Quyền hạn và quyền lực

Ngày 14/12/2015 14:58 PM (GMT+7)

Lại thêm một vụ cảnh sát giao thông lấy thân mình để dừng phương tiện vi phạm và lái xe cố tình bỏ chạy. Cái hoạt cảnh kỳ dị ấy cứ lặp đi lặp lại đã rất nhiều lần trên những con đường của chúng ta một cách nhẫn tâm đến khó hiểu.

Thật dễ dàng để kết tội người lái xe tải ngày Thứ bảy vừa qua là một kẻ giết người máu lạnh khi anh ta cố tình nhấn ga dù biết sẽ có một mạng người có thể bị lấy đi bởi hành động đó.

Cũng thật dễ dàng phán xét về sự bất trí của anh cảnh sát giao thông khi liều mình lấy thân để cản đường đi của một chiếc xe tải.

Song, tôi thực sự không thể tìm thấy câu trả lời cho động cơ thực sự của những con người đó, nếu nhìn nhận họ như những người phàm trần trong cuộc sống bình thường. Anh lái xe không thù không oán để sẵn sàng trả giá cho việc cố tình giết người. Anh cảnh sát không hoàn toàn bất lực trong việc thực thi nhiệm vụ đến mức phải rối trí mà mạo hiểm dùng thân người cản xe.

Quyền hạn và quyền lực - 1

Trong vụ tai nạn hôm Thứ bảy vừa qua, Thượng úy Trương Quốc Đạt bị thương sau khi bị xe cuốn vào gầm. Ảnh: Otofun

Đã có rất nhiều sự việc tương tự từng xảy ra khi cảnh sát giao thông phi thân lên nắp capo bám cần gạt nước, và những người tài xế lầm lũi nhấn ga đi. Vụ việc sáng 12/12 vừa rồi để lại hậu quả nặng nề nhất, khi người cảnh sát bị kéo lê trên đường và nhập viện bởi đa chấn thương. Nhưng không có điều gì đảm bảo điều đó không lặp lại khi mà chúng ta chưa thể làm rõ được nguồn cơn của những câu chuyện bất trí đó.

Cảnh sát đu xe, lái xe giết người, chấp nhận trả giá. Đó không phải là một câu chuyện cá biệt nữa. Đó là một hiện tượng xã hội cần có lời giải. Tiếc rằng chưa có ai làm một bài kiểm tra tâm lý để tìm ra động cơ thúc đẩy cho những hiện tượng đó.

Khi vụ việc ở Sài Đồng xảy ra, điều đầu tiên tôi nghĩ đến không phải là ai đúng ai sai. Chẳng có ai đúng trong câu chuyện này. Không có sự đúng đắn nào dẫn đến cái kết đau lòng khi một con người bị kéo lê thân xác trên quốc lộ trong sự chứng kiến của hàng trăm con người chỉ bởi vì một việc chẳng có gì to tát.

Vụ việc ở Sài Đồng làm tôi liên tưởng đến những người cha đỏ mặt tía tai đánh nát mông đứa con thơ của mình chỉ vì đứa bé không nghe lời. Tôi cũng nhớ đến một nhóm bảo vệ ở siêu thị đã trút cơn mưa gậy vào một cậu trò cách đây mấy năm chỉ vì tội làm ồn.

Giận quá mất khôn. Người lái xe mất khôn, anh cảnh sát mất khôn, người cha dữ đòn mất khôn, những anh bảo vệ mất khôn… những sự mất khôn ấy giống nhau vô cùng. Đó là xuống tay tàn nhẫn với những người không oán không thù chỉ vì quyền lực của mình không còn được tôn trọng.

Nhóm bảo vệ ở siêu thị không thể kiềm chế vì có thằng oắt con không thèm để ý đến những lời nhắc nhở giữ trật tự. Chúng tao được giao nhiệm vụ để giữ gìn trật tự ở đây, chúng tao có quyền sao mày không nghe?

Người cha đánh con vì uất ức. Tao làm lụng vất vả nuôi mày, tao là cha mày mà bảo mày không được sao? Tại sao tao càng tức giận mà mày càng trêu ngươi tao, càng đánh mày càng gào lên như thế?

Người lái xe điên tiết vì lái xe căng thẳng suốt cả ngày, có kẻ đi ẩu va chạm với mình đã điên tiết lại có ông cảnh sát lao ra chặn đầu. Tao ngồi trên xe, mày nghĩ cứ là cảnh sát thì thích chặn là chặn à, mày tưởng tao không dám đâm sao?

Người cảnh sát tức giận lao lên đầu xe. Tao là cảnh sát, tao bảo mày dừng rồi sao mày không dừng? Tao nhảy lên đầu xe mày xem mày có dám đi tiếp không, dám không?

Tất cả những hành vi bất trí kể trên đều có chung một sự nhầm lẫn. Đó là sự nhầm lẫn giữa quyền hạn và quyền lực.

Nếu người cha hiểu quyền hạn dạy dỗ bảo ban con cái của một người cha không phải là quyền lực đối với sinh mạng của đứa trẻ, ông ta sẽ kiên nhẫn hơn. Những người bảo vệ cũng thế, họ sẽ nhắc nhở, hoặc cưỡng chế cậu học trò mất trật tự ra khỏi siêu thị thay vì trút giận. Người lái xe hiểu rằng anh ta có thể bảo vệ mình bằng quyền con người theo hiến định thay vì quyền lực của việc điều khiển cái khối thép đáng sợ kia thì sẽ bình tĩnh mà xuống xe. Người cảnh sát giao thông hiểu được quyền hạn mà luật pháp giao phó cho tác nghiệp của mình không phải là quyền lực tuyệt đối với những người lái xe, anh ta sẽ không đùng đùng nhảy lên xe như thế.

Quyền hạn, và quyền lực là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Khi người ta không ý thức được sự khác nhau đó, bi kịch sẽ xảy ra đối với chính họ.

Nhưng khi người ta cố tình sử dụng quyền hạn của mình để áp đặt quyền lực với người khác, đó là bi kịch của xã hội.

Phạm Trung Tuyến
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Buôn chuyện