Con cứ ngã đau hay bị mẹ mắng lại khóc gọi: “Bố ơi cứu con”. Bé còn hay cầm cái máy tính bé xíu tính tiền của mẹ hoặc cái điều khiển điều hòa, quạt, tivi rồi giả vờ gọi điện cho bố tự nói chuyện 1 mình: “Bố ơi bố đang làm gì?”, “Bố ăn cơm chưa?”, “Tôm ăn cơm rồi”...
Ly hôn giờ không còn là chuyện quá xa lạ với mỗi chúng ta. Nếu như trước đây, việc ly hôn còn là chủ đề khiến nhiều người bàn tán xôn xao và sau mỗi cuộc chia ly, đối tượng bị chỉ trích phần nhiều vẫn là phụ nữ thì giờ mọi chuyện đã khác.
Ngày nay với quan điểm của xã hội có phần thoáng hơn, khi hai người không còn hòa hợp, chung sống hạnh phúc bên nhau, họ hoàn toàn có thể lựa chọn giải pháp chấm dứt cuộc sống gia đình để đi tìm một hạnh phúc mới.
Người phụ nữ cũng được bênh vực và cảm thông hơn sau sự đổ vỡ gia đình. Tuy nhiên, có những điều mà thời gian không thể nào xóa nhòa đi được, đó là sự tổn thương của những đứa trẻ.
Trên một nhóm facebook đông thành viên, một người vợ sau ly hôn đã chia sẻ câu chuyện của mình khiến nhiều người rơi nước mắt. Cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm của cô đã phải chấm dứt. Thế nhưng cô không tưởng tượng được cuộc sống hậu ly hôn lại khó khăn thế, nhất là với con cô.
“Mọi người ơi em buồn quá, tim đau như có dao cứa vào vậy. Vợ chồng em lấy nhau vì có con, sau 5 năm chung sống không biết bao lần suýt bỏ nhau và cuối cùng đến thời điểm này, chồng em cũng quyết định bỏ lại 2 mẹ con.
Chồng em bảo em nhận nuôi con thì tự nuôi, 1 xu anh cũng không đưa, còn không nuôi được thì trả anh, anh tự nuôi và cũng không cần em đưa 1 xu. Và thế là chồng em đi, còn lại 2 mẹ con.
Con cứ ngã đau hay bị mẹ mắng lại khóc gọi: “Bố ơi cứu con”. Bé còn hay cầm cái máy tính bé xíu tính tiền của mẹ hoặc cái điều khiển điều hòa, quạt, tivi rồi giả vờ gọi điện cho bố tự nói chuyện 1 mình: “Bố ơi bố đang làm gì?”, “Bố ăn cơm chưa?”, “Tôm ăn cơm rồi”...
Ban đầu em chấp nhận ly hôn không một lời níu kéo hay oán trách. Nhìn con như thế em lại vứt bỏ hết tự trọng năn nỉ chồng vì con, nhưng anh ấy vẫn trả lời “không là không”.
Chẳng có người thứ 3 xuất hiện, mọi bất hòa và áp lực cuộc sống khiến anh quyết định buông bỏ. Nhưng em nghĩ cuối cùng vẫn là hết yêu, chứ nếu còn yêu thì sẽ vì yêu mà bao dung tất cả.
Ban đầu em có suy nghĩ đồng ý để anh gọi điện cho con hằng ngày và khi nào muốn thì tới thăm con, vì em nghĩ con có quyền được hưởng tình yêu của bố.
Nhưng giờ em lại nghĩ không muốn cho anh gặp con, đằng nào cũng không cho con 1 xu nào. Nó chẳng lớn lên bằng tình yêu hay câu nói được, nó cần tiền mới có thể ăn học và lớn lên.
Con cứ ngã đau hay bị mẹ mắng lại khóc gọi: “Bố ơi cứu con”. (Ảnh minh họa)
Cứ cho nó nói chuyện với bố hằng ngày, thỉnh thoảng gặp nhau thì nó lại nhớ bố. Thà không cho gặp, không cho nói chuyện để nó dần quên đi và không nhớ bố, lúc ốm lúc đau không gọi bố ơi, lúc muốn có người chơi cùng hay kể chuyện cho nghe không tìm bố nữa. Cho nó quên đi để bất chợt cũng luôn là tiếng gọi mẹ ơi. Rồi mai này lớn lên nó sẽ tự quyết định tình cảm với bố.
