Bạn cảm thấy dường như cấp trên hay đồng nghiệp nào đó không thích mình? Hay bạn thấy mình nỗ lực trong công việc, kết quả cũng tốt mà chuyện thăng tiến vẫn lận đận? Rất có thể bạn đã mắc nhiều thói quen thiếu chuyên nghiệp khiến “mất điểm” nơi công sở.
Đi làm muộn
Rosalinda Oropeza Randall, một chuyên gia về nghi thức và phép lịch sự, đồng thời là tác giả của cuốn sách "Don't Burp in the Boardroom” (tạm dịch: "Đừng ợ trong phòng họp" cho biết: "Đúng giờ là rất quan trọng."
"Điều chuyên nghiệp bạn cần làm là đến đúng giờ, sẵn sàng làm những gì được mong đợi. Đừng khiến người khác thấy như bạn đang phải chịu đựng khi làm việc”, cô nói.
Cuộc họp nào cũng đến muộn
Theo Vicky Oliver, tác giả của cuốn sách "301 Smart Answers to Tough Interview Questions" (tạm dịch: "301 câu trả lời thông minh cho các câu hỏi phỏng vấn khó"), việc luôn xuất hiện muộn trong các cuộc họp cho thấy bạn không tôn trọng đồng nghiệp của mình - những người xuất hiện đúng giờ - cũng như người tổ chức cuộc họp.
“Để mọi người chờ đợi có thể được hiểu như hành động kiêu ngạo, thô lỗ và thiếu suy nghĩ”, Randall bày tỏ.
1001 câu hỏi “Vì sao”
Có thể những câu hỏi bạn đưa ra không ngớ ngẩn nhưng việc hỏi quá nhiều có thể khiến người khác khó chịu. Đây còn là hành động khiến bạn trông như không chịu tìm hiểu kỹ vấn đề.
“Khi bạn nhận được một nhiệm vụ mới, hãy đảm bảo mình đã tìm hiểu về nó và ghi lại các câu hỏi của mình, đưa ra chúng một cách có tổ chức. Đừng bao giờ chỉ nói hết câu hỏi này đến câu hỏi khác”, Oliver gợi ý.
Luôn luôn tiêu cực
Việc bạn luôn phản hồi liên tục các đề xuất với thái độ bi quan hoặc trái ngược có thể được hiểu là hành vi bất hợp tác. Đừng lúc nào cũng luôn miệng: "Điều đó sẽ không hiệu quả đâu", "Nghe khó quá" hoặc "Tôi không biết phải bắt đầu thế nào"...
Phàn nàn quá nhiều cũng không giúp bạn giải quyết vấn đề mà chỉ làm mọi thứ thêm tệ. Randall nói: “Có thể có những lúc mọi người muốn phàn nàn về sếp, đồng nghiệp hoặc một nhiệm vụ nào đó của mình nhưng sự thật là việc nói lên điều đó sẽ chỉ khiến bạn trông thiếu chuyên nghiệp. Nếu bạn phàn nàn mỗi ngày, từ khi bước chân vào văn phòng đến khi tắt máy ra về, chẳng bao lâu sau, mọi người sẽ tránh xa bạn."
Rosemary Haefner, giám đốc nhân sự của CareerBuilder chia sẻ: “Không gì tiêu hao năng lượng của bạn bằng việc phải đối phó với một đồng nghiệp luôn bi quan. Có thể mọi thứ diễn ra không đúng như những gì bạn mong đợi, dự tính song ngay cả khi chúng xảy ra, hãy tập trung năng lượng của bạn vào những gì bạn đã học được từ một tình huống xấu."
Nhiều cuộc khảo sát các nhà tuyển dụng cho thấy có đến 62% người tham gia khảo sát nói rằng khả năng thăng chức của những nhân viên có thái độ tiêu cực hoặc bi quan là thấp.
Bừa bộn
Randall nói: “Cho dù bạn đang ở bàn làm việc hay trong phòng nghỉ, thì việc lười biếng, bừa bộn không bao giờ là điều được đánh giá cao. Việc để lại mớ hỗn độn của bạn cho thấy sự thiếu trách nhiệm kiêu ngạo và thiếu chín chắn".
Tương tự, không gian làm việc của bạn cũng có thể phản ánh con người bạn, đặc biệt là khi bạn để những người xung quanh bị ảnh hưởng vì mình, tệ hơn là họ phải dọn dẹp cho bạn.
Theo Haefner, những nhân viên bừa bộn có thể làm ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến của họ trong mắt 36% nhà tuyển dụng.
Trang điểm tại bàn làm việc
Oliver nói trong hầu hết các lĩnh vực, việc chải chuốt, trang điểm ở nơi công cộng đều là hành động không nên. Sẽ tốt hơn khi bạn làm điều đó trong phòng thay đồ hoặc nhà vệ sinh.
Tiếng nói chuyện phiếm trong nhà vệ sinh
Có hai cuộc trò chuyện đặc biệt mà bạn không bao giờ nên bắt đầu trong phòng vệ sinh nơi làm việc đó là:
- Nói chuyện với một người đang sử dụng phòng vệ sinh khác. Đây là hành động xâm phạm đến sự riêng tư của những người còn lại. Nếu bạn phải trò chuyện, ít nhất hãy đợi cho đến khi bạn rửa tay.
