Một trong những thói quen tài chính tồi tệ nhất mà nhiều người mắc phải chính là mua đồ theo ý thích. Chúng ta đã quá quen với việc mua mọi thứ bằng thẻ tín dụng rồi trả tiền sau mà quên đi hậu quả mà việc mua hàng có thể gây ra sau đó.
Ngày hội mua sắm Black Friday đang đến gần. Những quảng cáo sản phẩm, lời mời gọi “một lần duy nhất trong năm”, “giá không thể rẻ hơn”… khiến bạn không thể cưỡng lại việc rút hầu bao?
Một trong những thói quen tài chính tồi tệ nhất mà nhiều người mắc phải chính là mua đồ theo ý thích. Chúng ta đã quá quen với việc mua mọi thứ bằng thẻ tín dụng rồi trả tiền sau mà quên đi hậu quả mà việc mua hàng có thể gây ra sau đó.
Hãy nhớ đến lần gần nhất bạn thấy hối hận vì đã chi tiền cho một thứ chẳng hề hữu dụng. Đừng bao giờ quên hỏi bản thân 6 câu này trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào.
1) Tôi có đủ khả năng thanh toán mà không cần dùng thẻ tín dụng hay vay mượn không?
Bạn có thể cười khi nghe thấy điều này vì nó rất rõ ràng song thực tế là nhiều người không thể vượt qua được ngay rào cản này. Đó cũng là lý do họ thất bại trong việc chi tiêu hợp lý và luôn mắc vào những khoản nợ.
Câu hỏi đầu tiên mà bạn cần đặt ra trước khi săn sàng khuyến mãi không nên chỉ dừng ở: "Tôi có đủ tiền mua cái này không?". Lý do là bởi nhiều người sẽ đưa ra những lý do biện minh cho việc họ thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Nếu bạn cần đến thẻ tín dụng hay đi vay mượn để mua một thứ gì đó, điều này có nghĩa rằng bạn không thể mua được. Tốt nhất hãy tiết kiệm và mua khi đã có đủ tiền trong tay.
Sự hiểu biết về khả năng thanh toán sẽ giúp bạn đưa ra được những quyết định đúng đắn, thay vì mang thêm gánh nặng.
2) Tại sao tôi muốn mua cái này?
Đúng! Điều mà bạn cần trả lời được chính là lý do bạn muốn mua thứ gì đó. Nếu bạn muốn mua một chiếc điện thoại đời mới chỉ để gây ấn tượng với ai đó, để trông “chất chơi” hơn, lý do của bạn sẽ là không phù hợp.
Tất nhiên, để cưỡng lại nhu cầu mua sắm và trả lời được câu hỏi này là điều không hề dễ dàng. Chúng ta luôn muốn mình phải bắt kịp được với phong cách, công nghệ và xu hướng truyền thông xã hội mới nhất.
Bạn nhận được tin nhắn và email mỗi ngày, những thứ khiến bạn phải nhanh chóng thốt lên kinh ngạc. “Ưu đãi phút chót!”, "Giá sẽ không bao giờ thấp như này nữa!", “Bạn luôn cần có một chiếc … trong tủ quần áo mùa hè của mình!”…
Hãy học cách đưa ra quyết định một cách đúng đắn. Bạn cần biết vì sao mình cần mua món đồ đó, lập kế hoạch chi tiêu cụ thể để chống lại sự cám dỗ từ truyền thông, quảng cáo. Hãy chi tiền cho những thứ thực sự đem lại hạnh phúc, niềm vui cho bạn thay vì lãng phí tiền của mình chỉ vì ý kiến của người khác?
3) Tôi sẽ sử dụng cái này trong bao lâu?
Đừng quá chú ý đến giá bán mà quên đi giá trị sử dụng thực sự của sản phẩm đó. Hãy luôn nghĩ đến tương lai xa hơn thay vì chỉ quan tâm tới cảm xúc lúc nhìn thấy sản phẩm đó đang treo lên kệ.
Trả lời câu hỏi thời gian sử dụng của sản phẩm sẽ giúp bạn tránh được sự hối hận khi quyết định bốc đồng và giúp tiết kiệm một khoản tiền kha khá.
Ngay cả một người không mấy ăn diện cũng khó lòng không xao xuyến trước chiếc váy đang được quảng cáo giảm tới 75%, cơ hội trong 1 ngày duy nhất. Điều bạn cần làm là kiềm chế bản thân khi nhận ra một giao dịch mua không thực tế lắm.
Những món đồ “trông có vẻ xinh xinh, hay hay” và đang được giảm giá dễ khiến bạn rinh về mà không nghĩ rằng mình sẽ sử dụng trong bao lâu. Một chiếc quần âu có giá 1 triệu đồng với chất lượng cao, có thể mặc đi làm hàng ngày nên được cân nhắc mua hơn một chiếc váy 800 nghìn nhưng chỉ mặc được đi ăn cưới, dạ hội rồi sau đó cất tủ.
Đừng chỉ quan tâm tới cảm xúc nhất thời. Suy nghĩ xa hơn về việc liệu bạn sẽ dùng nó bao nhiêu lần sẽ có thể giúp bạn tiết kiệm tiền.
4) Tôi đã sở hữu một cái gì đó tương tự chưa?
Có một sự thật thú vị là chúng ta thường rất dễ mua hàng lặp đi lặp lại chỉ vì bản thân không nhớ nổi mình đã sở hữu thứ gì đó tương tự chưa hoặc đơn giản là vì muốn nâng cấp.
Trước khi mua sản phẩm gì, hãy có kế hoạch trước để có thể cân nhắc kỹ lưỡng hơn và đảm bảo mình chưa có sản phẩm nào như thế. Hãy kiểm tra tủ quần áo trước khi mua một chiếc váy và kiểm tra tủ lạnh trước khi mua đồ ăn.
5) Nó có phù hợp với giá trị của tôi không?
Nếu bạn muốn một cách dễ dàng để nói “không” với việc mua hàng, đây chính là một câu hỏi hữu dụng.
Tiết kiệm là điều quan trọng và cần thiết song nó không có nghĩa rằng chúng ta cần ngừng chi tiêu, sống một cách kham khổ. Hãy chi tiêu hợp lý, biết bỏ tiền cho những thứ làm tăng thêm giá trị của mình.
Hãy tạo một danh sách những điều có thể góp ích cho bạn, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên giảm dần. Trước khi bỏ tiền ra mua bất cứ thứ gì, hãy đối chiếu xem, sản phẩm đó nằm trong phần nào thứ tự ưu tiên, đem lại giá trị gì cho bạn.
6) Tôi có đủ không gian cho nó không
Đây là một câu hỏi nhanh, chủ yếu nên dành cho các giao dịch mua những sản phẩm chiếm nhiều diện tích trong không gian sống của bạn.
Bạn có chỗ cho sản phẩm đó không? Hay bạn sẽ để tạm nó lên nóc tủ, gác xép, trong nhà kho? Hãy nghĩ đến điều này một cách nghiêm túc vì có những sản phẩm thực sự chỉ xuất hiện một vài lần trong phòng sau khi mua và sau đó nằm im lìm một góc trong nhà kho.
Không gian rất quý giá. Đừng để bất cứ thứ gì không hữu ích làm chật chội thêm không gian sống của bạn.