Tôi không oai nhưng tôi tin chắc rằng, lương của tôi còn hơn khối người học đại học, cao đẳng, thậm chí là người có học hàm, học vị cao hơn nữa.
Căn bản vì sao các bạn biết không, vì tôi đam mê và gắn bó với nghề. Tôi nói ra điều này để một số bạn hiểu rằng, chuyện chọn công việc là chuyện vô cùng quan trọng. Quan trọng là mình có yêu công việc đó không, có muốn gắn bó với công việc đó không và khi đã quyết định chọn rồi thì phải theo đuổi, phải hết lòng với nó, ít nhất là trong khoảng thời gian mình còn làm việc ấy.
Có nhiều người, có bằng đại học lại là bằng giỏi, luôn không hứng thú với công việc hiện tại mình làm. Vì bản thân họ nghĩ, họ sẽ có thể kiếm được công việc tốt hơn, với số tiền lương cao hơn. Nhưng quan trọng là, họ chưa dám bước ra ngoài, chưa dám bỏ công việc này và xin việc khác. Vì họ chưa thật sự tự tin vào bản thân mình và cũng không biết, công việc mình sẽ chọn tiếp sau đây có tốt như việc mình đang làm hay không. Đó chính là tâm lý ‘đứng núi này trông núi nọ’.
Tự hào về bằng cấp là chuyện không nên chút nào. Người ta nói, ‘trăm hay không bằng tay quen’ bởi, đúng là có những người trong nhà trường, họ học rất giỏi, nhưng ra ngoài xã hội chưa chắc đã bằng những người có kinh nghiệm mà học lực kém.
Có nhiều người, có bằng đại học lại là bằng giỏi, luôn không hứng thú với công việc hiện tại mình làm. (ảnh minh họa)
Tôi không làm công việc tri thức quá nhiều, và tôi cũng bắt đầu đi làm từ khi học xong cấp 3, nhưng với sự kiên trì, cố gắng, cuối cùng tôi cũng được cất nhắc. Và giờ thì tôi có mức lương như vậy. So với nhiều người đó là số tiền ít, nhưng với tôi, với học lực của tôi, tôi thấy nó xứng đáng và có thể nhiều hơn một số bạn học xong đại học bây giờ. Hiện tại, có quá nhiều người học xong đại học thất nghiệp, hoặc còn giấu bằng đi làm thuê, vì họ không xin được việc và họ cũng không thể nói mình học đại học lại đi rửa bát, làm người giúp việc được.
Thế nên, với bản thân tôi, tôi khuyên các bạn, hãy bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất, đơn giản và ít nhất, để tích tiểu thành đại, nếu như mình chưa thật sự là người xuất chúng. Còn nếu bạn là người quá giỏi, được các công ty mời gọi, hoặc có cơ hội tốt từ những người quen biết thì tôi không nói làm gì.
Có người học xong thạc sĩ còn đi làm thuê, chuyện này không phải hiếm, và họ cũng chẳng dám nói tới bằng cấp trong những trường hợp này. Vậy có phải là, các bạn đã để lãng phí sự nghiệp học hành của mình vì quá tự cao hoặc quá coi trọng cái gọi là danh dự hay không? Cái gì cũng thế, phải có sự khởi đầu thì mới có kết thúc tốt đẹp được, phải có con số 1 thì mới có con số 10, đừng tự đặt mình lên địa vị quá cao khi xã hội còn ti tỉ thứ xung quanh cái gọi là bằng cấp.
Đôi điều chia sẻ của tôi trước tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp quá nhiều, mong các bạn đọc và thấy hiểu.
Nam Châm
Mời đọc bài viết hay, hấp dẫn của Eva tám tại đây: