Với nhiều chị em, các ‘nghi lễ’ lặp đi lặp lại trong những ngày của phụ nữ trong năm làm họ chán ngấy. Với ngày 8-3 cũng vậy.
Mùng 8 tháng 3, được vợ mời ăn
Chưa đến mùng 8 tháng 3 mà chị em trong văn phòng của Linh đã náo nức hỏi nhau, rằng không biết năm nay công ty cho quà gì, “có phong bì không hay chỉ ăn một bữa”, rồi thăm dò nhau xem người yêu hoặc chồng của đồng nghiệp hứa hẹn gì để còn về hạch sách anh chàng của mình.
Được hỏi chồng có mời đi ăn trong ngày đó không, Linh, 31 tuổi, thủng thẳng: “Ai cho lão mời! Lão là khách mời của tớ thì có”. Cả phòng há hốc miệng, sao có chuyện ngược đời vậy? Một chị bảo: “Việc gì phải khổ thế em ơi. Cả năm được ngày 8.3, chồng không mời ăn thì còn thiếu gì giai khác tranh nhau mời, sao phải cọc chạy theo trâu thế?”.
Linh cười, bảo: “Chị chẳng hiểu gì cả, em thiếu gì người mời, chồng ngày thường còn mời ăn trưa, ăn tối ngoài tiệm suốt. Vụ 8.3 này, lão cũng đã đặt tiệc ở nhà hàng em thích rồi. Khi lão báo, em nói không được không được, mùng 8.3 là ngày của phụ nữ, của em, ai để cho anh tự tung tự tác? Hôm đấy em mời anh dự tiệc cho em đặt, hà hà”.
Linh lý luận, lâu nay người ta vẫn quen với việc đàn ông mời phụ nữ đi ăn rồi giành phần trả tiền, thế mới là đúng kiểu, là lịch sự; nhưng theo cô, đó là cái kiểu “thế giới thuộc về đàn ông”, nó bao hàm cả sự không bình đẳng thực sự. Nếu như 8.3 là ngày của phụ nữ thì phụ nữ càng phải chứng tỏ vai trò, chỗ đứng của mình, chủ động làm những gì mình thích. “Mình mời mới oách chứ. Mà đố ai dám từ chối lời mời của quý bà trong ngày 8.3. Ngoài chồng ra, em còn mời cả hai ông con giai nữa. Cả ba sẽ thấy hoa hậu của gia đình đúng là đỉnh của đỉnh”, Linh nói, và cười khanh khách.
Được hỏi chồng có mời đi ăn trong ngày đó không, Linh, 31 tuổi, thủng thẳng: “Ai cho lão mời! Lão là khách mời của tớ thì có”. (ảnh minh họa)
Ngoài việc “nêu cao tinh thần bình đẳng giới”, chuyện mời chồng đi ăn trong ngày 8.3 đối với Linh thực ra còn xuất phát từ tính thích cái mới của cô. Ngoài 30 tuổi, cuộc sống viên mãn, cô không thấy thiếu thốn điều gì ngoài sự mới mẻ. Vì thế việc “đổi gió” cho ngày 8.3 bằng cách giành quyền mời chồng con đi ăn, cô muốn tạo niềm vui và sự thú vị cho bản thân cũng như gia đình.
“Lại tặng hoa ư, chán chết”
Lấy chồng đã 5 năm, Quỳnh bắt đầu tỏ ra thờ ơ với những ngày mà thiên hạ vẫn cho là người đàn ông chu đáo, lịch sự có nghĩa vụ tặng hoa, tặng quà và chăm sóc người phụ nữ của họ: “Từ hồi sinh viên đã thế và đến giờ vẫn thế. Đến ngày 8.3, 20.10, 14.2, thậm chí cả Noel, các chàng, và sau đó là một chàng, lại mang hoa đến tặng, rủ đi xem phim, đi cà phê, sau này thì rủ đi ăn. Những năm đầu mình thích lắm vì mới được hưởng những niềm vui của người phụ nữ có kẻ mến mộ, quan tâm, nhưng sau thấy nhàm dần”.
