Như 2 mặt của 1 đồng xu, đừng chỉ nhìn lòng tham với toàn sự xấu xí

Bảo Anh. - Ngày 26/06/2021 11:08 AM (GMT+7)

Hầu hết chúng ta đều có động lực cơ bản là muốn những thứ mà mình không có. Thay vì xem đây là một suy nghĩ tiêu cực, hãy xem nó như một cơ hội để bạn cải thiện cuộc sống của mình và cuộc sống của những người khác.

Hầu hết chúng ta không muốn bị người khác gọi là “kẻ tham lam”. Không ai muốn trở thành người ăn miếng cơm không chừa cho ai húp miếng cháo hoặc chỉ chăm chăm chờ điều gì đó không may xảy đến với người thân để nhận thừa kế. Tham lam chính là thứ làm lộ ra mặt tối của bản chất con người.

Tuy nhiên, cũng như đồng xu có 2 mặt, đã bao giờ bạn nghĩ đến tham lam cũng như vậy, cũng có mặt tích cực của nó?

Tham lam tồn tại là có lý do

Như 2 mặt của 1 đồng xu, đừng chỉ nhìn lòng tham với toàn sự xấu xí - 1

Khi ai đó cảm thấy không thoải mái về an toàn của chính bản thân, sự lo lắng của họ có thể biểu hiện ra bằng lòng tham. Những lo lắng này có thể xuất phát từ việc bị tổn thương hay thiếu thốn tình cảm. Ví dụ như một người lớn lên trong cảnh thiếu ăn thường sẽ tự cho bản thân thừa mứa đồ ăn hơn khi trưởng thành.

Ngoài lo lắng, nhiều người tham lam còn có vấn đề về lòng tự trọng. Một đứa trẻ không nhận được đủ sự quan tâm sẽ phát triển thành một người lớn luôn cần người khác phải công nhận mình. Những người không chắc chắn về mục đích sống của họ đôi khi buộc giá trị của bản thân vào chiếc túi mình đeo, bộ trang phục mình mặc hay giá trị căn nhà mình ở. Dù rằng vật chất không thể thay thế cho sự yêu thương nhưng nó có thể đem lại sự thoải mái tạm thời cho người đó.

Khi mà mỗi ngày chúng ta đều đối mặt với không biết bao nhiêu tin tức tiêu cực, mỗi người đều có thể cảm thấy thiếu đi sự an toàn. Bạn có thể nhận ra sự gia tăng trong các hành vi tham lam khi chúng ta phải vật lộn với những thời điểm chông chênh trong cuộc đời.

Chúng ta có thể hiểu tại sao ai đó lại cư xử như vậy nhưng điều đó không khiến chúng ta thiện cảm hơn, yêu quý hơn những người tham lam. Ngay cả khi bạn biết lý do vì sao người bạn của mình luôn lấy quá nhiều miếng pizza, sự thật là bạn vẫn bị đói và không thích điều đó.

Tham quá nhiều sẽ làm hại người khác

Lấy nhiều hơn những gì bạn cần có thể gây tiêu cực cho người khác. Hãy tưởng tượng khi dự báo thời tiết cho rằng sắp có một cơn bão lớn và vì hoảng sợ nên thay vì mua những thứ thực sự cần thiết, chúng ta dọn sạch các quầy hàng trong siêu thị, vơ hết tất cả những gì mình có thể vào xe đẩy và ra quầy thanh toán. Những người đến muộn có thể phải ra về tay không vì các quầy hàng đã trống trơn. Sự tham lam có thể tốt cho nền kinh tế nhưng nó lại không giúp gì nhiều cho những người đang lâm vào cảnh mất mát.

Nói rộng hơn thì khi mọi người cố gắng tích trữ vật chất hay thỏa mãn mong muốn có ngày càng nhiều thứ hơn, họ sẽ bỏ lỡ sự phong phú tự nhiên của cuộc sống này. Họ hầu như sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng và ngay sau khi đạt được điều mình muốn, họ sẽ tìm đến những thứ xa xôi khác.

Nhiều người nhận ra rằng họ đang tham lam và cố tìm cách che giấu con người mình. Một người khao khát có quyền lực có thể muốn trở thành một chính trị gia. Để làm được điều này, họ có thể phải “làm màu” và tạo ra một nhân cách đủ tốt để họ có được những gì mình muốn. Họ có thể nói, khiến người khác tin rằng họ muốn giúp đỡ mọi người. Họ có thể đấu tranh cho kẻ yếu và lên tiếng chống lại kẻ ham muốn quyền lực ngay cả khi chính bản thân khao khát quyền lực đó.

Tham lam không nhất thiết phải là điều khủng khiếp

Như 2 mặt của 1 đồng xu, đừng chỉ nhìn lòng tham với toàn sự xấu xí - 2

Trong một số hoàn cảnh, lòng tham có thể giúp cho mục đích tích cực nào đó. Một ví dụ điển hình là khi nó biến thành động lực để bạn tiến lên phía trước. Đó là khi sự tham lam khiến bạn muốn thúc đẩy các kết quả kinh tế và xã hội ngày càng phát triển hơn, tốt hơn những gì mình đang có.

