Đi làm xa cả năm mới về nhà, tôi ứa nước mắt nhìn mâm cơm mẹ nấu

Ngày 09/08/2019 11:55 AM (GMT+7)

Chẳng biết từ bao giờ chốn phồn hoa đô hội kia đã cuốn tôi đi, khiến tôi chìm đắm trong guồng quay cơm áo gạo tiền đó mà quên đi có một nơi luôn ngóng chờ tôi về. Nếu hôm nay đây không phải vì tiện chuyến công tác, có lẽ tôi đã không về Vu Lan báo hiếu cùng bố mẹ.

Đi làm xa cả năm mới về nhà, tôi ứa nước mắt nhìn mâm cơm mẹ nấu - 1

Đợt này, công ty mở rộng thị trường nên những chuyến công tác xa đã trở nên quá quen thuộc. Một đứa con gái sắp tròn 30 tuổi đến nơi vẫn chưa mảnh tình vắt vai, vali tôi luôn trong trạng thái sẵn sàng cho những chuyến công tác. 

Tôi sinh ra ở vùng nông thôn, sau này lên thành phố học đại học rồi ở lại đi làm. Cuộc sống với một đứa con gái quê mùa ở chốn đất chật người đông, phồn hoa đô thị này thật chẳng dễ dàng chút nào. Nhưng cuộc sống mà, càng thử thách khó khăn càng khiến con người ta trưởng thành. 

Đi làm xa cả năm mới về nhà, tôi ứa nước mắt nhìn mâm cơm mẹ nấu - 2

Ảnh minh họa. 

Tôi đã trải qua khá nhiều công việc trước khi có được vị trí phó phòng hiện tại. Những áp lực khiến một đứa con gái nặng chưa đầy 45kg như tôi chẳng còn ngần ngại trước những đêm tăng ca hay chuyến công tác tại 5-7 tỉnh. Đã có những thời gian, ước mơ duy nhất của tôi chỉ là một giấc ngủ đã đời, không cần ăn uống gì cả. Cứ nghĩ cố đến khi lương được từng này từng kia thì sẽ thôi nhưng đến khi đạt được rồi, con người ta lại càng muốn phấn đấu hơn nữa. 

Vì công việc bận nên mấy năm nay tôi cũng ít có thời gian về quê. Lần này tiện công việc kết thúc sớm lại khá gần quê nên tôi bắt ngay chuyến ô tô gần nhất để về thăm bố mẹ. Dù sao cũng sắp đến ngày lễ Vu Lan. 

Xe chạy gần về đến nhà tôi mới chợt nhớ ra, không biết giờ này có ai ở nhà không. Gọi điện thông báo con sắp về đến nhà, mẹ tôi giọng phấn khởi lắm, luôn miệng hỏi con muốn ăn gì. 

"Con ăn gì cũng được. Mà mẹ làm ít nem với cà dầm tương đi!". 

Địa điểm đón trả khách khá gần nhà nên tôi chỉ cần đi bộ 5 phút là tới nơi. Vừa mở cổng, một cảm giác rất khó tả trong tôi ùa về. Tôi đã không nhớ nổi chính xác lần gần nhất mình về là cách đây bao nhiêu tháng. Chỗ mái hay bị dột của căn bếp kia đã được sửa từ bao giờ mà tôi chẳng hay. 

"Con về rồi đấy à. Ông ơi! Con nó về rồi". 

Mẹ tôi từ trong bếp chạy ra, lau vội cái tay rồi đưa cho tôi một chiếc khăn mặt. 

"Rửa mặt mũi chân tay đi cho tỉnh người rồi vào nhà con. Mẹ vừa đi chợ, giờ làm ù một lúc là có cơm ngay". 

Tôi vào nhà chào bố rồi cất túi thay giày. Chuyến công tác vừa rồi khiến tôi mệt mỏi không ít. Bố vẫn vậy, luôn là những câu hỏi công việc, sức khỏe của tôi thế nào và tuyệt nhiên không bao giờ đả động đến chuyện lấy chồng. Tôi biết bố sợ gây áp lực sẽ khiến tôi chẳng còn muốn về nhà. Nghe bố dặn dò một lúc, tôi bảo bố muốn xuống bếp giúp mẹ một tay. 

Chẳng biết bao năm rồi tôi không còn phải nấu trong căn bếp ấy. Nhìn căn bếp với những nồi niêu xoong chảo đít đen sì rồi lại nhớ đến căn bếp đủ mọi tiện nghi của mình trên thành phố, tôi không khỏi giật mình. Những thứ ở nơi đây, ít thì cũng đã có từ chục năm trước, cái lâu thì thậm chí còn hơn tuổi tôi. 

"Mẹ cần con làm gì không?"

