Người biết 6 điều này đàm phán tăng lương “trăm trận trăm thắng”

Kiên Nguyễn - Ngày 06/02/2022 19:00 PM (GMT+7)

Luôn phải nhớ rằng, bạn cần cảm thấy gắn bó và thoải mái với vị trí của mình nếu muốn phát triển. Và tất nhiên, bạn không thể làm được điều đó nếu không thấy mình được trả những gì xứng đáng.

Khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhu cầu nhân sự tại nhiều đơn vị gia tăng. Đó có thể là một tin tuyệt vời đối với những người đang tìm kiếm một vị trí mới và cũng có thể là điều khiến bạn căng thẳng khi chưa có nhiều kinh nghiệm phỏng vấn, thương lượng. 

Phần căng thẳng nhất khi nộp đơn xin việc có thể chỉ là khi đến lúc phải nói về tiền bạc. Cụ thể, bạn sẽ kiếm được bao nhiêu tiền ở vị trí mới của mình. Điều cuối cùng mà bất kỳ ai cũng muốn làm là mở ra một chương mới trong sự nghiệp của họ với suy nghĩ rằng họ đang được trả lương thấp hơn giá trị của họ. Điều này cũng đúng đối với bất kỳ ai đã có việc làm và đang muốn tăng lương.

Kyle Elliott, huấn luyện viên nghề nghiệp ở Thung lũng Silicon là người đã giúp rất nhiều khách hàng tìm được việc làm tại các tập đoàn lớn như Facebook, LinkedIn, Amazon, Google, Microsoft và nhiều công ty nằm trong danh sách Fortune 100 và 500. Chuyên gia này chia sẻ: “Xây dựng sự tự tin cần có thời gian và thực hành. Hãy nhớ rằng bạn có quyền lực trong quá trình thương lượng tiền lương. Các công ty cần nhân viên để thành công. Bạn đang mang lại giá trị cho công ty và xứng đáng được trả một cách công bằng cho giá trị mà bạn mang lại”.

Dưới đây là 6 mẹo và chiến thuật để giúp bạn đạt được thành công trong lần thương lượng tiền lương tới. 

1. Tự nghiên cứu

Người biết 6 điều này đàm phán tăng lương “trăm trận trăm thắng” - 1

Một trong những cách tốt nhất để bạn tự tin bước vào cuộc đàm phán lương  là thực hiện một số nghiên cứu về những gì thị trường thường trả cho vị trí đó. Thông qua các trang web giới thiệu việc làm, tuyển dụng, bạn có thể có cái nhìn chung về những người có kinh nghiệm, kiến ​​thức và kỹ năng trong lĩnh vực đó.

Bạn cũng nên tính đến yếu tố địa lý, vì chi phí sinh hoạt ở một thành phố lớn có thể mang lại mức lương cao hơn so với một công việc tương tự ở một vùng ngoại ô. Tất nhiên, việc trả lương gắn liền với địa lý cũng đang thay đổi khi ngày càng có nhiều công ty thực hiện làm việc từ xa. 

Bạn cũng có thể tìm hiểu sâu hơn để có được nhiều thông tin cụ thể hơn nữa. Elliott nói rằng các cuộc trò chuyện về tiền lương ngày càng mở hơn, không còn bị coi là điều cấm kỵ như trước. Bạn có thể chủ động nói chuyện với các nhân viên khác trong công ty để tìm hiểu thêm về cơ cấu tiền lương của tổ chức họ. 

2. Thiết lập con số cơ bản 

Khi bạn đã hiểu về những gì vị trí của mình từng được trả, bạn có thể tiếp cận cuộc thương lượng lương của mình giống một cuộc trò chuyện hơn. Theo Elliott, bạn có thể làm điều này bằng cách đặt câu hỏi về kỳ vọng của nhà tuyển dụng quanh việc trả lương cho vị trí đó. Ông chia sẻ:

“Khi phỏng vấn, tôi huấn luyện khách hàng đang tìm việc hỏi mức lương mà công ty đã chi cho vị trí này. Bạn có thể đơn giản là hỏi nhà tuyển dụng: "Công ty của anh/chị đã chi ngân sách thế nào cho vai trò này?'".

