Một người chồng làm phóng viên rất cần một người vợ bao dung, biết yêu thương, chia sẻ và thông cảm với nghề nghiệp của họ.
Đằng sau những người chồng luôn là những người vợ, người phụ nữ đóng vai trò là hậu phương vững chắc, chăm sóc, yêu thương, chiều chuộng và biết cảm thông với mình. Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Lương Lưu Ly, nhân viên văn phòng và cũng là vợ của một phóng viên thể thao. Cùng nghe Lương Lưu Ly chia sẻ về cuộc sống cũng như những suy nghĩ, cảm xúc của một người vợ nhà báo nhé!
Rất vui vì được nói chuyện để nghe những chia sẻ của bạn về cuộc sống gia đình của một người vợ phóng viên. Ly có thể cho biết, bạn và chồng quen nhau từ bao giờ?
Chồng mình và mình quen nhau khi mình học năm thứ 3 đại học. Cũng trẻ người non dạ nên mới bị lừa đấy (Cười!).
Vậy chính thức yêu nhau là khi nào? Và Ly có thể kể sơ qua về hoàn cảnh dẫn đến tình yêu của hai người được không?
Mình chưa bao giờ nhận lời yêu chồng mình, cho nên mình cũng không thể trả lời câu hỏi “khi nào thì mình và chồng chính thức yêu nhau”. Cụ tỉ hơn thì thực ra mình đã từ chối tình cảm của chồng khi anh bày tỏ, nhưng sau đó thì cuộc sống xảy ra một vài xáo trộn mà mình tin rằng anh đã giúp mình ổn định và vững vàng hơn, ít nhất là về mặt tinh thần. Sau đó thì không ai nói đến chuyện “mình yêu nhau nhé” hay thế nào nữa. Mọi thứ cứ tuần tự diễn ra một cách tự nhiên.
Mình chưa bao giờ nhận lời yêu chồng mình, cho nên mình cũng không thể trả lời câu hỏi “khi nào thì mình và chồng chính thức yêu nhau”.
Còn lần đầu tiên chúng mình gặp nhau cũng là một kỉ niệm khá đặc biệt. Đó là lần đầu tiên mình hẹn xem mặt một anh bạn có một thời gian tìm hiểu chat chit cũng tương đối lâu trên mạng. Mình ngại gặp riêng nên có rủ thêm một người bạn gái, người bạn gái đó lại rủ chồng mình bây giờ. Nôm na là nếu hôm đó mình không rủ bạn đi cùng thì có thể câu chuyện bây giờ đã khác, và chắc là bạn đang nói chuyện với một người phụ nữ khác cơ, không phải mình đâu.
Khi yêu, bạn có biết, anh nhà là nhà báo?
Có. Ngay từ lần đầu gặp mình đã biết anh là nhà báo. Nói chung cụm từ “nhà báo” nghe cũng có vẻ hay ho và thú vị, nhưng cũng không phải lí do chính khiến mình bị ấn tượng. Lý do chính khiến mình có đôi chút ấn tượng là vì đi gặp mình và người bạn của mình mà anh hầu như ít nói chuyện mà thản nhiên ngồi gõ bài. Mà mình thì chỉ chết vì bọn con trai lạnh lùng thôi. Nhưng sau này mới biết, ấn tượng ban đầu sai toét tòe loe, nên mới có màn phũ phàng từ chối nhắc phía trên đấy.
Tình yêu của chúng tôi trải qua nhiều thăng trầm, vui vẻ và hạnh phúc, nhiều khi rất nhí nhảnh
Khi biết rồi thì bạn có cảm giác thế nào? Vì thông thường, người ta hay nói, làm phóng viên vất vả, mệt nhọc và đặc biệt là thời gian tự do, không biết lúc nào đi lúc nào về? Bạn có ngại về chuyện này không?
Đúng như bạn nói, nghề phóng viên có thể không thong dong như một số công việc văn phòng, nhưng đặc thù mỗi nghề mỗi khác, nên không thể nói rằng những công việc văn phòng thì kém vất vả hơn. Không những thế, với đặc thù là tính tự do nên nghề phóng viên có nhiều cơ hội để khiến cuộc sống của anh ta trở nên thú vị, thi vị và đặc biệt. Ví dụ như mình đâu có được người ta trả tiền để khám phá Cửu Trại Câu như chồng mình?! Quá là ghen tị ấy chứ. Nhưng đúng như bạn nói, cái gì quá thì không tốt, ngay cả sự tự do. Quan trọng nhất là cả hai phải có sự trao đổi và tôn trọng nhau và công việc của nhau. Nếu anh ấy không tôn trọng mình và thiếu trao đổi về công việc của anh ấy mà cứ mặc sức đi hôm về khuya, hà cớ gì mà mình phải mặc nhiên chấp nhận, hiểu cũng như thông cảm cho anh ấy như một nghĩa vụ nếu không có sự đề nghị? Nói vui thôi, may là chồng mình không như thế.
