Hàng loạt các chương trình giảm giá được tung ra trong ngày Black Friday, nhưng phía sau đó là những "mánh khóe" được người bán che đậy khéo léo, nếu không tỉnh táo người tiêu dùng sẽ dễ bị sa đà, tiêu tiền quá tay.
Black Friday là ngày nào?
Black Friday - còn được gọi là ngày thứ sáu đen tối, là ngày thứ 6 cuối cùng của tháng 11 hàng năm, diễn ra sau lễ Tạ ơn 1 ngày. Năm nay, Black Friday rơi vào ngày mai (25/11).
Ngày hội này đã xuất hiện khá lâu, từ năm 1939. Tổng thống thứ 32 của Mỹ là Franklin D. Roosevelt là người đã khởi xướng ngày này với mục đích khá ý nghĩa, muốn kéo dài mùa mua sắm Giáng sinh nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong suốt một năm đói kém.
Tình trạng chen lấn, tranh giành hàng hoá ở Mỹ vào ngày Black Friday.
Dù tên gọi là “ngày thứ sáu đen tối” nhưng thực chất Black Friday lại mang một ý nghĩa rất tích cực: Ngày mở đầu cho chuỗi ngày mua sắm tấp nập và nhộn nhịp với mức giá giảm bất ngờ tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Theo một số nguồn thông tin, sở dĩ gọi là thứ sáu đen tối vì trước đây các cửa hàng sẽ đánh dấu bằng bút màu đen để ghi chú các khoản lợi nhuận. Còn màu đỏ để ghi những khoản lỗ thâm hụt. Càng nhiều màu đen trong sổ sách thì chứng tỏ càng có lời. Do đó màu đen trong thứ sáu đen tối ám chỉ ngày này các cửa hàng sẽ thu được nhiều lợi nhuận từ khách hàng mua sắm.
Một số tài liệu khác lại cho rằng, ngày thứ 6 đen tối xuất phát từ lễ Tạ Ơn tại Philadelphia – khi mà tình trạng tắc nghẽn giao thông kéo dài vào thứ 6 do mọi người ồ ạt ra đường mua sắm tạo nên tình cảnh hỗn loạn. Chính vì vậy “đen tối” dùng để nhắc đến sự kiện tồi tệ này.
Nhưng dù có nguồn gốc như thế nào thì sau nhiều năm, Black Friday lại trở thành ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm tại nhiều quốc gia. Cụ thể, trong thời gian này người tiêu dùng có thể săn được những mặt hàng với mức giá giảm bất ngờ (có thể giảm giá lên đến gần 80-90%). Đây là dịp cho những ai có nhu cầu có thể sở hữu món đồ như ý với chi phí tiết kiệm nhất. Còn các doanh nghiệp thì tranh thủ dịp Black Friday để thúc đẩy nhu cầu mua sắm của khách hàng, thu lại được nguồn lợi lớn vào thời gian này.
Sự thật "đen tối" trong ngày Black Friday: Nhiều bẫy mua sắm mà dân sành sỏi cũng không ngờ tới
Trước Black Friday vài tuần, các trung tâm thương mại, các sàn thương mại điện tử và các thương hiệu đều đã chuẩn bị trước cho sự kiện mua sắm có 1 - 0 - 2 trong năm này. Bên cạnh hình thức offline tại cửa hàng, các doanh nghiệp còn đẩy mạnh cả kênh online. Rất nhiều trang web chạy chương trình, quảng bá để người tiêu dùng tiếp cận và mua sắm dễ dàng hơn. Tuy nhiên, quá nhiều chương trình giảm giá được tung ra khiến các “tín đồ cuồng mua sắm” phải hoa mắt, chóng mặt và rất dễ rơi vào các bẫy mua sắm mà nhà bán hàng tung ra.
Tăng giá trước rồi gắn mác "giảm giá ảo": Trong ngày Black Friday, đa phần mọi mặt hàng đều được giảm giá thấp nhất từ 10-30%, nhiều thương hiệu còn giảm mạnh từ 70-75%, thậm chí lên đến 80%, 90%. Điều này khiến khách hàng rơi vào hiệu ứng tâm lý FOMO, rất dễ xuống tay mua sắm mà không nhận ra giá của các sản phẩm đều đã được nâng lên rất cao so với bình thường để sau khi giảm giá, nhà bán hàng vẫn thu về “cả vốn lẫn lời” đầy đủ.
Chiêu quảng cáo "số lượng có hạn": Giới hạn số lượng sản phẩm bán ra là một chiến lược tiếp thị tuyệt vời để các doanh nghiệp thu hút khách hàng. Theo MBAKnol.com, “chiến lược tiếp thị phiên bản giới hạn mang lại cảm giác độc quyền vì các sản phẩm có số lượng ít và chỉ được bày bán thời gian ngắn.” Chính vì vậy, chiếc “bẫy” này giăng lấy tâm lý người tiêu dùng có nhu cầu phải xuống tay chốt đơn ngay lập tức, tránh bị khách hàng khác “nẫng tay trên”.
