Những hành vi dưới đây có thể ngăn cản bạn giành được sự thăng tiến mà bạn vẫn mong muốn.
1. Thiếu sáng kiến
Không cấp trên nào muốn phải chỉ bảo bạn cách làm công việc của mình sau khi đã đào tạo bạn, họ cũng không muốn trông trẻ tại nơi làm việc. Trong một thế giới lý tưởng, bạn sẽ được đào tạo, bạn sẽ ra ngoài làm công việc của mình như những gì đã được học.
Tất nhiên, chúng ta không sống trong một thế giới lý tưởng, hông phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra như vậy. Bạn có thể phải chủ động đặt câu hỏi, học hỏi và sau đó chọn cách làm việc hiệu quả.
2. Thái độ tiêu cực
Hầu hết chúng ta dành khoảng một phần ba cuộc đời để làm việc. Không ai muốn bị mắc kẹt xung quanh những người tiêu cực, độc hại trong thời gian dài như vậy.
Thái độ xấu sẽ khiến bạn không được thăng chức, thậm chí bạn có thể là người đầu tiên bị sa thải khi công ty cần cắt giảm. Ngay cả khi bạn có kỹ năng hơn người đồng nghiệp dễ chịu của mình, họ vẫn có nhiều khả năng được thăng chức vì không ai muốn nghe những lời phàn nàn và tiêu cực từ bạn.
3. Chống lại những phản hồi
Không ai có thể làm mọi thứ hoàn hảo. Khả năng phản hồi và phản ứng với những lời chỉ trích mang tính xây dựng của một người là phần quan trọng để làm nên thành công.
Nếu bạn có khả năng tiếp nhận những thông tin phản hồi mà không cảm thấy bị xúc phạm, chọn lọc để tiếp thu từ đó và hoàn thiện mình, bạn sẽ ngày một tiến xa hơn. Trên thực tế, cấp trên không quan tâm đến cảm xúc của bạn mà quan tâm đến kết quả và người không chấp nhận phản hồi khó có được kết quả tốt. Nếu bạn không sẵn lòng phát triển và cải thiện thì bạn không đáng để họ đầu tư.
4. Tham gia vào các cuộc buôn chuyện nơi công sở
Chính trị văn phòng và chuyện ngồi lê đôi mách không phải là điều tốt dù bạn làm việc trong môi trường nào. Nói xấu sau lưng người khác là một cách để chứng minh rằng bạn không đáng tin cậy và do đó, bạn không xứng đáng được thăng chức.
5. Không có khả năng hợp tác
Trong các vị trí công việc, đa phần bạn sẽ không làm một mình. Khả năng làm việc tốt với người khác, dù là trong nhóm hay với khách hàng, là một phần thiết yếu để bạn tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Bạn sẽ phải giao tiếp và làm việc cùng những người khác để chứng minh rằng bạn có thể là một người chơi trong nhóm. Nếu bạn là kiểu người xa cách, thì bạn sẽ gặp khó khăn hơn.
6. Không chịu trách nhiệm
Khả năng giải quyết thất bại rất quan trọng vì nó cho phép đồng nghiệp hoặc cấp trên giúp bạn tìm ra giải pháp sớm hơn. Một người vô trách nhiệm có thể biến vấn đề nhỏ hiện tại trở thành vấn đề lớn hơn, tốn kém hơn nhiều trong tương lai.
7. Khả năng tự quản lý kém
Tự quản lý là một thành phần thiết yếu của thành công dù bạn làm việc trong lĩnh vực, ngành nghề nào. Nếu bạn luôn bằng lòng với khái niệm "đủ tốt" thì bạn sẽ tụt lại phía sau theo nhiều cách.
"Đủ tốt" thôi là chưa đủ khi cấp trên đang tìm kiếm những người có thể gánh vác khối lượng công việc tăng lên và nhiều trách nhiệm hơn thường đi kèm với việc thăng chức. Không chỉ là về công việc bạn bạn cũng cần có khả năng quản lý căng thẳng, thái độ và thời gian của chính mình.
8. Không có khả năng thích nghi
Nhiều trách nhiệm hơn thường đòi hỏi nhiều sự linh hoạt hơn. Những người có nhiều trách nhiệm hơn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh tại nơi làm việc hơn, những vấn đề mà họ có trách nhiệm giải quyết.
Giải quyết một vấn đề tại nơi làm việc hiếm khi dễ dàng như phép tính 1+1=2. Thay vào đó, có thể là 1+?=? khi bạn phải tìm ra kết quả mong muốn với một lượng thông tin hạn chế.
Đôi khi, điều này đòi hỏi phải có sự phỏng đoán có căn cứ và sau đó làm việc để tinh chỉnh câu trả lời. Sự sáng tạo và khả năng thích ứng là một phần thiết yếu của việc giải quyết vấn đề. Khi bạn không có khả năng thích nghi và sự linh hoạt, bạn sẽ khó có thể thăng tiến dù làm việc trong môi trường nào.