Trước đây, khi còn là sinh viên, bạn có từng nghĩ mình sẽ lấy một người chồng làm báo, hay thích lấy một người làm báo?
Mình chưa bao giờ đặt tiêu chuẩn về công việc của người bạn đời nên cũng không bất ngờ, cũng chẳng nghĩ rằng mình sẽ lấy một anh nhà báo.
Nhiều gia đình cấm không cho con cái mình lấy người làm báo, vì họ sợ phóng viên báo chí vừa vất vả, vừa không có thời gian bên gia đình và đôi khi là nguy hiểm. Gia đình bạn khi biết mối quan hệ này của bạn, họ có phản đối hay đồng tình?
Lúc mang bầu rất hạnh phúc vì được chồng chăm lo
Mình nghĩ rằng đó, xét cho cùng là một mong muốn chính đáng của những người làm cha làm mẹ. Mình là người tương đối chủ động và tự chịu trách nhiệm trong các mối quan hệ, một phần vì cha mẹ ít can thiệp vào đời sống riêng tư của mình. Điều đó không hẳn là hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực, nhưng tình cờ đã mang lại “lợi thế” cho chồng.
Lấy nhau được 3 năm, cháu nhỏ của hai bạn đã được mấy tuổi rồi?
Cháu được hơn 2 tuổi.
Gia đình hạnh phúc của cặp vợ chồng
Làm vợ của nhà báo thực sự không hề đơn giản, phải là một người rất biết thông cảm, hiểu cho chồng và thoải mái với các mối quan hệ cũng như giờ giấc của chồng? Có lẽ, bạn cũng đã trải qua những cảm xúc khó tả? Bạn có thể chia sẻ đôi chút khó khăn hay thuận lợi của một người vợ phóng viên không?
Ồ, mình chắc chắn, tuyệt đối chắc chắn không phải là người phụ nữ “thoải mái với các mối quan hệ cũng như giờ giấc của chồng”. Hiểu và thông cảm thì cũng tùy, lúc có lúc không. Như mình nói phía trên, thái độ của người phụ nữ là kết quả của phép tính giao tiếp mà sự tôn trọng và trao đổi lẫn nhau là vô cùng quan trọng. Đó không phải là sự thông báo một cách hình thức như kiểu đi đâu thì phải nhắn tin “anh đang ngồi uống bia với anh A”, hay “anh đang ngồi trao đổi bài vở với chị B”. Thế nhỡ đúng ra phải là “Anh đang chụp ảnh sexy cho một em người mẫu rất xinh” thì bạn nghĩ là câu chuyện có còn giống nhau không? Và anh ta có nói thật với bạn không? Không thể nói rằng đó là công việc của chồng nên mình có nghĩa vụ phải thông cảm. Cho nên chúng tôi vẫn trao đổi về công việc của nhau, nhưng không có nghĩa là lúc nào cũng phải kê khai rành mạch.
Chồng mình là một người rất tâm lý, yêu vợ thương con
Mình cũng không đến nỗi ảo tưởng mà cho rằng chồng mình sẽ chia sẻ tất tần tật mọi thứ với mình. Mình cũng ít khi nghĩ đến chuyện là vợ của phóng viên thì khó khăn và thuận lợi những gì, nhưng mình thực sự rất tự hào vì mình có chồng là phóng viên.
Chồng bạn có phải là người tâm lý?
Chồng mình chắc không phải là người tâm lý đâu.. Nhưng ngoài những lúc không nói thật ra mình thấy anh cũng tương đối thật thà. Nguy hiểm nhỉ? À mà mình cũng không định nghĩa được thế nào là tâm lý đâu. Chiều chuộng và biết lắng nghe có phải là tâm lý không? Thế thì chồng mình cũng hơi hơi tâm lý. (Cười)
Người làm báo thường hay đi tối ngày, công việc bận rộn, thậm chí là làm đêm, đi công tác triền miên? Khi gặp trường hợp như vậy, bạn có cảm nghĩ thế nào?
