Như em biết đấy, khi những con gió heo may ùa về, khi trên vỉa hè xuất hiện nhiều một cách bất thường những người bán hoa …ấy là khi ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 hay còn có tên gọi khác là 'ngày phụ nữ đòi quà' cũng ùa tới.
Gửi vợ của anh, người đàn bà đã nhảy dù vào nhà anh bao nhiêu năm qua. Như em biết đấy, khi những con gió heo may ùa về, khi trên vỉa hè xuất hiện nhiều một cách bất thường những người bán hoa …ấy là khi ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 hay còn có tên gọi khác là ngày phụ nữ đòi quà cũng ùa tới.
Rồi một ngày nào đó, chắc là không xa nữa em cũng sẽ “xuất bản” cho anh một nàng công chúa hay một chàng hoàng tử. Anh vốn là người đàn ông tân tiến hiện đại, với anh gái hay trai không hề quan trọng, bởi con nào cũng là con (nhưng nếu được con trai thì tốt hơn).
Anh tưởng tượng ra ngày con gái mình lớn lên, trở thành thiếu nữ rồi cũng xuất sắc trở thành vợ một gã trai nào đó, con chúng ta sẽ đứng vào hàng ngũ đông đảo của những người được mệnh danh là một nửa của thế giới.
Mà kể cũng lạ, cán cân giới tính nhiều năm qua đã có nhiều thay đổi. Ngay ở xứ ta, nhiều số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ cặp vợ chồng sinh con trai đã nhiều hơn con gái, vậy nhưng phụ nữ vẫn cứ là một nửa thế giới vậy thôi. Cũng như việc, dù anh có là trụ cột kinh tế, dù lương anh có tăng, dù chức của anh có lên cao thì về đến nhà anh vẫn chỉ là kẻ tiêu thụ một cách kiên nhẫn những món ăn của em nấu ra và đều đặn nộp tiền cho em đúng hẹn và mẫn cán.
Ngày các ông bố, các nàng sẽ lý lẽ: Muốn làm ông bố anh phải có một đứa con mà đứa con đó thì lại do em sinh ra bằng một quá trình thai nghén sinh đẻ lâu dài đau đớn. (ảnh minh họa)
Bọn đàn ông, à không thực ra là một số gã đàn ông bạn anh vẫn thường kêu ca tại sao phụ nữ xứ ta có nhiều ưu ái vậy. Sự ưu ái ấy được họ hợp thức hóa tài tình đến nỗi dù là ngày của đàn ông hay ngày của các ông bố thì chúng ta (lại quên thật thực ra là một số gã đàn ông bạn anh) vẫn biến nó thành ngày đàn ông buộc phải tặng quà cho người phụ nữ của mình.
Ngày các ông bố, các nàng sẽ lý lẽ: Muốn làm ông bố anh phải có một đứa con mà đứa con đó thì lại do em sinh ra bằng một quá trình thai nghén sinh đẻ lâu dài đau đớn. Vậy nên ngày này anh nên tặng quà cho em để vì đã đem đến cho anh một danh phận làm cha.
Phụ nữ có ti tỉ lý do để khiến bọn đàn ông như anh phải móc hầu bao tặng quà. Nào là ngày tình nhân, nào là ngày quốc tế phụ nữ, ngày của các bà mẹ, kỷ niệm 2 năm ngày quen nhau, kỷ niệm hai năm ngày chúng mình chính thức ra mắt, kỷ niệm hai năm ngày anh nói lời tỏ tình với em…chao ôi thật là muôn hình vạn trạng các lý do.
Em còn nhớ chứ, ngày 20/10 năm ngoái anh đã lơ đãng mà quên đi cái ngày đương nhiên em phải nhận quà đó mà về nhà tay không, em vẫn không giận anh mà tựa đầu vào vai anh nũng nịu: “Anh biết không, em không nhớ đã bao lâu rồi anh không mua trang sức cho em nữa”. Anh, bằng sự tinh nhạy của một gã chồng thông thái, bằng sự sẻ chia của một ông chồng đầy trải nghiệm, anh đã ôm em chặt vào lòng và nói bằng một giọng thương cảm: “Anh không ngờ em lại mất trí nhớ sớm thế, nhưng rồi chúng ta cũng đều già cả thôi và lúc đó chắc anh cũng mất trí nhớ như em vậy”. Hôm đó em đã đạp anh ra khỏi cửa mà anh không hiểu vì sao. Phụ nữ đôi khi khó hiểu như vậy, kể cả khi họ đã lấy một ai đó làm chồng.
Năm khác, cũng ngày 20/10 em nhắn cho anh một tin nhắn đại thể: “Anh còn nhớ cái váy em khen đẹp ở cửa hàng thời trang quốc tế… đó không, hôm nay là ngày phụ nữ Việt Nam, anh không cần mua tặng em cái váy đó đâu, dù em rất thích”. Anh đã sung sướng mà nhắn lại cho em rằng: Chẳng ai hiểu anh bằng vợ, lời của vợ chính là mệnh lệnh đối với anh, em đã bảo không muốn thì dù em thích anh cũng sẽ không rước nó về đâu”. Hôm ấy cũng chẳng hiểu sao em cũng đón anh về nhà bằng một thái độ lạnh lùng vô cảm.
Định mệnh đã an bài, những dòng này chính là trăn trối của anh trước thềm 20-10. Năm nay anh sẽ là người chúc mừng em trước. Thề đấy. (ảnh minh họa)
Chúng ta đã là vợ chồng đã qua 10 mùa ngày Phụ nữ Việt Nam, chúng ta cũng đã sống với nhau dưới một mái nhà…thuê 10 mùa Quốc tế phụ nữ, dù có những mùa anh nhớ ra mà tặng quà cho em, cũng có mùa phải đợi đến khi em nhắn tin: “Chúc mừng chồng ngày Quốc tế phụ nữ” thì anh mới bê quà về. Nhưng vượt qua tất cả, em thấy không khi bọn đàn ông trong đó không có anh kêu la về bình quyền nam nữ, đòi được đối xử công bằng giữa vợ và chồng, thì anh vẫn đều đặn sống dưới sự áp bức mềm mại của em mà chưa một phút vùng lên.
Một mùa Phụ nữ Việt Nam đang tới, anh viết dài dòng như thế chỉ để hứa với em một điều rằng, năm nay em không cần phải nhắn tin chúc mừng anh ngày Phụ nữ Việt Nam nữa đâu, bởi em à năm nay anh sẽ không quên cái ngày em đáng được chiều chuộng ấy. Chỉ có điều sếp vừa điều anh đi công tác xa nhà. Anh đã thắc mắc tại sao sếp lại điều anh đi đột ngột và bất thường như thế. Sếp anh im lặng hồi lâu rồi vỗ vai anh đồng cảm: “Anh cũng từng bị vợ nhắn tin chúc mừng ngày 20-10 nên anh hiểu. Thôi chú đi tránh bão hợp pháp đi”. Định mệnh đã an bài, những dòng này chính là trăn trối của anh trước thềm 20-10. Năm nay anh sẽ là người chúc mừng em trước. Thề đấy.