Những người có tư duy này biết cách đưa ra lựa chọn sáng suốt trong cuộc sống và có thể kiểm soát vận mệnh của chính mình tốt hơn. Cuộc sống vốn không dễ dàng, hãy học cách đưa ra những lựa chọn hợp lý, quyết định đúng đắn, lọc bỏ những thứ không quan trọng, tập trung vào những người và việc xứng đáng hơn.
Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, tốt nghiệp một trường đại học không mấy danh tiếng nhưng đã thành lập 2 công ty lọt danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới. Ở tuổi 78, ông đảm nhận nhiệm vụ vào thời điểm quan trọng và cứu hãng hàng không Japan Airlines đang trên bờ vực phá sản. Ông là nhân vật huyền thoại trong giới kinh doanh Nhật Bản, ông là Kazuo Inamori.
Thành công của Kazuo Inamori là nhờ sự kiểm soát chi phí chặt chẽ. Ông thường nói với các nhân viên của mình rằng: "Bạn có thể vắt ra nước từ một chiếc khăn khô".
Từ triết lý kinh doanh của Kazuo Inamori, bạn sẽ thấy rằng “tư duy về chi phí” đã ăn sâu vào bản thân ông và tâm trí của các nhân viên dưới ông từ lâu. Hóa ra, những người thực sự quyền lực luôn hiểu “tư duy chi phí”.
Từ bỏ các tương tác xã hội không hiệu quả và tiết kiệm thời gian, chi phí
Nhiều người vẫn nói với nhau rằng: "Người nghèo đổi thời gian lấy tiền, còn người giàu dùng tiền để mua thời gian”.
Sự khác biệt giữa người bình thường và vĩ nhân nằm ở chi phí thời gian. Kazuo Inamori sau khi tốt nghiệp đại học đã gia nhập một công ty. Công ty này thường xuyên nợ lương nhân viên, nhân viên cũng vì thế mà hình thành thói quen thụ động trong công việc, kéo dài thời gian để có tiền làm thêm giờ.
Nhưng tại bộ phận Kazuo Inamori chịu trách nhiệm, ông cấm nhân viên của mình làm thêm giờ để giảm chi phí thời gian. Dưới ảnh hưởng của ông, các nhân viên dần có ý thức về chi phí. Bộ phận của họ nhanh chóng trở nên nổi bật và tạo ra lợi nhuận đáng kể cho công ty. Bộ phận của ông được mọi người đánh giá là "lực lượng đặc biệt”.
Bất cứ nơi nào bạn dành thời gian của mình, sẽ có phần thưởng xứng đáng.
Một số người luôn cho rằng, bỏ ra thật nhiều thời gian cho các giao tiếp xã hội mới là cách nhanh nhất để đạt được giá trị xã hội. Họ thấy mình thật khôn ngoan khi dành thời gian đi ăn uống, khoe khoang và trò chuyện, thấy số lượng bạn bè tăng liền tự thấy thành công. Thế nhưng, họ không biết rằng khi bản thân không đủ tốt thì những mối quan hệ kia cũng vô giá trị.
Thay vì lãng phí thời gian vào những tương tác xã hội không hiệu quả, tốt hơn hết bạn nên trau chuốt bản thân trước và tập trung vào việc nâng cao giá trị của mình. Khi một người tìm ra được cách ưu tiên sử dụng thời gian thì người đó bắt đầu trưởng thành.
Hãy tiết kiệm chi phí thời gian và dành chúng cho những người và những việc xứng đáng. Điều này sẽ giúp bạn mở ra một cuộc sống bình yên và thanh thản.
Đưa ra những lựa chọn hợp lý và đánh giá chi phí cơ hội
Chi phí cơ hội là thứ bạn phải từ bỏ để đạt được điều gì đó. Mọi việc chúng ta làm đều có chi phí cơ hội.
Kazuo Inamori từng gia nhập một công ty hoạt động không tốt và gần như phá sản. Tất cả những nhân viên mới như Kazuo Inamori đều nhanh chóng nghỉ việc. Vì sự phản đối của gia đình nên Kazuo Inamori đã ở lại.
Với mức lương ít ỏi và thiết bị thí nghiệm cũ kỹ, ông đã trải qua quãng thời gian rất khó khăn để phát triển vật liệu gốm sứ mới và trở thành một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực hóa học vô cơ. Cái giá cơ hội mà Kazuo Inamori từ bỏ khi chọn ở lại có thể là nhận được mức lương cao ở một công ty cao cấp, hoặc thực hiện những nghiên cứu khoa học tiên tiến tại một trường đại học nổi tiếng.
Có câu nói: "Nếu bạn sẵn sàng từ bỏ, bạn sẽ đạt được điều gì đó."
Thứ bạn từ bỏ có thể là một công việc lương cao nhưng thứ bạn nhận được lại là một huyền thoại kinh doanh xuất sắc. Chi phí cơ hội là điều dễ bị bỏ qua trong cuộc sống.
Trong cuốn sách "Suy nghĩ: Nhanh và Chậm" của Daniel Kahneman có viết, bộ não con người nhạy cảm hơn với những thứ hữu hình và ít nhạy cảm hơn với những thứ vô hình.
Những người thực sự thành công thường có thể cân nhắc chi phí cơ hội đằng sau mỗi lựa chọn. Mọi người đều phải trả giá cho sự lựa chọn của riêng mình trong suốt cuộc đời. Chỉ bằng cách không mù quáng chạy theo người khác và tập trung vào bản thân, bạn mới có thể tích lũy sức mạnh. Chỉ bằng cách không đưa ra những quyết định ngẫu nhiên và lựa chọn một cách sáng suốt, bạn mới có thể trưởng thành.