Nếu đó là yêu cầu công việc và chồng mình đã có sự trao đổi, chuẩn bị tâm lý cho vợ thì mình cũng không bận tâm nhiều. Thỉnh thoảng hai mẹ con vắng bố thì cũng nhớ, cũng buồn, mong bố về thôi, còn là có cảm nghĩ thế nào thì cũng thay đổi được gì đâu.
"Thỉnh thoảng hai mẹ con vắng bố thì cũng nhớ, cũng buồn, mong bố về thôi".
Bạn có hay giận dỗi chồng hay khó chịu với chuyện chồng hay nhậu nhẹt này kia không?
Chồng mình không phải là người ưa nhậu nhẹt. Thỉnh thoảng anh vẫn trốn nhậu nhẹt để đưa vợ con đi chơi suốt đấy.
Nếu chồng bận rộn như vậy, anh ấy sẽ dành thời gian chăm sóc gia đình, vợ con thế nào? Bạn có hài lòng về chồng mình không? Làm nhà báo đã vất vả nhưng làm phóng viên thể thao, nhất là trong thời gian WC này, anh nhà chắc hẳn rất bận rộn. Vậy bạn có ý kiến gì về việc này không?
Chồng là phóng viên nên vợ hay có được những bức ảnh rất nghệ thuật và tự nhiên do chính tay chồng chụp
Với mình thì điều quan trọng không phải anh ấy đã chăm sóc gia đình ra sao mà là ý thức chăm sóc gia đình của anh ấy như thế nào. Những điều anh ấy làm được có thể không thực sự nhiều nhưng nếu bạn đọc được sự thành tâm ở trong đó thì cũng là rất đáng ghi nhận rồi. Mình thấy thật khó mà so sánh, nhưng chồng mình đưa vợ con đi chơi thường xuyên lắm. Lúc nào rảnh là ‘lượn’, nhiều thời gian thì đi xa, ít thời gian thì đi gần. Mệt lắm mới “cáo ốm” với vợ con. Mình tất nhiên là mong chồng giúp đỡ việc nhà nhiều hơn rồi, được voi thì phải đòi thêm tiên chứ. Nhưng đừng biến điều đó thành áp lực cho cuộc sống vợ chồng, căng thẳng mệt mỏi lắm.
Nếu được chọn nghề, bạn muốn chồng mình làm nghề gì hay sẽ vẫn chọn chồng làm báo?
Mình vẫn sẽ chọn chồng mình. Anh ấy làm nghề gì cũng được. Miễn là lương thiện và nuôi được vợ con.
Bạn có hay đọc, hay xem những bài viết của chồng không?
Đôi khi. Không phải tất cả. Có những bài chồng tôi không muốn cho tôi đọc đâu, bạn hỏi anh ấy mà xem.
Cuộc sống hiện tại rất vui vẻ và hạnh phúc, vì vợ chồng biết chia sẻ với nhau
Làm báo, lại là phóng viên, chụp ảnh cho mọi người, chắc chồng cũng sẽ dành thời gian để chụp ảnh vợ con, gia đình? Có lẽ, đó là lợi thế của vợ làm báo? Bạn có nghĩ vậy không?
Đó không hẳn là lợi thế nhưng cũng là may mắn, thỉnh thoảng cũng có mấy cô em hay bảo “nhất chị, suốt ngày được chồng chụp ảnh”. Suốt ngày thì cũng không đúng, nhưng cũng nhiều hơn người khác.
Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam sắp tới, bạn có muốn nói gì với chồng hay các anh chị em làm báo không?
Tôi ngại nhất phải nói những lời chúc tụng. Nhưng tôi biết rằng nghề nào cũng có những vất vả, khó khăn riêng. Không phải phóng viên nào cũng may mắn được làm việc trong những môi trường tốt với hậu thuẫn kinh tế vững vàng. Tôi biết rằng bạn bè đồng nghiệp của chồng tôi, có những người làm việc ngày đêm mà không điều gì khác có thể lí giải ngoài sự “Đam Mê”, một niềm đam mê chân chính với cái mà chồng tôi vẫn hay gọi là “làm báo tử tế”. Có những thời điểm khó khăn, chồng tôi tính chuyển nghề, nhớ lại thời khắc đó, đến bản thân tôi còn rưng rưng mà nhắn cho chồng rằng “Dẫu thế nào, em luôn tự hào rằng anh là một Nhà Báo” - Nhân dịp này, cho phép tôi viết hoa từ Nhà Báo nhé. Chúc anh chị sức khỏe để có thể sống, cống hiến với nghề!