Khi bạn có sự vị tha, những thay đổi tích cực sẽ dễ được dệt thành hơn song cần có thời gian để phát triển điều đó. Sự tham lam thì dễ dàng ăn khớp với chủ nghĩa tiêu dùng. Xã hội của chúng ta được xây dựng và nuôi dưỡng một phần bởi những hành vi tham lam, đó là sự thật phải công nhận dù bạn có thích nó hay không. Nhu cầu ngày càng có nhiều thứ hơn, tốt hơn đã thúc đẩy xã hội đạt đến những thành tựu mới.

Khi một xã hội cố gắng hoạt động mà không có lòng tham và hệ thống thứ bậc thì sẽ dễ dẫn đến tan rã. Những khoảng cách có thể tạo ra bất bình đẳng song những người thành công hơn, có nhiều quyền lực hơn thường sẽ có những hành động để giúp đỡ, cải thiện cuộc sống của nhiều người khác.

Hơn 2 thế kỷ trước, nhà kinh tế và triết học Adam Smith đã giải thích rằng những cá nhân hành động vì tư lợi sẽ được nền kinh tế hỗ trợ và làm cho xã hội này tốt đẹp hơn. Sự tham lam đằng sau chủ nghĩa tư bản có vẻ không hấp dẫn nhưng kết quả đem lại thì thường rất đáng mong đợi.

Vẫn còn đó những ví dụ về sự thịnh vượng ở nước Mỹ trong những năm 1980 và 1990 trên Phố Wall. Năng suất làm việc cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp, thị trường chứng khoán đem lại sự giàu có cho rất nhiều nhà đầu tư.

Khi bong bóng những cơn sốt kinh doanh trên mạng vỡ và giá trị cổ phiếu lao dốc, người ta nhận ra rằng lòng tham cũng có hạn chế của nó. Năm 1999, các hộ gia đình Mỹ có tỷ lệ giá trị tài sản sở hữu trên thu nhập từ mức 6,3 đã giảm xuống còn 5,3. Dù con số này sau đó đã có sự cải thiện song mọi người đều thấy được sự giảm sút về chất lượng cuộc sống của một bộ phận lớn tầng lớp trung lưu.

Các nhà đầu tư lạc quan cảm thấy rằng đây là một phần của xu hướng lên xuống tự nhiên của thị trường song có lẽ sự suy thoái này là một lời cảnh báo về việc chạy theo những thứ vượt quá nhu cầu thực, khả năng của mình.

Vậy có phải là xấu khi chúng ta nhận ra những giới hạn của bản thân và sống phù hợp với nhu cầu thay vì chạy theo mong muốn?

Hãy biết cách sử dụng tham lam để có ích cho mình

Như 2 mặt của 1 đồng xu, đừng chỉ nhìn lòng tham với toàn sự xấu xí - 3

1. Nhận ra gốc rễ tạo nên sự tham lam của bạn

Lòng tham có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang cảm thấy bất an để vượt qua một điều gì đó.

Một người nào đó liên tục phải mua sắm có thể là họ đang cố gắng lấp đầy khoảng trống cảm xúc hoặc cảm giác bất an trong mình bằng vật chất. Nếu bạn thấy mình đang chất túi lớn túi bé, mua sắm không tiếc tay, hãy nghĩ về lý do tại sao bạn lại làm điều đó. Bạn có thể nghĩ đến việc nhờ sự giúp đỡ chuyên nghiệp để giải quyết những vấn đề này nếu thực sự cần thiết.

2. Dùng lòng tham để thúc đẩy sự thay đổi

Bạn cần biết rằng, lòng tham khi biết tiết chế và sử dụng đúng cách sẽ giúp thúc đẩy bạn leo lên những nấc thang kinh tế xã hội mới.

Nếu bạn không hài lòng với chất lượng cuộc sống của mình, muốn có một cuộc sống tốt hơn với vị trí công việc cao hơn, thu nhập tốt hơn, đó có thể là một động cơ tốt để bạn thay đổi, tìm đến một công việc tốt hơn hoặc tận dụng những ý tưởng của mình để bắt đầu một vài dự án mới. Bạn có thể thay đổi cuộc đời mình và mở ra những chương mới tốt đẹp hơn.

3. Nhớ rằng, chia sẻ chính là quan tâm

Nếu lòng tham của bạn là mong muốn có nhiều hơn để trở nên giàu có và thành công hơn, hãy nhớ sử dụng sức mạnh của mình để giúp đỡ những người khác.

Khi bạn đã đạt được vị trí trong xã hội, có được thành công nhất định, bạn sẽ có điều kiện để giúp đỡ mọi người, lan toả sự tử tế. Hãy nhìn vào những công việc từ thiện mà những người như tỷ phú Bill Gates hay Oprah Winfrey đã và đang làm khi họ có đủ khả năng.

Đây là những bước bạn cần thực hiện để nhìn lại bản thân cũng như cho chính mình cơ hội để khiến thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.

Thay đổi khái niệm về tham lam

Hầu hết chúng ta đều có động lực cơ bản là muốn những thứ mà mình không có. Thay vì xem đây là một suy nghĩ tiêu cực, hãy xem nó như một cơ hội để bạn cải thiện cuộc sống của mình và cuộc sống của những người khác.

10 cách từ chối khéo léo giúp người cả nể nhất cũng có thể nói không
Nhiều người chọn cách cố gắng chấp nhận yêu cầu của người khác để tránh xảy ra xung đột hay sứt mẻ tình cảm. Tuy nhiên những cái gật đầu một cách miễn...

Tư duy thông minh

Bảo Anh. (Theo Lifehack)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư duy thông minh