Câu chuyện một nam thanh niên quỳ gối xin bán hàng trước đài truyền hình gần đây đã khiến dân mạng dậy sóng.
Người ta dễ dàng đưa ra những nhận xét trái chiều khi chứng kiến một cậu thanh niên khỏe mạnh, đang ngồi khóc lóc để cầu xin một công việc với lý do, không muốn ăn bám bố mẹ.
Cậu thanh niên tên Hải, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cậu kể rằng, hoàn cảnh của cậu khá khó khăn, bố làm xe ôm, mẹ làm nông nghiệp, nên không muốn mình là gánh nặng cho bố mẹ. Mà xin việc thì ở đâu cũng đòi hỏi bằng cấp, không thể nào xin được dù chỉ là công việc bán hàng.
Hình ảnh cậu thanh niên quỳ gối ấy thật khiến người ta suy ngẫm. Tôi sẽ nghĩ về một lười nhác, ngại bắt đầu của một nam thanh niên sức dài vai rộng, đang muốn nhờ vả lòng thương hại của người khác. Bạn sẽ nghĩ đến một sự cảm thông, thương xót. Người ta sẽ nghĩ tới những con người tật nguyền, có hoàn cảnh éo le hơn cậu. Và tất nhiên, chúng ta đều sẽ đặt ra câu hỏi, tại sao?
Tôi buồn vì cách suy nghĩ của cậu. Hoàn cảnh bố chạy xe ôm, mẹ làm nông nghiệp có gì là khó khăn so với bao nhiêu con người còn khó khăn hơn cả cậu? Ở những vùng nông thôn, bố mẹ không làm nông thì sẽ làm gì, có nghề xe ôm mà chạy cũng là một sự may mắn lắm rồi. Có biết bao nhiêu người đang chung hoàn cảnh với cậu, thậm chí còn khổ hơn rất nhiều, họ cũng đang phấn đấu trên mảnh đất quê hương của mình, bằng mồ hôi và nước mắt. Họ không cần phải đi cầu xin lòng thương hại.
Cậu thanh niên đã nhắc nhở tôi một điều, con người không nên ỷ lại, ngại khó, ngại khổ.
Tôi chột dạ nghĩ tới những người gặp hoàn cảnh éo le, mà là éo le thực sự. Có người tàn tật, có người khiếm thị nhưng họ không đi van xin lòng thương hại của người khác, họ vẫn quyết tâm tự kiếm việc, tự tạo công ăn việc làm cho mình, tự nuôi sống bản thân. Đó mới là nghị lực và sự phi thường mà bất cứ một con người nào cũng tiềm ẩn bên trong mình.
Bằng cấp là thứ quan trọng nhưng nó không phải là thứ quyết định cuộc sống của con người. Không thể kiếm những công việc trí óc, công việc cao sang thì chi bằng, hãy làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình, nơi mình sinh ra. Chẳng phải, có biết bao tấm gương về những người làm vườn ao chuồng, trồng trọt, chăn nuôi rồi được vinh danh? Chẳng phải đàn ông cũng có thể ở nhà gây dựng kinh tế nông thôn, gia đình đó sao? Sức dài vài rộng, nếu không thể kiếm được một công việc như mong ước, hãy bắt đầu bằng chính đôi tay của mình ở nơi ấy… Chỉ sợ lòng họ ngại với công việc chân lấm tay …
Cậu thanh niên đã nhắc nhở tôi một điều, con người không nên ỷ lại, ngại khó, ngại khổ. Làm một người có sức khỏe, một người được tạo hóa ưu ái cho một diện mạo và tầm vóc bình thường, phải biết tận dụng và cố gắng hết mình. Thất nghiệp là một câu chuyện buồn nhưng không vì thế mà nản lòng, mà chán chường, mất niềm tin vào cuộc sống. Cái gì cũng cần có sự bắt đầu, và khi đủ tự tin để bắt đầu thì sẽ bước tiếp vững vàng hơn nữa. Không thử làm sao biết mình không làm được, không bắt đầu sao biết sẽ có ngày mai tốt đẹp hơn?
Đây không phải lần đầu tiên người ta chứng kiến cảnh tượng này xảy ra ở Hà Nội. Cách đây không lâu, người dân ở Cầu Giấy cũng được chứng kiến hình ảnh một Cử nhân ĐH đứng giơ bảng xin việc giữa đường để mua sữa cho con. Phải chăng đây là một hình thức tuyển dụng mới. Người đi tuyển dụng không tới tận cơ quan tuyển dụng mà viết biển quảng cáo để các nhà tuyển dụng tự tìm tới mình? Nếu thật sự có suy nghĩ như vậy thì quả đáng buồn thay?
Chỉ mong sao những câu chuyện dùng hoàn cảnh để cầu xin lòng thương hại không trở thành một trào lưu.