Em đã quyết định như thế và nói chuyện với anh, anh phản đối nhưng không thuyết phục được em, rồi anh cũng đồng ý.
Nhưng hôm nay đi làm nghe mẹ em gọi điện kể, cháu cầm điều khiển điều hòa rồi lại ra chơi với con chó, giả vờ gọi điện nói chuyện với bố, tự đóng vai bố rồi lại đóng vai con nói chuyện 1 mình.
Em nghe mẹ em kể mà đau đớn, em khóc mãi từ trưa tới giờ. Con em mới 3,5 tuổi các mẹ ạ. Giờ em phải làm sao?
Cứ cho con liên lạc và gặp gỡ bố rồi hằng ngày nghe con gọi bố tìm bố, hay cố gắng không cho con liên lạc để 1 thời gian nó sẽ quên đi? Em thực sự bế tắc”.
Câu chuyện ngay khi vừa chia sẻ đã khiến nhiều người cảm động rơi nước mắt. Ai nấy đều không khỏi xúc động trước những hành động của cậu bé tên Tôm.
Cha mẹ không còn hạnh phúc nên quyết định rời xa nhau, nhưng Tôm còn quá nhỏ để hiểu điều đó. Điều duy nhất cậu muốn là được sống cùng cả cha và mẹ. Những tiếng gọi bố ơi, những khi cậu bé cầm điều khiển tivi để gọi điện cho bố đã khiến ai cũng thương cảm.
Những tiếng gọi bố ơi, những khi cậu bé cầm điều khiển tivi để gọi điện cho bố đã khiến ai cũng thương cảm. (Ảnh minh họa)
Rất nhiều chị em đã bình luận và động viên mong người mẹ trong câu chuyện sẽ luôn mạnh mẽ. Bên cạnh sự động viên chia sẻ, các luồng ý kiến cũng chia làm hai bên trái chiều.
Nhiều chị em cho rằng, người chồng đã dứt khoát ra đi, không còn một chút tình nghĩa nào thì không nên níu kéo. “Là bố mà không chu cấp cho con lấy một đồng, liệu có xứng đáng là bố, được gặp gỡ con không? Con mình mà mình không lo thì còn lo cho ai. Mình nghĩ hơi lạnh lùng một chút nhưng thà để con như vậy một thời gian rồi quen, còn hơn để người đàn ông vô trách nhiệm đó xuất hiện quanh quẩn”, chị Kiều Phan bình luận.
Tuy nhiên, cũng có nhiều chị em cho rằng, mâu thuẫn là chuyện của người lớn, trẻ con không có tội tình gì. Thành viên Hòa Tăng chia sẻ: “Mình nghĩ trẻ con luôn vô tội và rất đáng thương. Hãy bỏ qua sự cố chấp và cho con được gặp bố nó bạn ạ. Mình với chồng mâu thuẫn chứ bé có tội gì đâu. Nghĩ đến cảnh bạn kể bé cầm điều khiển gọi bố mà mình cứ rơi nước mắt.”
Sau rất nhiều những lời khuyên nhủ động viên của mọi người, người mẹ trong câu chuyện đã lên tiếng cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ của mọi người.
Em đắn đo không cho con gặp bố là do em xót con những lúc nó nhớ bố, gọi bố tìm bố nhưng không có bố ở đây, thật sự mọi người không chứng kiến không cảm nhận được hết cảm giác người làm mẹ lúc đó đâu ạ.
“Em đã nghĩ thà để nó quên đi không nhắc tới, lúc ngã đau gọi mẹ ơi cứu con và có mẹ ở bên, chứ con gọi bố ơi mãi nhưng chẳng thấy bố đâu, rồi lại ngây thơ hỏi mẹ bố đâu sao không về cứu Tôm hả mẹ, nghe quặn lòng lắm.
Còn đối với chồng không phải vì em căm ghét mà em ích kỷ chia cắt đâu ạ, đến với nhau là phúc, buông bỏ là duyên nợ hết, em thương con quá nên yếu lòng thôi.
Về phần chồng em đã cố gắng 1 lần cuối nhưng anh vẫn kiên quyết bước đi thì đó cũng là lần cuối em hạ thấp bản thân em, để sau này em không hối hận và thấy có lỗi với con. Em cám ơn mọi người rất nhiều vì đã động viên em lúc này”.