Nhận thư xin lỗi của con dâu, người mẹ thức trắng khóc nhiều đêm. Sau một năm suy nghĩ, mới đây, bà đã viết thư hồi âm rằng mẹ không thể không tha thứ, dù con có dại dột đến bao nhiêu...
Chồng mất sớm, bà H. (64 tuổi, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM) chỉ có một đứa con trai duy nhất nhưng lại ăn chơi, hút chích. Bảy tháng sau khi con trai bà bị bắt vì buôn ma túy, người con dâu tên HTTA (SN 1984) cũng theo người tình đi buôn ma túy, để lại cho bà đứa cháu nội mới được bốn tháng tuổi.
Con xin lỗi
Con được chín tháng, A. quay về xin lỗi mẹ chồng, xin được đoàn tụ gia đình và được chăm sóc con gái. Giận con dâu nhiều lắm nhưng bà H. lại nghĩ A. làm vậy cũng là bước đường cùng khi mà chồng đi tù, con còn nhỏ. “Nhìn nó chăm sóc, cưng nựng con gái tôi vui lắm. Tha thứ là cách tôi phải làm để cháu có mẹ, gia đình được đoàn tụ và tạo cho nó cơ hội sửa sai, làm lại từ đầu”.
Bao nhiêu tình thương, lòng vị tha và tình cảm của người mẹ bà dành hết cho con dâu. Nhưng về với con chưa đầy tháng, A. đã bị công an đến nhà đọc lệnh bắt vì tội mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy. Không những thế, A. còn bí mật bán con mình cho người khác. Phải tìm mọi cách bà H. mới ngăn được việc làm của con dâu, đưa cháu nội về nuôi.
“Nhìn nó ngồi trên xe bịt bùng rồi nhìn cháu nội khóc ngất mà tôi suy sụp và căm hận. Con cái sinh ra, yêu thương không hết sao nó lại nỡ mang bán cho người ta?!” - bà H. nói.
Từ trong trại giam Thủ Đức (xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, Bình Thuận), A. viết thư gửi về:
“Con xin lỗi mẹ! Ngàn lần xin lỗi mẹ. Con chẳng dám xin mẹ tha thứ, vì con chẳng đáng được như thế. Suốt hơn hai năm ngồi tù, nghĩ về những việc mình đã gây ra để mẹ buồn và thất vọng con thấy mình thật ích kỷ, nhẫn tâm. Con là mẹ, sinh con gái mình, không nuôi được còn mang đi bán cho người ta, rất may, mẹ đã kịp ngăn lại. Là mẹ mà con lại đi làm việc tội lỗi để mình phải đi tù, tạo cho con bé một tương lai mù mịt, để mẹ đã già mà phải thay con nuôi cháu nhỏ…
Rất nhiều lần đứng trước mẹ, con muốn nói xin lỗi, muốn xin mẹ tha thứ cho việc làm của con nhưng lại chẳng làm được. Hôm nay, trại giam phát động phong trào viết thư xin lỗi người thân và những người bị hại con mới dám nói hết suy nghĩ của mình. Mẹ như người mẹ thứ hai của con. Mẹ có một tấm lòng rất cao quý, bao dung, độ lượng. Mẹ yêu thương, chăm sóc, chỉ bảo mà con chẳng nghe lời, chỉ biết làm theo ý mình và chạy theo sự tha hóa của đồng tiền để phải trả giá, phải xa con nhỏ, xa mẹ và xa gia đình thân yêu…
Con sai rồi mẹ ạ! Nhưng khi nhận ra mình sai thì đã quá muộn. Giờ đây, mỗi ngày con chỉ biết sống chậm lại để nghĩ về những việc mình đã làm, nghĩ về mẹ, về con gái mình. Con chỉ mong sao, mẹ và bé Mun (con gái A.) luôn khỏe mạnh, bình yên. Nhất định, con sẽ cải tạo tốt để sớm trở về bên mẹ và con gái con!”.