Giảm sự do dự và giảm chi phí ra quyết định
Chi phí ra quyết định đề cập đến thời gian, năng lượng và các chi phí khác cần được xem xét và sử dụng khi đưa ra quyết định. Đối với những người ra quyết định, việc giảm chi phí ra quyết định là vấn đề hàng đầu.
Để đạt được mục tiêu này, Kazuo Inamori đã chia doanh nghiệp thành các nhóm nhỏ, gọi là Amoeba (tên tiếng Anh chỉ loài amip – sinh vật đơn bào tự kiếm ăn, khi đủ lớn sẽ tách ra làm đôi và cũng có thể cộng sinh). Mỗi Amoeba tính toán độc lập và lấy sự tự lãnh đạo làm cốt lõi, cho phép từng bộ phận đưa ra kế hoạch và quyết định của riêng mình. Thông qua việc ủy quyền hợp lý, tất cả nhân viên đều có thể tham gia điều hành và quản lý, giảm đáng kể chi phí ra quyết định.
Amoeba có chi phí ra quyết định vận hành thấp và có thể phản ứng nhanh với những thay đổi của thị trường. Cách quản lý này đã giúp công ty trở nên thịnh vượng, là một trong hai trụ cột cho hoạt động thành công của Tập đoàn Kyocera.
Cố gắng giảm chi phí ra quyết định và dành nhiều thời gian, sức lực hơn cho những vấn đề quan trọng là con đường để doanh nghiệp tồn tại. Chúng ta thường phải đối mặt với những tình huống khó xử và bối rối khi không biết bản thân nên chọn A hay B. Chính sự thiếu quyết đoán này đã tiêu tốn rất nhiều thời gian và sức lực của chúng ta, tăng chi phí cho việc ra quyết định.
Nhiều người phải suy nghĩ rất nhiều khi đưa ra những quyết định nhỏ. Nếu mua điện thoại, họ sẽ kiểm tra thông tin trong 1 tháng, nếu mua thỏi son, họ sẽ đọc đánh giá trong nửa ngày. Càng mất nhiều thời gian để tìm hiểu một sản phẩm thì việc mua càng dễ do dự hơn và chi phí ra quyết định tăng cao.
Nhiều cơ hội rất khó để có được và nếu chần chừ thì bạn có thể bỏ lỡ. Quan sát những người thành công, bạn sẽ thấy họ thường có điểm chung là quyết đoán và dứt khoát. Hãy bớt do dự đi và quyết đoán hơn, bạn sẽ thấy mình có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với cuộc sống.
Dừng mâu thuẫn nội tâm và từ bỏ chi phí chìm
Chi phí chìm là những chi phí như tiền bạc, thời gian, công sức… đã chi trả và không thể thu hồi lại được. Nỗ lực quá lớn trong giai đoạn đầu khiến con người tiếc nuối không muốn rời đi, từ đó rơi vào vũng lầy chi phí chìm và không thể thoát ra được.
Có anh chàng nọ làm việc trong công ty 2 năm nay hiệu quả hoạt động rất kém, đã mấy tháng công ty nợ lương. Anh muốn thay đổi công việc nhưng vì tiếc những gì bỏ ra nên vẫn ở lại, cố đi làm hàng ngày.
Tuy nhiên, càng để lâu thì tổn thất càng lớn và sớm hay muộn, bạn sẽ bị nuốt chửng bởi chi phí chìm. Điều thực sự khiến một người thất vọng chính là những chi phí chìm “không thể lấy lại được”. Biết cách ngăn chặn tổn thất kịp thời mới là một sự khôn ngoan tuyệt vời.
Kazuo Inamori nói rằng: “Chẳng ích gì khi luôn hối hận và lo lắng về những thất bại đã xảy ra”.
Một người càng sợ mất mát thì khả năng mất mát xảy ra càng lớn. Ai cũng có lúc mắc phải sai lầm và hãy nhớ rằng, sai lầm không phải điều gì ghê gớm, đáng sợ là khi bạn liên tục phạm sai lầm, không biết cách "cắt lỗ" kịp thời.
Khi gặp khó khăn phải có khả năng lật ngược tình thế, làm người phải có dũng khí đổi mới. Đừng trả giá cho những sai lầm và nỗi đau trong quá khứ mà hãy nắm bắt thời điểm và lên kế hoạch cho tương lai.
Thận trọng khi yêu cầu giúp đỡ và kiểm soát chi phí của sự giúp đỡ
Có câu nói rằng: “Trên đời chỉ có một thứ xa xỉ thực sự, đó là mối quan hệ giữa con người với nhau”.
Tiền bạc có thể tính toán rõ ràng, nhưng ân tình thì khó trả. Trong cuốn "Lời khuyên của Kazuo Inamori dành cho giới trẻ" có viết:
"Đừng sử dụng ân huệ cho những vấn đề bạn có thể giải quyết bằng tiền, bởi vì ân huệ nên được sử dụng ở những nơi quan trọng và cho những vấn đề mà tiền không thể giải quyết được. Nợ ân huệ khó trả hơn nhiều so với nợ tiền bạc."
Cái gì cũng có cái giá của nó, ngoài tiền bạc còn có những chi phí như thời gian, ra quyết định, cơ hội, ân huệ... Sự tỉnh táo thực sự trên đời là phải có cho mình hiểu biết về “tư duy chi phí”.