"Cứ lên nhà nghỉ ngơi nói chuyện với bố đi. Mẹ chỉ làm một loáng là xong thôi. Đừng xuống đây làm gì, nóng lắm". 

Một tay mẹ nhanh quệt mồ hôi, tay kia vẫn đang băm thịt. Nhìn sang đủ thứ nguyên liệu xung quanh, tôi thấy có chút hối hận khi đã nói mẹ làm món nem. Đã bấy lâu nay tôi ít khi tự nấu ăn, nếu có cũng là mua nem đông lạnh về chỉ việc rán là ăn.

"Sao mẹ không cho tất vào máy xay cho nhanh, nóng thế này băm băm thái thái đến bao giờ". 

"Phải làm thế này nem mới ngon. Con có việc gì thì làm đi xong nhanh còn ăn cơm. Nem là cứ phải ăn nóng, cầm cả cái ăn mới sướng. Con đói chưa?". 

Tôi lắc đầu rồi lên nhà ngồi cho mẹ khỏi nghĩ ngợi. Câu nói của mẹ khiến những ký ức từ cả 2 chục năm về trước bỗng ùa về. Tôi còn nhớ như in mọi chuyện như mới vừa hôm qua thôi, nhất là khi những ngày Tết được mặc quần áo mới, ăn ngon. Hồi ấy ông bà nội tôi còn sống, lũ trẻ con sẽ vây quanh căn bếp, chỉ chờ bà nội với mẹ rán ra cái nem nào là nhanh tay nhón ngay cái ấy. Mà đặc biệt là nem phải cuốn cái dài, không cắt nhỏ, cầm tất cả cắn ăn mới sướng. 

Một lúc sau, mẹ tôi bê lên mâm cơm với đĩa nem rán còn đang nóng hổi, cá kho và rau muống luộc cùng cà dầm tương. Vừa đặt mâm xuống, mẹ gắp ngay một cây nem dài cho tôi. 

"Ăn đi con! Ăn nóng thế này mới ngon!". 

Quả thật, đã lâu lắm rồi tôi mới được ăn một bữa cơm gia đình với món nem ngón đến thế. Tôi ăn liền hết 3 cái nem dài rồi mới xới cơm ăn đến những món khác. Chao ôi cái món cà dầm tương của mẹ tôi sao mà ngon đến thế. Chỉ là cà pháo luộc chấm với tương thôi nhưng chẳng nơi nào có được vị như mẹ tôi làm cả. 

"Ăn từ từ thôi con. Khổ! Ở trên đấy chắc toàn cơm hàng cháo chợ thôi nhỉ".

"Nó còn bận bịu bao nhiêu việc, lại chỉ ở một mình, thời gian đâu mà nấu cơm tử tế được. Thôi tranh thủ ăn rồi vào nghỉ đi con".  

Đi làm xa cả năm mới về nhà, tôi ứa nước mắt nhìn mâm cơm mẹ nấu - 3

Ảnh minh họa. 

Nghe lời bố mẹ nói mà mắt tôi sao cứ cay cay. Mấy năm nay tôi luôn lấy cái cớ bận ra để thưa dần những chuyến về quê hay đơn giản chỉ là những cuộc gọi hỏi thăm bố mẹ. Phần vì công việc bình thường vốn bận bịu, đi lại xa xôi, phần vì tôi chẳng muốn về để đỡ phải nghe họ hàng hỏi: "Bao giờ lấy chồng". 

Hôm nay đây, nhìn khuôn mặt bố mừng rỡ khi đón con gái trở về, nhìn mẹ đổ mồ hôi nhưng miệng vẫn mỉm cười mà tôi thấy sao nhói tim quá. Chẳng biết từ bao giờ chốn phồn hoa đô hội kia đã cuốn tôi đi, khiến tôi chìm đắm trong guồng quay cơm áo gạo tiền đó mà quên đi có một nơi luôn ngóng chờ tôi về. Nếu hôm nay đây không phải vì tiện chuyến công tác, có lẽ tôi đã không về Vu Lan báo hiếu cùng bố mẹ. Miếng cá kho ngon quá mà chẳng hiểu sao cứ đắng ngắt trong miệng tôi. 

Tôi bỗng thấy sợ một ngày mai, khi tôi lập gia đình và trở thành con dâu nhà người khác. Chẳng biết khi đó sẽ là bao lâu tôi mới được về thăm bố mẹ, mới được ngồi ở hè nhà cắn cái nem dài do mẹ vừa rán xong. 

Nghẹn lòng câu chuyện của cô gái lấy chồng xa, bắt 6 chuyến xe mới về thăm được mẹ
Với những cô gái lấy chồng xa nhà, có lẽ, nỗi nhớ mẹ cha trở thành thứ ám ảnh họ nhiều nhất. Bởi thế, câu chuyện của những cô con gái làm dâu xứ người...
Hoàng Lê
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Lễ Vu Lan