Dưới đây là những lời khuyên hữu ích để bạn và nửa kia có thể bắt đầu mọi thứ đúng như ý muốn, vừa tiết kiệm tiền hiệu quả lại vừa hạn chế xích mích phát sinh.
Tiền bạc là một trong những vấn đề dễ khiến các cặp vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn. Làm sao để đôi bên cùng có thể thống nhất với nhau về vấn đề tiền bạc là điều rất quan trọng. Việc tạo lập được những thói quen tài chính tốt ngay từ đầu sẽ giúp bạn nhanh chóng đạt được mục tiêu hơn.
Dưới đây là những lời khuyên hữu ích để bạn và nửa kia có thể bắt đầu mọi thứ đúng như ý muốn, vừa tiết kiệm tiền hiệu quả lại vừa hạn chế xích mích phát sinh.
Bắt đầu với kiến thức cơ bản
Trước khi bạn ngồi xuống để lập kế hoạch ngân sách với nửa kia của mình, hãy dành thời gian cùng nhau nói về thói quen, mục tiêu và mong muốn tài chính của bạn. Khi cả hai trở nên hiểu nhau và có cách tiếp cận tiền bạc phù hợp, đó sẽ là cơ sở để vợ chồng bạn không ngừng tiến lên phía trước.
Nhớ rằng, nếu hai bạn có các phong cách khác nhau, điều đó không nhất thiết phải là của ai tốt, của ai xấu. Đây là giai đoạn để cả hai cùng trung thực và cởi mở với nửa kia về tài chính. Khi bạn hiểu rõ mọi thứ, bạn sẽ dễ dàng biết cách tiếp tục hơn.
Nếu chồng/vợ của bạn do dự, bạn có thể cần phải thay đổi cách tiếp cận tài chính của mình. Thử nghĩ xem liệu bạn có thể biến nó thành một trải nghiệm tích cực hơn hay không.
Xác định nhu cầu gia đình
Khi bạn đã cảm nhận được phong cách chi tiêu, mục đích tài chính của nhau, đã đến lúc xác định nhu cầu của gia đình bạn. Điều này bao gồm xác định các chi phí như tiền thuê nhà, trả nợ, hóa đơn điện nước, chi phí thực phẩm... Hãy nhớ rằng, những nghĩa vụ này cần được đáp ứng trước khi bạn chi tiền cho những món đồ xa xỉ.
Trong lần lập ngân sách đầu tiên cùng nhau, bạn có thể cần điều chỉnh kỳ vọng để cả hai dễ đi đến thống nhất. Một người có thể muốn tiết kiệm nhiều hơn và sống với nhu cầu cơ bản nhất trong khi người kia có thể muốn chi tiêu nhiều hơn.
Là một cặp vợ chồng, hãy ưu tiên nhu cầu của hai bạn hơn mong muốn khi lập ngân sách cùng nhau. Hãy rõ ràng về những gì cần trước và những gì ở mức ưu tiên sau. Ngoài ra, nếu một (hoặc cả hai) bạn còn mắc nợ, bạn cần phải tìm cách xử lý sớm, có kế hoạch giải quyết để cả hai cùng cảm thấy thoải mái.
Tạo mục tiêu dài hạn
Điều quan trọng là vợ chồng bạn phải đặt ra được các mục tiêu để cùng nhau thực hiện. Những mục tiêu dài hạn này nên nằm trong kế hoạch tài chính của bạn. Kế hoạch có thể giúp bạn xác định được bao lâu mình sẽ mua được một ngôi nhà hay đạt được các kế hoạch tài chính khác.
Khi bạn có những mục tiêu cụ thể, cột mốc mà cả hai cần đạt được mỗi tháng, gia đình bạn sẽ đạt được ngân sách dễ dàng hơn. Nếu bạn chỉ hạn chế chi tiêu và tiết kiệm mà không có mục tiêu, bạn sẽ dễ dàng biện minh cho việc bội chi một cách thường xuyên.
Một số mục tiêu ban đầu tốt là thoát khỏi nợ nần và bắt đầu tiết kiệm cho khoản trả trước cho ngôi nhà của bạn. Bạn cũng nên tiết kiệm cho việc nghỉ hưu là một phần quan trọng trong kế hoạch tài chính của mình.
. Hãy lập kế hoạch để trả hết nợ của bạn. Liệt kê các khoản nợ của bạn từ lãi suất cao nhất đến thấp nhất và bắt đầu trả từng khoản một.
. Lập mục tiêu tiết kiệm rõ ràng và xác định thời điểm bạn muốn đạt được từng cột mốc tài chính. Một kế hoạch rõ ràng sẽ giúp bạn nhanh chóng mua được nhà hay đạt được các mục tiêu khác.