Lòng mẹ nặng trĩu
Lá thư của A. gửi về từ đầu năm 2014. Mỗi lần cầm thư trên tay là bao ký ức đau buồn cứ ùa về làm bà uất hận. Lòng bà nặng trĩu, thương cho đứa cháu nội, lúc nào cũng nhắc đến mẹ. Mỗi khi chiều về, thấy mấy đứa nhỏ trong xóm chạy ra đường đón mẹ đi làm về và được mẹ bế, ôm ấp là em hỏi nội: “Mẹ con đâu? Sao mẹ con đi làm mãi chẳng về?”. Ai mua cho đôi dép mới, bộ quần áo mới em cũng bảo là của mẹ mua. Mấy bộ quần áo của A. treo trong nhà, biết đó là áo của mẹ, em không cho ai động vào.
“Nghĩ cho con bé, tôi chỉ muốn lấy lá thư ra đọc đến hết, để tìm trong đó một tia sáng và lòng vị tha. Nhưng vừa đến cái tên của mẹ nó thì tôi không thể chấp nhận lời xin lỗi đó. Tôi không thể tin nó nữa. Nó đã định bán con một lần thì sẽ bán lần hai. Chưa chắc nội dung trong thư là của nó viết. Nếu nó có viết thì cũng chỉ là người khác tác động, hay chỉ là những lời nói chẳng phải xuất phát từ tâm” - bà H. trải lòng.
Tôi hỏi: “Nếu không tha thứ có làm cô sống vui hơn?”. Bà nghẹn ngào: “Không. Lúc nào tôi cũng nghĩ về những chuyện vợ chồng nó gây ra. Mỗi đêm chẳng ngủ được, mang lá thư ra thềm ngồi mà nước mắt cứ chảy dài trên má”…
Tôi nói: “Nếu nghĩ cho bé Mun và nghĩ đến tha thứ để mình được thanh thản hơn thì cô hãy làm điều đó!”. Im lặng một lúc bà nói: “Tôi sẽ suy nghĩ”.
Chạy xe trên đường về, tôi chỉ mong bà H. sẽ tha thứ cho con dâu để mình nhẹ lòng hơn, bé Mun sẽ sớm được gặp mẹ. Tôi cũng mong những lời A. viết trong thư là tận đáy lòng của chị.
Đã viết thư hồi âm cho con dâu Hôm qua (7-9), gọi điện thoại cho tôi, giọng bà H. trở nên vui: “Tôi không giận con A. nữa. Giận nó, hận nó mình cũng chẳng vui. Bé Mun chưa biết chuyện mẹ nó đi tù, tôi không muốn nó nghĩ không tốt về mẹ. Tôi đã viết thư lại cho nó rồi. Viết xong lá thư, tôi thấy lòng thật thanh thản”. Bà cho biết từ ngày A. đi tù đến nay, chưa một lần bà vào thăm. “Tôi nghĩ cần phải cho bé Mun gặp mẹ nó. Giờ tôi sẽ góp tiền để cuối năm hai bà cháu sẽ đi thăm nuôi. Mấy lần đi thăm ba bé Mun, tôi cũng đưa cho nó ít tiền rồi nó đưa lại cho tôi trước mặt con bé, làm vậy để con bé nghĩ ba mình đang đi làm. Khi nào đi thăm con A., tôi cũng sẽ làm thế”. “Thư gửi lời xin lỗi” là phong trào được Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) phát động vào năm 2013. Tổng cộng có 7.000 bức thư được viết đi, chiếm khoảng 90% số phạm nhân tham gia. Nội dung những lá thư này là lời tâm sự, sự ăn năn hối cải của những phạm nhân đã vô tình hay cố ý có hành vi vi phạm pháp luật và đang thi hành án tại trại giam Thủ Đức. Những người này đã viết thư xin lỗi gửi đến gia đình các nạn nhân, xin lỗi đến cha mẹ, vợ chồng, anh em hoặc cơ quan, đoàn thể nơi họ từng công tác hoặc sinh sống. |