Mẹ qua đời khi tôi còn đỏ hỏn. 30 mùa Vu Lan đã qua là 20 lần tôi tự cài hoa trắng lên ngực.
Hoa trắng ai cài lên áo con
Hằn lên nỗi nhớ đỏ như son
Cám ơn chưa nói nghe lời nghẹn
Nuốt lệ dìm sâu một nỗi buồn
Mẹ mất khi tôi mới hơn 1 tháng tuổi, bố ngay sau khi tròn 100 ngày mẹ đã vội vã cưới vợ mới rồi cùng người phụ nữ đó đi xây hạnh phúc mới. Tôi thành đứa không cha không mẹ, được gia đình bác trai nhận nuôi bởi hai bác hiếm muộn, thầy bói nói phải nhận con nuôi thì mới mong có tin vui.
Tôi về ở với hai bác như một tấm bùa để giúp họ có con. Nhận nuôi tôi được 2 tháng thì bác gái có bầu, bà nội kể, khi đó cả gia đình mừng hơn bắt được vàng, nhà bác làm hơn 30 mâm cỗ khao cả họ. “Cậu quý tử” sinh ra trong sự hân hoan chào đón của cả nhà. Và cũng từ đó, tôi sống lay lắt như cây cỏ. Chẳng hiểu thế nào là mẹ, là cha. Cứ thấy đứa trẻ nào gọi bố mẹ chúng là tôi bắt chước theo, thành thử ai cũng là mẹ, ai cũng gọi bố.
30 mùa Vu Lan đã qua là 20 lần tôi tự cài hoa trắng lên ngực. (Ảnh minh họa).
5 tuổi, một thằng con trai như tôi đã biết tự tắm, tự giặt quần áo cho mình, bữa cơm dù chơi ở đâu cũng phải tự biết về cho đúng bữa nếu không muốn bị bỏ đói. Ốm sốt cũng chẳng được miếng cháo ưu tiên. Hai bác đối xử với tôi chẳng ra yêu quý cũng chẳng thành ghét bỏ.
Họ để tôi phát triển tự nhiên như cây cỏ, chẳng có uốn nắn, chẳng có mắng mỏ. Sống trong cái không khí gia đình khi mà mình bị coi như người vô hình, tôi trở nên trầm mặc, ít nói. Có lẽ vì thế mà tôi có cá tính khá độc lập, khỏe mạnh, chẳng mấy khi mắc bệnh, dù chẳng ai chăm sóc nhưng vẫn cứ lớn vù vù.
Ảnh minh họa
Đến tuổi đi học, hai bác để tôi học muộn hơn bạn bè cũng lứa vì muốn tôi học cùng lớp với anh trai. Những trang sách, bài toán trở thành niềm vui duy nhất của tôi, suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường, tôi luôn đứng đầu lớp.
Con của bác ham chơi nên thường làm bạn với điểm 2-3. Và đó cũng là lí do để hai bác thêm ác cảm với tôi vì tội không chịu giúp anh làm bài tập, không chịu ở bên bảo ban anh. Mỗi lần nhìn hai bác chăm chút cho anh, tôi lại ước giá như một lần được cảm nhận tình cảm thiêng liêng đó.
Tôi thèm được cái vuốt má khen ngợi khi mình học tốt, thèm cả những câu mắng mỏ mỗi khi mắc lỗi, những câu trách cứ khi ham chơi về muộn. Thèm một lần được nằm trong lòng mẹ, được cất tiếng gọi “mẹ ơi”.
Ảnh minh họa
Nhiều người hỏi tôi có nhớ bố không, có mong bố về không? Câu trả lời này đến giờ, khi tôi đã có gia đình, có con tôi vẫn chưa thay đổi suy nghĩ. Với tôi, kí ức về người đàn ông đó chỉ là một khoảng trắng. Một người mộ vợ chưa kịp xanh cỏ, con thơ còn đỏ hỏn mà dứt tình đi tìm niềm vui cho riêng mình thì liệu rằng có đáng để tôi mong nhớ?
“Căn nhà” xanh cỏ của mẹ là nơi duy nhất tôi tìm đến mỗi khi buồn, khi bế tắc. Có những hôm đi sinh nhật bạn về muộn, nhà bác đã khóa cổng, tôi lang thang ra ôm mộ mẹ mà ngủ, để đến hôm sau, dù sốt hầm hập vẫn thấy tâm hồn nhẹ nhàng sau một đêm nằm thủ thỉ với mẹ.
Ảnh minh họa
Tôi học trường Y, ra trường được nhận vào làm việc tại khoa Sản của một bệnh viện có tiếng, mỗi lần nhìn những đứa trẻ sơ sinh ngủ yên bình bên mẹ, tôi lại chạnh lòng nhớ đến mẹ của mình. 30 mùa Vu Lan đã qua là 20 lần tôi tự cài hoa trắng lên ngực.
Người ta thường nói, “mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm không ai biết, lỡ lời không ai phân”, càng lớn tôi càng cảm nhận được sâu sắc điều này. Cuộc sống vật chất có vất vả khó khăn đến thế nào, thì có thể còn vay mượn, nhưng tình thương mặn nồng ấm áp của mẹ hiền nào biết vay ai?