Đừng ngạc nhiên nếu một ngày bạn nhận được quyết định sa thải khi liên tiếp mắc phải những câu nói cửa miệng sai lầm dưới đây.
Bạn tự nhận thấy bản thân là người có năng lực nhưng mối quan hệ với cấp trên lại chưa được tốt? Hãy nhớ rằng mỗi ngày bạn đều dành rất nhiều thời gian ở nơi làm việc, những bất đồng quan điểm là điều hoàn toàn xảy ra song cách bạn xử lý chúng mới là mấu chốt giúp bạn khẳng định vị trí của mình. Hãy cố gắng tạo được ấn tượng tốt trong mắt đồng nghiệp, đặc biệt là xây được mối quan hệ tốt đẹp với sếp bằng việc tránh 5 sai lầm "chết người" sau đây:
1.“Em cần tăng lương để lo việc gia đình”
Bạn muốn tăng lương? Hãy đưa ra những lý do cực kỳ thuyết phục dựa trên năng lực của bản thân để thuyết phục sếp của mình. Đừng bao giờ đưa những lý do cá nhân như giá điện nước tăng, tiền thuê nhà tăng hay nuôi con cái tốn kém để đề xuất tăng lương.
Trong một số trường hợp thực sự khó khăn, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ song nhìn chung, hãy chứng minh năng lực bản thân để cấp trên thấy được việc trả cho bạn một mức lương cao hơn là hoàn toàn xứng đáng.
Lời khuyên: Bạn có thể nói rằng: “Em đã tăng gấp 3 năng suất trong 6 tháng vừa qua và em muốn đề xuất một mức lương phù hợp hơn với sự nỗ lực của mình”.
2.“Em sẽ về sớm vì không còn việc gì để làm”
Nếu công việc bạn đang làm có dạng khoán, tức miễn là bạn hoàn thành xong việc là được, tự do về giờ giấc thì bạn có thể rời công ty sớm khi đã hoàn thành xong công việc. Tuy nhiên với những trường hợp còn lại, điều này sẽ không hề tốt cho sự nghiệp của bạn.
Một người sếp khi nghe phải câu nói trên sẽ dễ đánh giá bạn không thích thú với công việc, mặt khác, bạn có thể sẽ được giao một đống những công việc khác thay vì về sớm.
Lời khuyên: "Xin phép sếp cho em được về sớm vì chút chuyện đột xuất. Em đã hoàn thành công việc hôm nay", nếu có việc thực sự phải rời đi, hãy nói như vậy. Trong những trường hợp như vậy, không nhất thiết phải nói rõ lý do.
3.“Đó không phải là lỗi của em”
Biết nhận lỗi của mình, không biện minh và đổ lỗi cho người khác chính là dấu hiệu của trưởng thành. Việc bạn thành thật nhận khuyết điểm sẽ khiến cho sếp cảm nhận được sự tin tưởng và đáng tôn trọng ở bạn. Nếu sai lầm đó thực sự là do đồng nghiệp gây ra, bạn có thể đề cập chuyện này một cách kín đáo hoặc cùng đồng nghiệp khắc phục điều này. Việc trực tiếp đổ lỗi cho người khác chỉ khiến bạn trở nên ích kỷ, là người thoái thác trách nhiệm trong công việc.
Lời khuyên: Hãy cư xử khéo léo và thể hiện cho sếp thấy bạn là người làm việc có trách nhiệm: “Sếp nói rất đúng ạ. Em đã bỏ lỡ một số chi tiết. Từ giờ trở đi, em sẽ cẩn thận hơn ạ. Chúng ta có thể khắc phục theo những cách này không... ”.
4. "Em thật chẳng còn gì để nói. Em đi đây!"
Nếu muốn rời đi, hãy rời đi sau khi nói một lời xin phép lịch sự. Đừng bao giờ thể hiện sự tức giận, bảo vệ quan điểm cá nhân của mình bằng cách hậm hực ra ngoài và đóng sầm cửa lại. Điều này chỉ khiến những người khác thấy bạn làm việc không chuyên nghiệp và không coi trọng bạn. Vào thì khó chứ ra đi thì rất dễ, đừng ngạc nhiên khi hành xử theo cách này và bạn phải nhận quyết định sa thải.
Lời khuyên: Bạn có thể nói một cách í nhị hơn: “Em sẽ dành thời gian nhiều hơn để nghiên cứu thêm về vấn đề này. Có lẽ giữa chúng ta đang chưa có được sự thống nhất".
5.”Ở công ty cũ em được đào tạo như vậy”
Câu nói này rất dễ khiến người đối diện hiểu sai ý của bạn. Người sếp của bạn sẽ dễ nghĩ rằng bạn đang so sánh họ với sếp cũ của bạn, một cách nói khác của việc: "Sếp cũ của em giỏi hơn, chúng em vẫn làm vậy có sao đâu!".
Không ai muốn bản thân mình bị so sánh, câu nói này chỉ thể hiện bạn lười nhác và không muốn thay đổi bản thân. Thế giới đang thay đổi từng giờ, những người tư duy linh hoạt sẽ đem lại giá trị nhiều hơn những kẻ bảo thủ khó tính.
Lời khuyên: Nếu bạn có những ý tưởng mới, có thể thể hiện quan điểm của mình một cách khéo léo kèm theo những lý do thuyết phục: “Em có một ý tưởng và rất mong sếp cho em cơ hội để trình bày nó".