Quỳnh cho biết, cô hết hứng thú với chuyện nhận hoa, nhận quà và lời chúc mừng trong 8.3 và những ngày tương tự không chỉ vì bản thân quá quen thuộc với những ‘chương trình” lặp đi lặp lại, mà còn vì nhận ra sự cùn mòn cảm xúc của chính đối tác: “Lão chồng mình chẳng hạn. Hồi mới yêu, những ngày này bản thân lão cũng hồi hộp lắm, say sưa nghĩ xem nên tặng mình cái gì, làm điều bất ngờ nào để mình vui, và đến ngày đó thì cả hai đứa đều hạnh phúc, dù chàng chỉ đủ tiền tặng mỗi bông hoa còi. Còn bây giờ, lão luôn tặng mình những bó hoa giá cả triệu đồng, mời đi ăn nhà hàng xịn, nhưng mà lão làm theo lập trình chứ đâu có nhiều cảm xúc”.
“Thực ra mà nói, như thế nghĩa là chồng cũng đã quan tâm đến vợ rồi, đầy ông khác lấy về là nghỉ khỏe, đừng bao giờ nói đến chuyện tặng hoa. Thế nhưng mình vẫn không khỏi nghĩ rằng, đối với chồng, chuyện tặng hoa hay mời vợ đi ăn nhân ngày phụ nữ giờ chỉ mang tính thủ tục, như một việc phải làm để khỏi bị trách móc, chứ bản thân lão không phải nghĩ ngợi gì, không hề có chuyện đợi mong ngày đó như một dịp thể hiện tình yêu. Cảm xúc của người trao đã vậy thì dĩ nhiên sự sung sướng của người nhận là mình đây không thể như ngày xưa được”.
Hải Anh, 34 tuổi, cũng không mấy hào hứng với 8.3. Chị nói: “Thực ra ngày đó, nếu chồng hoặc các chàng trong công ty lờ đi không có chương trình gì thì cũng thấy buồn, thấy bị quên lãng, không được bằng chị bằng em. Nhưng nếu có thì cũng chả phải là vui lắm. Nó nhàm quá. Mùng 8.3 ở cơ quan bao giờ cũng là: chị em vừa đến thì được đại diện anh em tặng 1 bông hồng, trưa thì đi ăn".
Mùng 8.3 ở cơ quan bao giờ cũng là: chị em vừa đến thì được đại diện anh em tặng 1 bông hồng, trưa thì đi ăn". (ảnh minh họa)
"Bông hồng mua đại trà, may thì đến lượt mình, nam đồng nghiệp trao cho một bông đẹp, rủi thì được bông xấu, vừa còi vừa thâm. Mỗi chị em giắt bông hoa vào giá sách trước mặt mình, cuối buổi nó đều gật gù, héo rũ. Tối về nhà lại được chồng tặng hoa, chúc mừng vợ này nọ. Rồi thì cơm vẫn mình nấu, bát vẫn mình rửa, con ị vẫn mình chùi đít”.
Chị Mai Loan, 37 tuổi cho biết chị hoàn toàn hài lòng về người chồng của mình, dù anh cũng chỉ tặng hoa và quà cho vợ theo kiểu thủ tục trong ngày của phụ nữ. “Cảm xúc của con người thay đổi theo thời gian là tất nhiên. Một ông chồng U40 sao có thể hồi hộp khi tặng hoa cho vợ như cậu trai mới lớn! Vì thế mình cũng không cần những món quà theo kiểu hình thức như vậy".
"Ông xã mình rất bận, gần đến 8.3 anh hỏi thích gì để chồng mua tặng, nhưng mình nói em chẳng thích gì hết, chỉ cần được ở bên anh. Thường thì anh ấy sẽ cố gắng thu xếp công việc để về sớm với mình, chở mình đi dạo phố, vòng quanh hồ Gươm rồi lại sang hồ Tây, ngồi quán cóc, trò chuyện với nhau như thuở còn nhàn tản, trẻ trung. Những buổi tối như thế đem lại cho mình và cả anh ấy rất nhiều cảm xúc”.