- Trò chuyện với ai đó trên điện thoại. Việc để ai đó nghe điện thoại thấy tiếng xả nước bồn cầu là hết sức thô lỗ.
Buôn điện thoại, nhắn tin cá nhân cả ngày
Việc bạn liên tục nói chuyện hoặc nhắn tin với bạn bè, gia đình trong thời gian làm việc là không hề chuyên nghiệp và có thể đi ngược lại chính sách của công ty. Bạn có thể làm điều đó trong giờ giải lao song sẽ tốt hơn khi bạn chọn một nơi kín đáo, đặc biệt là những nội dung mang tính tế nhị hay bí mật. Bạn không thể biết cấp trên hay đồng nghiệp sẽ đi ngang qua và vô tình nghe được cuộc trò chuyện của mình.
Công khai bè phái
Oliver nói: “Có thể anh chàng đồng nghiệp mới có mùi như xôi xéo khiến bạn không thấy ưa song đừng né tránh mỗi khi anh ta yêu cầu bạn giúp đỡ trong công việc". Bạn cũng không nên tung tin đồn nhảm về anh ta hay bất cứ người nào mà mình không thích.
Tốt nhất hãy cư xử thân thiện với tất cả mọi người. Điều này cho thấy rằng bạn có khả năng hoà hợp và có khiếu quản lý. Gần một nửa số nhà tuyển dụng CareerBuilder được khảo sát nói rằng họ sẽ suy nghĩ kỹ càng hơn trước khi đưa một nhân viên thường xuyên tham gia vào các cuộc buôn chuyện lên chức cao hơn.
“Hãy cẩn thận rằng bất kỳ lời chỉ trích, đưa chuyện của bạn về ai đó đều có thể được lấy làm đánh giá về chính bạn”, Oliver gợi ý.
Bành trướng
Ở nơi làm việc, việc bành trướng, lấn sâu vào không gian cá nhân của người khác là điều rất không nên. Nếu bạn để hết túi xách, cốc cà phê và 1001 thứ linh tinh khác của mình lên bàn, người bên cạnh sẽ không còn đủ không gian. Vấn đề chưa lớn đến mức họ phải nói ra hay làm căng thẳng nhưng thực sự khiến họ không thoải mái.
Chửi thề
Randall nói: “Sử dụng những từ ngữ thô tục không chỉ là một thói quen xấu mà ở phần lớn các môi trường làm việc, điều này còn bị coi là thiếu chuyên nghiệp và thậm chí bạn có thể phải gặp bộ phận Nhân sự để giải trình về vấn đề”.
Chửi thề là thói quen của không ít người, thậm chí bản thân họ cũng không nhận ra mình đã đệm thêm những từ ngữ không cần thiết vào câu nói. Việc này khiến người khác nghĩ rằng bạn là người không kiểm soát được cảm xúc, không thể bình tĩnh mà đối phó với tình huống và chửi thế là cách duy nhất bạn có thể làm để giải toả. Nhiều nhà tuyển dụng cũng cho rằng một nhân viên thường xuyên chửi thề chưa thể sẵn sàng cho việc thăng chức.
Những thói quen thể hiện sự lo lắng
Liên tục gõ lên bàn, kiểm tra điện thoại liên hồi, rung chân, nhai kẹo cao su, cắn móng tay, gãi đầu là những thói quen thể hiện sự lo lắng mà có thể chính bạn cũng không nhận ra mình đang làm điều đó. Tuy nhiên những người xung quanh bạn thì luôn biết.
Những thói quen này không chỉ có thể khiến người khác mất tập trung mà còn có thể nói lên rằng bạn đang cảm thấy chán chường hoặc lo lắng, ở trạng thái tinh thần không ổn định.
Luôn né tránh những lời mời, sự kiện đông người
Mỗi người có một tính cách riêng song dù bạn có là người nhút nhát hay quá bận rộn thì cũng không nên luôn miệng nói lời từ chối tham dự các sự kiện do công ty tổ chức, bữa trưa cùng đồng nghiệp và báo ốm vào những ngày có hoạt động nhóm. Có thể bạn có lý do nào đó song việc này dễ tạo ấn tượng rằng bạn không phải là một phần của tập thể và kiêu ngạo. Không ai muốn mời một người mãi từ chối mình.
Thói quen gửi email cẩu thả
Từ việc gửi email không một dòng tiêu đề đến việc gửi email khẩn cấp nhưng nội dung lại không cấp thiết chút nào, tất cả đều là những việc dễ khiến đồng nghiệp cũng như cấp trên của bạn cảm thấy không thoải mái.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa rằng các email trao đổi công việc hàng ngày của bạn phải nuột nà đầy đủ hết các nghi thức và thật trang trọng song hãy đảm bảo đủ các yếu tố cơ bản, không khiến người nhận mất nhiều thời gian để nắm bắt.