Bạn đang làm gì mỗi ngày để có thể gia tăng tài khoản tiết kiệm của mình? Nếu bạn không thể trả lời câu hỏi đó, đã đến lúc phát triển những số thói quen tiền bạc mới.
Cũng giống như sức khỏe thể chất, sức khỏe tài chính của bạn phụ thuộc vào những quyết định hàng ngày mà bạn đưa ra hàng ngày. Trong khi các thói quen lành mạnh như ăn uống tốt hơn và tập thể dục giúp bạn giữ được vóc dáng cân đối thì một số thói quen về tiền bạc nhất định có thể giúp bạn thoải mái về tài chính và tạo dựng sự giàu có.
Dưới đây là một số thói quen tiền bạc bạn nên làm hàng ngày nếu muốn trở nên giàu có.
1. Chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được
Thói quen này rất quan trọng để giúp bạn có thể trở nên giàu có. Bạn sẽ không bao giờ có thể cải thiện tình hình tài chính nếu luôn tiêu nhiều hơn những gì kiếm được. Hai cách có thể giúp bạn thực hiện thói quen này chính là tập trung vào tăng thu nhập và kiểm soát chi tiêu.
2. Tiếp tục tìm kiếm các cơ hội kiếm tiền mới
Kiểm soát chi tiêu là một thói quen cần thiết và việc kiếm được nhiều tiền hơn cũng quan trọng không kém. Hãy luôn năng động và không ngừng tìm cách để tăng thu nhập của mình. Đó có thể là việc nhỏ như nhận trông trẻ vào mỗi cuối tuần hoặc bán bánh, đồ ăn tự làm…
3. Tăng trưởng và đầu tư tiền của bạn
Ngoài việc tìm cách kiếm tiền, những người hiểu biết về tài chính sẽ tìm cách để gia tăng số tiền họ có. Bạn có thể tìm hiểu nơi gửi tiết kiệm lãi suất cao, nơi bạn có thể đầu tư và khiến tiền “đẻ” ra tiền.
4. Liên tục trả nợ
Lãi suất và nợ có thể kìm hãm bạn về mặt tài chính. Khi còn vướng phải các khoản nợ nần, luôn phải làm để trả nợ cho các khoản mua sắm ngày hôm qua, bạn sẽ khó có thể vượt lên phía trước. Dù kế hoạch trả nợ của bạn là gì, hãy tuân thủ và nỗ lực để giải quyết nhanh nhất có thể các khoản nợ.
5. Trả tiền cho chính mình trước
Trả tiền cho mình trước có nghĩa là bạn nên coi tiết kiệm như một khoản chi phí hàng tháng thay vì những gì còn lại sau khi đã chi tiêu. Hãy chuyển ngay một phần tiền sang tài khoản tiết kiệm khi có thu nhập phát sinh. Chìa khóa để tiết kiệm thành công chính là tiết kiệm trước, tiết kiệm thật nhiều và tiết kiệm thường xuyên.
6. Duy trì quỹ khẩn cấp
Hầu như mọi chuyên gia tài chính cá nhân đều đồng ý rằng quỹ khẩn cấp là trọng tâm của sức khỏe tài chính. Xây dựng và duy trì một quỹ khẩn cấp có thể giúp bạn tránh các khoản nợ nần cũng như cung cấp cho bạn một khoản dự phòng. Điều này có thể giúp bạn duy trì các mục tiêu tài chính ngay cả khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
Nếu bạn chưa có quỹ khẩn cấp, hãy bắt đầu từ việc nhỏ bằng cách tiết kiệm chi phí ít nhất một tháng sinh hoạt phí và sau đó tăng dần lên. Tuỳ thuộc vào điều kiện khác nhau mà bạn nên có số tiền trong quỹ dự khẩn cấp khác nhau, thường là tương đương 6-9 tháng sinh hoạt phí.
7. Đặt mục tiêu tài chính
Để biết những thói quen tiền bạc hàng ngày bạn cần tập trung vào và ưu tiên quản lý tiền bạc một cách đúng đắn, bạn phải biết những gì bạn đang cố gắng hoàn thành.
Hãy xem xét tài chính của mình, đặt ra mục tiêu và xác định các bước cụ thể cần thiết để đạt được các mục tiêu tiền bạc trong ngắn hạn và dài hạn.
8. Ngân sách cho các chi phí bổ sung
Ngoài các chi phí sinh hoạt và hóa đơn cơ bản, bạn cũng nên lập ngân sách cho các khoản mua sắm khác mà bạn có thói quen thực hiện. Đó có thể là mua cà phê 2 lần/tuần, đi ăn vào cuối tuần hay mua quà cho bạn bè và gia đình. Những khoản chi tiêu tưởng chừng rất nhỏ này có thể cộng dồn và khiến ngân sách của bạn cạn kiệt nếu bạn không lập kế hoạch cho chúng.
Hãy viết ra tất cả những gì bạn đã tiêu trong tháng trước và phân theo từng khoản chi phí. Xếp hạng từng danh mục theo mức độ quan trọng đối với bạn và phân bổ tiền cho những thứ bạn thấy quan trọng nhất. Đối với những thứ còn lại, hãy cố gắng cắt giảm hoặc tìm các lựa chọn thay thế rẻ hơn như tự pha cà phê tại nhà.
9. Tiết kiệm cho những điều không mong đợi
Các chi phí bổ sung có thể phát sinh thường xuyên và cho dù đó có phải là trường hợp khẩn cấp thực sự hay không, chúng vẫn có thể khiến bạn quay trở lại mốc ban đầu. Tài chính của bạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi những khoản chi tiêu bất ngờ như phải đi gặp nha sĩ, hỏng xe… nếu bạn không có thêm tiền tiết kiệm để trang trải.
Hãy xây dựng cho mình một quỹ đệm để có thể thanh toán cho những chi phí này mà không phải nợ nần hoặc rút tiền từ quỹ khẩn cấp của mình. Ví dụ, hãy thử tiết kiệm thêm 500 nghìn đồng/tháng cho các khoản này.
10. Theo dõi tiền của bạn
Bạn không thể đặt tiền của mình vào nơi quan trọng nếu bạn không biết nó sẽ đi đâu. Hãy tìm ra cho mình một hệ thống phù hợp để theo dõi các giao dịch tiền bạc. Đó có thể là viết vào cuốn sổ nhỏ hoặc sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh, quan trọng là bạn có được bức tranh rõ ràng về những gì đang xảy ra với tiền của mình.
Theo dõi chi tiêu sẽ giúp bạn nhanh chóng xác định được vấn đề mình có thể cải thiện và tiến trình bạn đang đạt được.