Người Việt ngày càng ít vị tha, khoan dung?

Ngày 10/03/2016 09:04 AM (GMT+7)

Cuộc sống sẽ không bao giờ trở nên tốt đẹp hơn khi chúng ta chỉ nhìn vào sai lầm của người khác. Phán xét không làm chúng ta trở nên tử tế hơn.

Càng ngày, tôi càng cảm thấy xa lạ với đám đông. Vì càng ngày, tôi lại càng không thể hiểu họ. Đặc biệt là khi facebook hiện hữu.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm có lần nói với tôi, “Người Việt  thích chém gió, thích nổ, thích khoe, thích khẳng định mình một chút và mạng xã hội facebook là mảnh đất màu mỡ để phục vụ cho những đặc tính này”. Khi nghe ông nói điều này vào thời điểm đó, không hẳn là tôi hoàn toàn đồng ý.

Tuy nhiên, điều tôi nhận thấy chính là càng ngày người Việt càng đánh mất tính vị tha, khoan dung.

Cách đây vài năm, tôi cùng một đồng nghiệp có chuyến công tác đến trại giam Z30A của Bộ Công an. Đây là một trong những trại giam lớn của Bộ, nơi mà những tay tội phạm khét tiếng cả nước bị giam giữ.

Đồng nghiệp của tôi xin được tiếp xúc với phạm nhân H.B, giám thị trại giam đồng ý. Tôi không có ý định gặp H.B, chỉ là nhân đồng nghiệp muốn thì thuận chân đi theo.

H.B là gã giang hồ lừng lẫy, một phạm nhân được giới truyền thông rất ưa thích và bạn đọc rất chuộng. Những câu chuyện của H.B lắm lúc được nâng tầm như giai thoại.

H.B ngồi trong phòng thăm gặp, hai tay kẹp giữa đùi, mắt cụp xuống. H.B không ngước lên, H.B nói mạch lạc và rành rọt từng chữ một khi gặp chúng tôi: “Tôi van các anh tha cho tôi đi, tôi biết tôi sai rồi. Tôi đã cố gắng tập trung cải tạo tốt để mong nhận được khoan hồng mà giảm án. Vậy mà cứ một vài tháng các anh lại viết bài về những hành vi lỗi lầm của tôi, cứ nhắc hoài như vậy thì tôi còn hy vọng gì ngày được đặc xá, về cái ngày người ta quên sai lầm của tôi để tôi có thể làm người bình thường được”.

Người Việt ngày càng ít vị tha, khoan dung? - 1

Hãy vị tha và bao dung (Ảnh minh họa)

Tất nhiên, cuộc trò chuyện với H.B bất thành. Dẫu vậy, lời của H.B để lại cho tôi nhiều suy nghĩ.

Từ đó về sau đi công tác trại giam tôi chỉ viết những đề tài khác, tuyệt đối không gặp phạm nhân nữa. Nếu có, chỉ là gặp phạm nhân sắp được tự do để ghi lại cảm xúc đầy niềm vui của họ. Cậu nhóc ngày còn bé theo tôi, lớn xíu tụ tập đánh nhau, án 4 năm 6 tháng có lần thủ thỉ rằng: “Anh không biết đâu, khi mà anh được tự do. Anh cảm giác mình như con chim vậy, người anh nhẹ nhàng tưởng có thể đập cánh là bay lên trời luôn. Em ra khỏi trại giam đi còn mất thăng bằng vì muốn nhún chân bay như siêu nhân mà”.

Tờ báo tôi đang công tác có mục từa tựa như ký sự pháp đình, đây là chuyên mục cố định bạn đọc yêu thích lẫn quan điểm của Ban Biên tập nên không thể bỏ được (mặc dù, tôi rất muốn bỏ), tôi giữ chuyên mục này.

Gần như ở những bài viết có thể sử dụng minh họa thay cho bị cáo trước Tòa tôi đều sử dụng. Ở nhiều bài viết, tôi đổi tên họ của bị cáo.

Đồng nghiệp có lần hỏi tôi, “Tại sao lại như vậy?”. Tôi trả lời, “Vì thích”.

Thật ra, tôi không thích điều này chút nào, chẳng qua là tôi hay mường tượng đến ngày họ được tự do và vô tình đọc lại hành vi, nhìn ảnh mình trên báo. Tôi không biết tâm trạng họ sẽ ra sao nữa, chỉ là tôi nghĩ sẽ hoàn toàn không hề dễ chịu. Làm gì có thể tránh lặp lại lời của H.B năm nào, tôi đều cố làm.

Vài tháng trước, tôi có tiếp một bạn đọc là nữ giới. Câu chuyện của chị liên quan đến thanh danh của cá nhân. Tôi khuyên, chị nên suy nghĩ thêm về ý định công bố thông tin ấy với truyền thông, vì tôi hiểu truyền thông sẽ tác động như thế nào đến cuộc sống của chị lẫn người thân. Chị đồng ý thực hiện theo giải pháp mà tôi hướng dẫn.

Hôm qua, chị gọi điện thoại cảm ơn. Thật vui khi nhận được thông tin ấy, vì trong bối cảnh mà mạng xã hội đang chiếm lĩnh toàn bộ đời sống thị dân, tất cả nhất thiết phải cẩn trọng.

Phán xét là việc của mỗi người tùy vào quan điểm, góc nhìn.

Đôi khi lắng lòng, tôi tin rằng bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ đỏ mặt vì những sai lầm đã xảy ra trong quá khứ. Đó là lời nói, hành động hay sự vô tâm. Chẳng qua là chúng ta may mắn hơn nên những sai lầm ấy không được loan truyền.

Thành ngữ Anh có câu: “Ai cũng có một bộ xương người trong tủ”. Thành ngữ này hiện hữu vì điển tích về một gia đình quý tộc đương thời, lại có ông tổ là kẻ trộm ngựa bị kết án treo cổ, còn bà cố là vũ nữ. Sâu xa hơn, thành ngữ này nhấn mạnh đến chuyện ai cũng có một quá khứ giấu kín, một quá khứ đáng quên.

Chúng ta thường hay nói với nhau: “Không ai nắm tay được từ sáng đến tối”, nghĩa là bất cứ ai cũng có thể phạm phải sai lầm. Ngay từ lúc chào đời, việc gây ra cơn đau cho mẹ cũng là một sai lầm của chúng ta rồi.

Vốn dĩ thói quen của tôi là không tranh luận hay nhân danh, tôi chưa bao giờ thích giáo điều. Chỉ là trong mỗi bài viết của mình tôi chỉ đưa ra quan điểm cá nhân, và đồng tình hay không là chuyện của bạn.

Dẫu vậy, tôi luôn tin rằng cuộc sống sẽ không bao giờ trở nên tốt đẹp hơn khi chúng ta chỉ nhìn vào sai lầm của người khác. Bởi sai lầm như một thứ biến cố mà bất cứ ai trong đời cũng hơn một lần phải đối diện.

Hãy nhìn để tránh chứ không phải nhìn để bỉ bai, chê trách hoặc nhắc đi nhắc lại từ hôm này qua hôm khác.

Đơn giản là ai cũng có một quá khứ, quan trọng hơn, ai cũng có một tương lai. Phán xét không làm chúng ta trở nên tử tế hơn, tôi tin vào điều này.

Theo Ngô Nguyệt Hữu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Buôn chuyện