Dạo một vòng quanh các group của dân công sở, hội chị em bỉm sữa, du lịch xa lại bị "thất sủng" khi đa phần đều chọn "nghỉ dưỡng tại gia" vừa tiết kiệm vừa đảm bảo an toàn, số khác thì tranh thủ giải quyết công việc còn tồn đọng.
Hàng năm, kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 thường được nhiều gia đình lựa chọn làm khoảng thời gian đi du lịch nếu thời gian nghỉ khoảng 4 ngày. Đời sống ngày càng nâng cao, các chuyến du lịch không chỉ dừng lại ở trong nước mà nhiều gia đình còn tranh thủ xin nghỉ thêm mấy ngày phép để đưa con ra nước ngoài một chuyến.
Thế nhưng kỳ nghỉ lễ năm nay lại có nhiều khác biệt. Dạo một vòng quanh các group của dân công sở, hội chị em bỉm sữa, du lịch xa lại bị "thất sủng" khi đa phần đều chọn "nghỉ dưỡng tại gia" vừa tiết kiệm vừa đảm bảo an toàn, số khác thì tranh thủ giải quyết công việc còn tồn đọng.
Chồng ngỡ ngàng vì vợ bỗng hoá "nàng thơ"
Từ đầu năm, gia đình anh Lê Đức Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã lên kế hoạch cho chuyến du lịch Đà Nẵng vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5. Hai vợ chồng vốn là những người thích xê dịch, anh thường lên kế hoạch du lịch cho cả năm rồi đặt vé trước để tiết kiệm được phần nào chi phí.
"Thông thường tôi sẽ đưa gia đình cùng đi nghỉ mát với công ty vào tháng 7, ngoài ra sẽ đi trong nước khoảng 2-3 chuyến trong nước hoặc 1 chuyến trong nước, một chuyến nước ngoài. Thế nhưng năm nay vợ tôi dự sinh vào cuối tháng 7 nên tôi đã chuẩn bị cho cả nhà một chuyến đi Đà Nẵng vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5.
Vé máy bay và khách sạn đều đặt trước, giờ dịch COVID-19 có nhiều diễn biến tích cực hơn song gia đình tôi có con nhỏ, vợ lại đang bầu nên sau nhiều do dự, tôi quyết định huỷ bỏ chuyến đi. Vé máy bay đổi được ngày chứ phòng khách sạn đành huỷ không!".
Anh Trung chia sẻ, công việc của anh là thiết kế nên công việc không bị ảnh hưởng quá nhiều vì dịch. Hai vợ chồng vừa làm việc ở nhà vừa trông con nên cũng khá mệt. Dịp nghỉ lễ này sẽ thành khoảng thời gian để cả gia đình nghỉ ngơi, quây quần bên nhau.
Ông chồng không khỏi ngỡ ngàng khi sáng dậy thấy vợ mình hoá "nàng thơ".
"Nhiều người bảo nghỉ lễ mà ở nhà thì chán, còn mình nghĩ chán hay vui đều là do mình hết. Lại nhớ sáng hôm qua, định ngủ "nướng" tranh thủ thì quờ tay không thấy vợ đâu, mở mắt thì giật mình thấy "nàng thơ" đang ngồi trước cửa sổ. Tưởng bà "ỏng" sáng tác nghệ thuật gì, hoá ra là ngồi tô theo tranh có số sẵn", anh Trung không khỏi bật cười khi nhớ lại.
Vợ anh vốn là người thích trang trí nhà cửa, rất nhiều đồ dùng, đồ trang trí trong nhà đều là do chị tự tay làm. Chuyến du lịch bị huỷ, chị chọn tranh sơn dầu số hoá vừa để giải trí, tô xong lại có sản phẩm treo trang trí nhà. Đây cũng là sự lựa chọn của rất nhiều chị em trong kỳ nghỉ lễ này. Trong các hội nhóm dân công sở, các chị em thi nhau chia sẻ tác phẩm của mình và kinh nghiệm để có bức tranh đẹp nhất.
Tranh sơn dầu số hoá được nhiều chị em lựa chọn khi thành phẩm đẹp mắt lại phù hợp để ở nhà không chán mùa dịch.
Chị em mở khoá học nấu ăn cho chồng, dự án trồng cây cho con
Kinh tế gia đình còn nhiều khoản cần lo, thu nhập của hai vợ chồng lại bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên chị Phạm Thị Thuý (29 tuổi, nhân viên logistic) chọn ở lại thành phố thay vì kế hoạch về quê như trước. Chị chia sẻ gia đình chị từng đi xe máy lên Tam Đảo cho con "đổi gió" trong một dịp nghỉ lễ ngắn ngày năm ngoái và đó đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên.
"Nhớ lại mà mình vẫn thấy sợ. Đi du lịch xa thì không có điều kiện nên năm ngoái vợ chồng mình bảo nhau cho con đi Tam Đảo. Ai ngờ mới được đoạn của con dốc Tam Đảo thì đã không thể nhúc nhích vì xe cộ kẹt cứng. Phía trước là một "rừng" người mà muốn quay về cũng không được. Lên được đến nơi thì phòng khách sạn đắt, ăn uống cũng không hợp miệng. Kết thúc chuyến du lịch, mình thấy còn mệt hơn bình thường", chị Thuý nhớ lại.
Để những ngày nghỉ ở nhà không nhàm chán, chị quyết định mở một khoá học nấu ăn cho hai bố con để không cần ra hàng những khi vợ đi vắng.
"Hai bố con cũng háo hức lắm, chồng mình còn cười tự tin, nói nấu ăn chỉ là chuyện nhỏ. Nhìn anh ấy cầm chảo rồi lắc lắc ai cũng tưởng chuyên nghiệp, chỉ đến khi thưởng thức mới cười bò vì chồng mình thay vì cho muối lại cho đường".
Chị Thuý không khỏi cười bò khi nếm thử sản phẩm của "vua đầu bếp chồng".
Nhiều chị em cũng chia sẻ chọn nghỉ lễ ở nhà để đảm bảo an toàn. Các gia đình có con lớn tranh thủ củng cố kiến thức cho các con sau thời gian học trực tuyến, gia đình có con nhỏ thì chọn làm đồ chơi, trồng cây để con vừa học hỏi vừa được khám phá thế giới xung quanh.
Tranh thủ "cày cuốc" bù nghỉ dịch
Chia sẻ trên một hội nhóm dân công sở, chị Huyen Nguyen tâm sự: "Có ai nghỉ lễ bê cả chồng tài liệu về nhà giải quyết như em không? Chưa bao giờ thấy được làm việc mà mừng như bây giờ".
Công ty chị bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch nên thời gian vừa rồi nhân sự phải thay nhau nghỉ luân phiên, lương cũng giảm mất 40%. Mới được đi làm lại một tuần, ai nấy đều tranh thủ làm việc nhiều hơn, nghiên cứu thêm những ngách mới để giúp công ty sớm phục hồi.
Có nhiều cách để chúng ta có được một kỳ nghỉ thực sự trọn vẹn mà không phải đi xa trong những ngày chưa hết dịch. Thiết nghĩ, một "chuyến du lịch tại gia", cùng gia đình quây quần thưởng thức những bữa ăn ngon hay cùng con làm đồ chơi, trồng cây hay đơn giản thư giãn đọc sách và lên kế hoạch cho những ngày tháng tới chẳng phải là tuyệt vời nhất sao.