Xả hàng tồn kho, hàng lỗi với giá rẻ: Khi mua hàng giá trị cao, tâm lý của khách hàng là thường kiểm tra rất kỹ vì sợ phí tiền. Nhưng trớ trêu, khi mua hàng giảm giá, khuyến mãi, người mua lại chọn số lượng nhiều và chọn rất nhanh mà không xem xét màu sắc, kiểu dáng, so sánh với mặt bằng chung của giá cả thị trường. Thực tế, Black Friday cũng là dịp các nhà bán hàng tung ra sản phẩm tồn kho, hàng tồn, hàng lỗi với giá rẻ mà nhiều người mua xong mới nhận ra.
Khung cảnh ngập tràn biển hiệu, quảng cáo giảm giá trong ngày Black Friday
Mỏi mắt tìm hàng giảm 50%, 70% như quảng cáo: Các tín đồ mua sắm quá rành với hình thức giảm giá "up to %". Với hình thức này, sẽ chỉ có một lượng sản phẩm rất ít được giảm đến giá trị được quảng cáo. Các sản phẩm còn lại sẽ được giảm với mức 5-10%, thậm chí không hề giảm giá. Dù vậy, bán hàng khuyến mãi là đánh vào tâm lý người tiêu dùng để người tiêu dùng cảm thấy thích thú, kích thích việc mua hàng nên hiệu quả đáng trông thấy của chiến dịch giảm giá này là tiếp thị được lượng hàng hoá tới phân khúc khách hàng lớn mà không tốn chi phí quảng cáo.
Những bí kíp mua sắm vào Black Friday để không bị “hớ"
Dù biết “thứ sáu đen tối” là dịp vô cùng thích hợp để mua sắm tiết kiệm chi phí nhất trong năm nhưng để tránh mất tiền oan và không tốn sức tranh giành, các chị em cần phải tỉnh táo khi mua hàng. Dưới đây là một số bí kíp mua sắm hàng hoá vào Black Friday để không bị “hớ" hay quá tay mà cháy túi.
So sánh giá giảm so với các thời điểm khác trong năm: Cần có sự so sánh giá với trước đợt lễ cũng như giữa những cửa hàng với nhau. Không ít kì giảm giá giữa năm (30/4, 1/5 hoặc 9/9) lại có giá tốt hơn hẳn dịp cuối năm bởi thời điểm cuối năm cạnh thường cạnh tranh cao, theo quy luật thị trường thì chi phí cho những thứ liên quan như marketing, chạy quảng cáo sẽ lên. Chính vì vậy, đừng vội xuống tiền khi nhìn thấy những mức giảm giá 50%, 70%...
Chú ý vào chất lượng và giá thành trên từng sản phẩm: Như đã trình bày ở trên, khi mua hàng giảm giá, khuyến mãi, người mua lại chọn số lượng nhiều và chọn rất nhanh mà không xem xét màu sắc, kiểu dáng… dẫn đến việc rất nhiều người mua phải hàng lỗi, hàng tồn, lệch size khiến mua về không thể sử dụng được. Hãy kiểm tra kỹ càng sản phẩm giảm giá mà bạn có ý định “tậu” để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”, mua về không dùng được còn mang thêm “bực mình”.
Theo dõi các trang MXH, các hội nhóm mua sắm: Đa phần các cửa hàng, nhãn hiệu đều có cho mình một trang MXH hoặc website chính thức. Và các thông tin về Black Friday như thời gian, mặt hàng, giá bán, địa điểm đều được cập nhập thường xuyên trên đó. Hãy thường xuyên lướt MXH, tham gia các hội nhóm để tìm thấy những đơn hàng giá hời, các thông tin khuyến mãi của các sản phẩm mà bạn muốn mua. Ngoài ra, “buôn có bạn, bán có phường”, việc theo dõi trong các hội nhóm mua sắm sẽ giúp các chị em tích lũy hàng tá “thông tin” có ích về các dịp khuyến mãi.
Tránh mua quá nhiều cùng một lúc: Tâm lý chung của người tiêu dùng là “càng mua nhiều càng tiết kiệm”, chính vì vậy có hàng loạt chương trình tung ra như “mua 2 tặng 1”, “mua 3 tính tiền 2”...., tuy nhiên một số sản phẩm chỉ còn hạn sử dụng ngắn, hoặc sắp lỗi thời. Đặc biệt lưu ý với các sản phẩm như mỹ phẩm, thời trang phụ kiện, đồ gia dụng… đây là những sản phẩm chỉ nên mua cầm chừng.
Liệt kê các món đồ muốn "săn": Để tránh tình trạng “cháy túi” trong đợt giảm giá lớn này do bị thu hút bởi rất nhiều sản phẩm, bạn hãy lên danh sách những thứ cần mua và ghi chép chúng vào một cuốn sổ nhỏ, đừng để bản thân phân tâm bởi những món đồ mình không thực sự cần, vừa khiến bạn tốn thời gian lại tốn tiền một cách “vô bổ”.