3. Đừng thương lượng chống lại chính mình

Người biết 6 điều này đàm phán tăng lương “trăm trận trăm thắng” - 2

Một sai lầm cần tránh trong đàm phán tiền lương là tiết lộ lịch sử tiền lương của bạn. Elliott nói: “Mức lương trước đây của bạn hiếm khi có liên quan trong quá trình đàm phán lương. Một bước sai lầm khác là cố gắng thương lượng yêu cầu mức lương ban đầu mà bạn có thể đã được gửi trước đó trong quá trình phỏng vấn. Cuối cùng, đừng thương lượng về ngày bắt đầu, các lựa chọn làm việc từ xa hoặc các điều kiện làm việc khác cùng lúc với thương lượng mức lương của bạn. Bạn cần đảm bảo vị trí và điều kiện làm việc của mình trước khi cố gắng thương lượng mức lương". 

4. Nghĩ xa hơn là mức lương

Hãy nhớ rằng mức lương không phải điều duy nhất. Theo Elliott, “Nếu công ty không sẵn sàng đáp ứng mức lương cơ bản bạn mong muốn, hãy hỏi về các khoản tiền thưởng, phụ cấp khác như phụ cấp ăn trưa, hỗ trợ xăng xe, điện thoại hay thậm chí thuê nhà. Đó có thể là điều làm nên sự khác biệt". 

5. Tận hưởng sự im lặng

Người biết 6 điều này đàm phán tăng lương “trăm trận trăm thắng” - 3

Một kỹ thuật khác có thể hữu ích trong cuộc đàm phán lương tiếp theo của bạn chính là chấp nhận sự im lặng. Trong khi nhiều người cố phá vỡ sự im lặng khó xử bằng cách lên tiếng thì nghiên cứu từ Trường Quản lý Sloan của MIT cho thấy rằng khi cả hai bên tạm dừng nói chuyện chỉ trong vài giây, họ có thể đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi. Đừng nghĩ rằng mình luôn phải nói điều gì đó. 

6. Tự tin

Điều tệ nhất khi bạn đàm phán tăng lương với cấp trên chính là ngay từ đầu bạn đã không tự tin. Elliott nói: “Tôi đã làm việc với hơn 1.000 người đi tìm việc và chưa một ai bị rút lại lời đề nghị vì đã đề nghị mức lương cao hơn. Khi đàm phán tăng lương, bạn không mất gì cả.”

Rất nhiều, rất nhiều người đã đàm phán được mức lương cao hơn đề nghị sau khi nói chuyện về những gì thị trường đang trả cho các vị trí tương tự và điều họ có thể mang lại cho công ty. Đừng ngại yêu cầu một mức lương phù hợp với giá trị của bạn.

Cùng với đó, bạn cần biết khi nào nên khép lại cuộc trò chuyện. Hãy bước vào cuộc đàm phán lương với một con số mấu chốt và sẵn sàng cho mình phương án khi công ty không đáp ứng. Luôn phải nhớ rằng, bạn cần cảm thấy gắn bó và thoải mái với vị trí của mình nếu muốn phát triển. Và tất nhiên, bạn không thể làm được điều đó nếu không thấy mình được trả những gì xứng đáng.

Vì sao người học kém lại dễ làm sếp, kiếm tiền nhiều hơn cả người học giỏi?
Thực tế là chúng ta được nghe rất nhiều câu chuyện của những người thành công từng không có thành tích tốt ở những năm đi học. Vậy nguyên nhân là vì...

Tư duy thông minh

Kiên Nguyễn (Theo Forbes)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết Nguyên Đán 2023 - Khắc ghi từng giây phút yêu thương