Lương không cao vẫn có thể giàu có với 9 thay đổi nhỏ này

Bảo Anh. - Ngày 15/04/2022 12:08 PM (GMT+7)

Những thay đổi nhỏ về tài chính này sẽ giúp bạn đạt được các tiến bộ đáng kể, đến ngày càng gần hơn với mục tiêu tiết kiệm của mình.

Đặt ra một số quy tắc mua hàng

Lương không cao vẫn có thể giàu có với 9 thay đổi nhỏ này - 1

Nói đến việc mua sắm, nếu bạn không có bất kỳ kế hoạch nào, bạn có thể nhanh chóng nhận ra mình đã tiêu nhiều hơn mức cần thiết. Tất cả những chi tiêu không có kế hoạch đó sẽ nhanh chóng cộng dồn lại và khiến bạn mất khả năng đạt được các mục tiêu tài chính của mình.

Để tránh xảy ra tình trạng đó, hãy đặt một số quy tắc mua hàng và cam kết tuân theo. Scott Nelson, chuyên gia dịch vụ tài chính và Giám đốc điều hành của MoneyNerd Ltd đã đưa ra một vài gợi ý:

Chờ một tuần trước khi quyết định mua để xem liệu bạn còn muốn mua sản phẩm đó.

Mỗi khi mua một thứ gì đó, bạn phải bán đi một thứ khác.

Tự làm nếu có thể.

Mượn của người khác nếu nhu cầu sử dụng ít.

Chờ đến khi được giảm giá.

Bắt đầu với các mục tiêu tiết kiệm nhỏ

Bạn có thể nghĩ rằng việc bỏ một ít tiền vào tài khoản tiết kiệm mỗi tháng sẽ chẳng đáng là bao nhưng theo thời gian, điều này hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt.

Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Brannon Lambert khuyên bạn nên bắt đầu từ những khoản nhỏ và tích lũy tăng dần theo thời gian để tránh cảm thấy bị choáng ngợp bởi mục tiêu tiết kiệm dường như quá khó đạt được.

“Nếu bạn đang tiết kiệm cho khoản trả trước 20% tiền mua nhà, ý nghĩ phải tiết kiệm 200-300 triệu đồng có thể khiến bạn từ bỏ trước cả khi bắt đầu,” Lambert nói.

Theo chuyên gia, bạn nên bắt đầu với những mục tiêu nhỏ, một con số nằm trong khả năng của bạn như 500 nghìn cho những tháng đầu tiên và sau đó tăng lên 2-3 triệu đồng sau đó. Tăng dần khoản tiết kiệm lên một chút, một chút một và lặp lại quá trình đó, bạn sẽ thấy tiết kiệm dần trở thành một phần cuộc sống của mình.

“Chìa khóa ở đây là thực hiện hành động mà bạn biết rằng bạn có thể duy trì và sau đó xây dựng nó phát triển hơn nữa. Nó giống như việc nâng tạ vậy. Bạn không bắt đầu với quả tạ 50kg nhưng hoàn toàn có thể bắt đầu tập luyện với mức tạ 5kg và nâng dần lên mức nặng hơn”, Lambert nói.

Xóa bỏ những cảm xúc căng thẳng, áp lực

Lương không cao vẫn có thể giàu có với 9 thay đổi nhỏ này - 2

Đối với một số người, chỉ nghĩ đến việc phải tiết kiệm thôi, họ đã cảm thấy áp lực. Michael D. Brown, huấn luyện viên tài chính kiêm giám đốc của Fresh Results Institute cho biết:

“Đối với tôi, để tiết kiệm thành công, bạn phải gột rửa được những cảm xúc như vậy. Nếu bạn căng thẳng với suy nghĩ phải tiết kiệm, bạn sẽ rất khó để tiết kiệm tiền”.

Để tránh phải nghĩ đến việc tiết kiệm, Brown khuyên bạn nên tự động hóa quá trình này. Chỉ đơn giản bằng cách cài đặt chế độ tự động gửi một tỷ lệ nhất định sang tài khoản tiết kiệm mỗi khi có thu nhập phát sinh, bạn sẽ tiết kiệm được mà không phải suy nghĩ.

Tìm hiểu tiền của bạn đang đi đâu

Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể tiết kiệm được nhưng lại luôn hết nhẵn tiền mỗi cuối tháng, đã đến lúc tìm hiểu xem số tiền đó đi những đâu.

Tara A. Goodfellow, giám đốc điều hành của Athena Educational Consultants, Inc., chia sẻ: “Hãy dành một tuần đến một tháng để ghi lại mọi thứ bạn chi tiêu. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên với những gì bạn đã chi ra cho giải trí hoặc những chuyến đi siêu thị thực sự “ngốn” của bạn nhiều thế nào”.