Giải quyết nhu cầu cá nhân
Khi bạn đã xác định được nhu cầu của gia đình mình, hãy bắt đầu nói về nhu cầu và mong muốn của cá nhân. Bạn đời của bạn có thể muốn mua thẻ ở phòng tập, bạn thì muốn chi nhiều hơn cho trang phục...
Hai bạn có thể gặp phải vấn đề khi người chồng không thoải mái với việc cắt giảm số tiền chi cho hoạt động giải trí trong khi người vợ lại chi quá nhiều cho việc chăm sóc tóc.
Hãy nhớ rằng, nhu cầu và mong muốn của bạn là khác nhau và hai bên cần cởi mở để đi đến thoả thuận. sẵn sàng thỏa hiệp. Lắng nghe là điều rất quan trọng trong giai đoạn này. Mỗi người nên có tiền để chi tiêu cho những thứ quan trọng nhất đối với bản thân họ, miễn sao mỗi bên đều bám sát ngân sách đã đặt ra.
Hai bạn nên đóng góp tài chính thế nào?
Một câu hỏi lớn đặt ra khi vợ chồng bạn lập ngân sách gia đình chính là cả hai có nên kết hợp tài chính hay không. Cách giải quyết này phụ thuộc vào hai bạn song nhìn chung có 3 cách tiếp cận chính.
Kết hợp tất cả các khoản tài chính
Với cách này, cả hai sẽ để chung tiền vào một khoản lớn và sau đó mọi khoản chi phí đều được chi từ đó. Mỗi người có thể có một khoản nhỏ để chi tiêu cá nhân nhưng phần lớn đều gộp vào quỹ chung.
Tách biệt tất cả các khoản
Với cách tiếp cận này, mỗi người sẽ chủ động riêng với thu nhập của mình. Các khoản chi phí sẽ được chia ra và giao cho từng người. Ví dụ người này trả tiền điện, người kia trả tiền thực phẩm...
Kết hợp
Nhiều cặp vợ chồng sẽ thấy việc kết hợp hai phương pháp là phù hợp hơn. Theo đó, vợ chồng bạn sẽ có một tài khoản chung cho các chi phí gia đình và các mục tiêu chung khác (như tiết kiệm mua nhà, đi du lịch) và mỗi bên sẽ đóng góp một khoản vào đó, giữ phần còn lại của mỗi người riêng biệt.
Với cách tiếp cận này, vợ chồng bạn có thể góp vào số tiền như nhau hoặc đóng theo phần trăm thu nhập... Điều quan trọng là cả hai cần thảo luận về cách quản lý tài chính trước khi đi quá sâu vào việc lập ngân sách chung. Hãy đảm bảo rằng cả hai bạn đều cảm thấy bình đẳng và thoải mái.
Theo dõi chi tiêu thường xuyên
Cả hai vợ chồng bạn cần tham gia vào việc theo dõi chi tiêu của mình. Sẽ tốt hơn khi cả hai định kỳ xem xét về cách chi tiêu và thảo luận về tiến trình cũng như xem lại những gì mình đã thực hiện được.
Ban đầu, bạn có thể cần thực hiện việc này hàng ngày và thành hàng tuần hay tháng 1 lần sau đó. Bạn cũng có thể sử dụng các ứng dụng tài chính để quản lý việc chi tiêu của cả 2.
Nhớ rằng, khi thảo luận về tài chính, điều quan trọng là bạn phải giữ bình tĩnh. Nếu một trong hai người mắc sai lầm, hãy tìm cách giải quyết thay vì tập trung chỉ trích sai lầm đó.
Mẹo để lập ngân sách gia đình tốt hơn Nếu vợ/chồng bạn từ chối kết hợp tài chính, hãy lập ngân sách gia đình để xử lý các khoản chi tiêu chung và chia nghĩa vụ đóng góp. Bạn cũng có thể tìm sự tư vấn để giải quyết các vấn đề cơ bản đằng sau việc đối phương chọn không kết hợp tài chính. Ngân sách của bạn phải luôn bao gồm các mục tiêu tài chính dài hạn. Hãy nhớ luôn cần có quỹ dự phòng khẩn cấp với giá trị tương đương 3 tháng đến 1 năm chi phí sinh hoạt, tuỳ theo điều kiện của gia đình. Luôn có khoảng thời gian để cả hai hâm nóng tình cảm. Không nhất thiết phải là những chuyến du lịch đắt đỏ hay ăn tối tại nhà hàng, một bữa tiệc tự chuẩn bị hay chuyến đi dã ngoại gần nhà sẽ giúp tình cảm thêm bền chặt lại không tốn kém. |