Niềm vui của ngày phụ nữ, sao lại phụ thuộc vào đàn ông?
Không chỉ “các chị già” mới thấy ngán với “thủ tục” của ngày 8.3. Thu Ngọc mới 23 tuổi, nhưng vẫn tỏ ra không hào hứng với ngày này. “Không biết em có kỳ quặc không, chứ thú thực em ghét mấy ngày kiểu này lắm ý. Nói ra thì mấy đứa bạn cứ bảo em giả vờ sĩ diện, con gái ai chẳng thích được đàn ông chăm sóc, quan tâm và tôn vinh. Nhưng em chả có cảm giác được tôn vinh gì cả. Em không hiểu sao các chị em lại hý hửng, hồi hộp, náo nức đến thế, thậm chí lo lắng nữa, khi nghĩ đến việc ai sẽ tặng hoa hay mời mình đi ăn, thậm chí trong số đàn ông mà họ nghĩ tới và chờ đợi đó, có những người họ không thực sự quan tâm?”.
Theo Ngọc, việc được tặng nhiều hay ít hoa trong ngày này chẳng nói lên điều gì cả. Ở công ty nơi cô làm việc, có một chị hễ đến ngày lễ gì đó là được tặng rất nhiều hoa, toàn hoa đắt tiền, nhưng hầu hết là từ những người cần duy trì quan hệ tốt – không phải quan hệ tình cảm – với chị. Trong khi đó, trên thực tế chị ấy không được mọi người yêu mến, cũng không có ai theo đuổi. Một chị khác xinh xắn và tốt tính, được nhiều người quý mến, nhưng sống khá khép kín, ít giao tiếp nên chả mấy khi có hoa, ngay cả chồng chị tuy rất yêu và tốt với vợ nhưng cũng chẳng tặng hoa bao giờ.
Đặng Lan, 21 tuổi, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội, cũng nói: “Nhiều chị em cứ đồng nhất số hoa, quà cũng như lời mời trong ngày 8.3 với sức hấp dẫn, mức độ được mến mộ của người phụ nữ. Càng nhận được nhiều thì càng kiêu hãnh, không có thì tủi thân. Và thế là họ chạy theo hình thức, cứ lo ngay ngáy chàng quên 8.3, dù chẳng yêu hoa lắm nhưng cũng phải nhắc khéo chồng hay người yêu để họ khỏi quên, mà quên là làm mình mất mặt với bạn bè. Khổ thật”.
Lan cho rằng, tâm lý chờ đợi và lo lắng trên chứng tỏ chị em chưa thực sự giải phóng cho mình, tự phủ nhận giá trị của mình. Nếu thực sự coi mình bình đẳng với nam giới, tại sao lại luôn đặt mình ở vị thế thụ động, chỉ biết đợi chờ để đón nhận những gì đàn ông mang lại?
Cô bày tỏ: “Nếu đàn ông họ chu đáo, họ nhớ ra, họ tặng hoa, thì mình được vui, còn nếu họ vô tâm quên mất thì mình lại buồn, lại tủi thân. Trong ngày của mình, tại sao lại để niềm vui, hạnh phúc của mình phụ thuộc vào sự chu đáo của đàn ông như vậy chứ?. Nếu là một người phụ nữ thực sự tự tin, kiêu hãnh, tin vào giá trị của mình, thì hãy làm những gì mình thích trong ngày 8.3, thay cho việc lo lắng chờ đợi rồi trách móc anh chàng của mình”.
Tuy nhiên, Lan cũng thừa nhận, không lệ thuộc đàn ông không có nghĩa là cô không cảm thấy hạnh phúc khi nhận được những tình cảm tốt đẹp mà họ đem tới trong những ngày này. “Mình là phụ nữ mà, được các đấng mày râu yêu mến, làm sao không vui chứ? Có điều, mức độ cảm kích không phụ thuộc vào chuyện họ tặng cái gì, mà là tình cảm thực của họ thể hiện trong cách tặng. Nhiều khi, chỉ một tin nhắn chân thành của người bạn phương xa cũng đủ làm mình hạnh phúc hơn mọi món quà đắt tiền”, Lan nói.