Khi thấy tiền rơi, ai là người nhặt?

Ngày 19/10/2013 08:56 AM (GMT+7)

Tin về cướp giật ở TP. HCM thì có nhiều nhưng chuyện bị giật túi rơi 50 triệu ra đường mấy hôm trước lại đặc biệt gây sự chú ý.

Bởi vì một bức ảnh chụp lại cảnh rất nhiều người xông vào, không phải để giúp bắt cướp, mà là để nhặt những tờ 500.000 đồng rơi vung vãi trên đường. Cư dân mạng lại có dịp sục sôi bàn tán về chuyện: “Thấy của rơi, tạm thời đút túi” hay  lòng tham của con người. Nhiều người chẳng ngại ngần công nhận nếu rơi vào hoàn cảnh đó cũng sẽ dừng xe nhặt tiền làm của riêng chứ không đạo đức giả bỏ đi hay nhặt để trả lại người bị hại. Nhiều người bi quan còn than vãn: “Hóa ra người Việt vẫn hoàn người Việt: tham lam, cơ hội, chụp giật”.

Công nhận làm anh hùng bàn phím dễ thật là dễ, cứ đứng ở trên cao mà phán xét người khác thì ai cũng làm được. Nhưng nếu đặt mình trong hoàn cảnh đó: một đống tiền rơi ngay trước mặt, xung quanh bạn hàng tá người đang cúi xuống nhặt rồi bỏ đi, thử hỏi bản lĩnh của bạn đến mức nào? Sẽ dằn lòng bước đi hay cao thượng hơn là cố nhặt thật nhiều rồi mang đến gặp chú công an nộp lại cho người bị hại giống như sách giáo khoa dạy?! Hoặc bạn sẽ chọn một cách đơn giản, dễ dàng hơn rất nhiều là nhặt tiền, đút túi rồi bỏ đi vì thật ra chẳng ai biết bạn là ai; cũng chẳng ai có thể bắt tội được bạn. Hãy nghĩ kĩ đi rồi hẵng trả lời.

Quay trở lại câu chuyện về vụ cướp ở trên, lúc mới khi đưa tin, không thiếu những lời lẽ đao to búa lớn than vãn về lòng tự trọng của con người Việt Nam đang ngày càng xuống cấp được giáng xuống từ khắp các diễn đàn mạng. Công nhận, người Việt Nam quả cũng có nhiều tật xấu. Cái chuyện qua đường chỉ thích xúm xít vào hóng hớt, chụp ảnh để buôn chuyện mang tính bầy đàn thì đầy ra. Nhưng để thực sự ra tay giúp đỡ hay làm cho tình huống trở nên bớt hoảng loạn hơn thì không có. Một vài người bây giờ khá thờ ơ với chuyện xảy ra xung quanh mình, những chuyện có thể mang lại lợi ích cho người khác chứ không phải cho mình thì tuyệt đối không làm.

Khi thấy tiền rơi, ai là người nhặt? - 1

Một vài người bây giờ khá thờ ơ với chuyện xảy ra xung quanh mình, những chuyện có thể mang lại lợi ích cho người khác chứ không phải cho mình thì tuyệt đối không làm.
(Ảnh minh họa)

Chuyện sẽ tiếp tục buồn hơn nếu như không có thông tin gần đây nhất về một thanh niên đã chứng kiến mọi việc từ đầu rồi ra tay giúp đỡ người bị hại đã khẳng định: “Phần lớn những người xông vào nhặt tiền là đồng phạm của tên cướp”.  Cảm ơn anh, người (có thể là) duy nhất đã dũng cảm ra tay thật sự để giúp đỡ người bị hại. Và cảm ơn hơn nữa vì anh với những hành động của mình đã giúp giữ lại chút niềm tin về những người tốt trong xã hội này.

Ở đâu cũng thế luôn có người tốt và người xấu, thử mang một đống đô – la và đổ ra giữa đường thì ở khắp thế giới này, ở chỗ nào người ta cũng sẽ xúm vào nhặt (trừ những bộ tộc không biết tiêu tiền). Lòng tham của con người ở khắp thế giới này là như nhau bởi vì bản chất con người vốn dĩ là như thế. Đụng một chút chuyện là lại xúm vào bôi xấu người Việt thế nọ thế kia; các bạn dường như càng làm hình ảnh người Việt Nam trở nên xấu xí hơn. Cảnh tỉnh người khác cũng là một việc tốt nhưng góp ý phê bình cần mang tính xây dựng chứ không phải dìm hàng. Đặc biệt là lại dìm hàng chính những người cùng chung một quê cha đất tổ thì có khác nào các bạn đang nói về chính mình.

Niềm tin, trong cuộc sống cực kì quan trọng. Từ những mối quan hệ cốt lõi như giữa vợ chồng; giữa cha mẹ con cái; giữa sếp và nhân viên; niềm tin luôn là thứ giữ người ta tôn trọng nhau, chung sống cùng nhau một cách tử tế. Vậy thì nếu muốn cuộc sống và xã hội tốt đẹp hơn, chẳng lẽ bạn lại không thể cho đi một chút niềm tin của mình.

Còn về chuyện “tiền rơi có nhặt hay không?”, xin được trích đăng một ý kiến của một bạn trẻ trên mạng: “Sống mà không để lại phúc đức thế này thì đừng hỏi số mình tại sao mãi bần cùng mạt rệp. Không nghĩ cho mình cũng phải nghĩ cho con cái mình chứ. Người sống có đức thì con cháu có gặp chuyện gì rồi cũng qua. Cái ngữ này đến lúc có chuyện đừng nhìn trời hỏi vì sao nhé. Trên đời này chẳng có cái gì từ trên trời rơi xuống mà hí hửng lượm lượm đâu. Cái gì cũng sẽ trả giá, chỉ là sớm hay muộn, mà càng muộn trả lãi càng nặng”.

Vâng, chẳng gì dễ hơn cái hành động nhặt tiền rơi rồi đút vào túi nhưng làm việc đúng đắn thì không bao giờ dễ dàng.

Hoàng Đức
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG