phật chỉ cảm động hành động tốt, việc làm tốt chứ không cảm động ai có nhiều của, ai có nhiều lễ… Có người nghèo, lên chùa chỉ có hương hoa, tấm lòng thanh tịnh cũng rất được đánh giá cao.

Trước dịp lễ chùa ngày Tết Nguyên Đán đang đến gần, chuyên gia có lời khuyên gì với những người sẽ đi lễ chùa tới đây?

Đến với nơi linh thiêng, ai ai cũng sẽ có những ước vọng. Và để có thể đạt được ước vọng đó thì phải chuẩn bị tâm thế khi đi lễ chùa. Tâm thế đó là cách ứng xử, ăn nói, đi đứng, cách dâng hương hoa, cách cúng bái, cách góp tiền công đức… để tạo nên sự thông quan với Thần Phật như dân gian quan niệm. Chỉ khi làm tốt như vậy mới cảm thấy tâm hồn thanh thản, bình an, ấm lòng hơn.

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bạn đọc