Theo dõi tài khoản ngân hàng

Lương không cao vẫn có thể giàu có với 9 thay đổi nhỏ này - 3

Sau khi bạn đã dành thời gian để khám phá số tiền bạn đang chi tiêu, đừng chỉ dừng ở đó rồi quên nó đi. Nếu không, những gì bạn vừa làm sẽ là vô ích và bạn sẽ mãi mắc kẹt trong tình trạng tài chính bấp bênh.

Chuyên gia tài chính cá nhân Brie Sodano chia sẻ: “Hãy kiểm tra tài khoản ngân hàng của bạn thường xuyên, vài lần mỗi tuần, thậm chí là hàng ngày. Điều này giúp bạn rõ ràng hơn về đường đi lối lại của đồng tiền và hạn chế việc chi tiêu bốc đồng”. Bạn cũng có thể tìm kiếm các ứng dụng tài chính giúp theo dõi tài khoản ngân hàng của mình.

Xem lại ngân sách của bạn

Goodfellow khuyên bạn nên xem xét ngân sách của mình định kỳ để biết liệu bản thân có thể cắt giảm những khoản chi phí nào nữa. Biết đâu bạn sẽ nhận ra mình đang chi kha khá tiền cho những dịch vụ không dùng đến hoặc không dùng nhiều như truyền hình cáp, điện thoại cố định…

“Bạn không cần phải hủy bỏ mọi thứ. Hãy dành thời gian nghiên cứu các lựa chọn ít tốn kém hơn mà vẫn phù hợp với ngân sách của mình. Nếu ngân sách eo hẹp, đừng quên bạn có thể gia tăng thu nhập bằng những công việc bán thời gian hoặc bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình”, Goodfellow nói:

Xem lại ngân sách của bạn thường xuyên, biến chúng thành thói quen để giúp bạn đi đúng hướng hơn với các mục tiêu tiết kiệm. Bạn có thể chọn xem lại ngân sách hàng tuần, hàng tháng hoặc theo quý, quan trọng là phù hợp nhất với bạn.

Đọc sách về tài chính cá nhân

Lương không cao vẫn có thể giàu có với 9 thay đổi nhỏ này - 4

Nhiều người đọc đến đây sẽ nghĩ ngay rằng mình làm sao có thể đọc khi thời gian ngủ còn thiếu. Tuy nhiên nếu bạn bắt đầu với một mục tiêu thấp, cam kết chỉ đọc 1 quyển, thậm chí là 1 chương trong 1 tháng thì sao?

Mỗi thay đổi nhỏ hoàn toàn có thể dẫn bạn đến thành công lớn. Khi đọc sách đã thành một phần của cuộc sống, bạn có thể thấy mình muốn dành nhiều thời gian hơn để đọc. Những cuốn sách về tài chính cá nhân tốt sẽ giúp bạn đi đúng hướng với mục tiêu tiết kiệm của mình hơn.

Thay đổi tư duy về tiền bạc

Tư duy của bạn về tiền bạc rất quan trọng. Hãy xem xét cách bạn nghĩ về tiền mỗi khi cân nhắc mua hàng và việc tiết kiệm có thể trở nên dễ dàng hơn những gì bạn vẫn nghĩ.

Thay vì nghĩ một món đồ chỉ có giá 100 nghìn đồng, hãy nghĩ xem bạn sẽ phải làm việc bao nhiêu giờ để có được món đồ đó. Để mua chiếc váy đó, bạn phải làm việc trong bao nhiêu giờ? Liệu nó có đáng không? Tiết kiệm thực sự không khó như nhiều người vẫn tưởng, quan trọng là có kế hoạch và kỷ luật tốt.

Tiết kiệm và tiết kiệm hơn nữa

Tiết kiệm tiền bằng cách sử dụng các phiếu giảm giá hoặc ưu đãi tại ứng dụng mua sắm là điều tốt nhưng đừng chỉ dừng lại ở đó.

“Hãy thực sự tiết kiệm những gì bạn có thể thông qua tất cả các ứng dụng, phiếu giảm giá và chiết khấu mà bạn có”, chuyên gia tài chính tiêu dùng và nợ Tanya Peterson khuyến nghị. “Ngày nay, số tiền bạn tiết kiệm được thường được thể hiện ngay trên các biên lai. Hãy xem lại sau khi mua sắm và chuyển ngay số tiền bạn tiết kiệm được vào tài khoản tiết kiệm”.

Bảo Anh.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết chi tiêu