Sĩ diện đàn ông

Ngày 01/02/2013 08:20 AM (GMT+7)

Nhắc đến chuyện “bình đẳng” trong quan hệ vợ chồng, tôi chợt thấy buồn.

Bởi điều tưởng chừng đơn giản ấy, xem ra lại không dễ, nhất là với những người đàn ông bảo thủ và coi trọng sĩ diện, điển hình là chồng tôi.

Anh là một nhân viên giao hàng, do hạn chế về học vấn nên công việc hơi vất vả mà thu nhập chẳng bao nhiêu. Tôi biết điều đó từ khi chưa kết hôn nhưng tôi tin “đồng vợ đồng chồng tát bể Đông cũng cạn” nên tình nguyện đóng góp công sức mình vào vun vén cho tổ ấm hôn nhân. Tôi làm mậu dịch viên, lương khoán theo sản phẩm; cũng may tôi có giang buôn bán nên thu nhập khá cao, cuộc sống vợ chồng vì vậy cũng khá giả về kinh tế. Tinh thần thoải mái thì tình cảm cũng tốt hơn nên mười năm sau hôn nhân, tôi vẫn thấy cuộc sống vợ chồng tươi đẹp, chồng tôi chẳng có gì đáng để phàn nàn.

Khi sinh đứa con thứ hai, do cháu hay đau ốm nên tôi nghỉ việc để chăm sóc con được tốt hơn, đồng thời có thời gian thu vén gia đình để lo cho cả ba người những bữa ăn chất lượng. Mình chồng tôi không đủ khả năng lo cho cuộc sống gia đình nên tôi vừa chăm con, vừa để ý tìm công việc phù hợp để san sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền với chồng. Tôi vừa chăm con vừa làm tiếp thị hóa mỹ phẩm nên cũng có nguồn thu đáng kể. Khi con lớn một chút, tôi quay lại với chuyện viết lách, một công việc phù hợp với năng khiếu mà cũng là ước mơ thời thiếu nữ của tôi. Tôi đã thành công vượt quá sự mong đợi của mình khi ký được khá nhiều hợp đồng sáng tác truyện ngắn, truyện dài, tùy bút và những mảng tạp văn dành cho tuổi mới lớn. Công việc từ ngòi bút mang lại cho tôi thu nhập đáng kể so với đồng lương công nhân của chồng, tôi có thể mua sắm nhiều vật dụng cần thiết cho gia đình và lo cho con một chế độ dinh dưỡng tốt nhất.

Sĩ diện đàn ông - 1
Tinh thần thoải mái thì tình cảm cũng tốt hơn nên mười năm sau hôn nhân, tôi vẫn thấy cuộc sống vợ chồng tươi đẹp, chồng tôi chẳng có gì đáng để phàn nàn. (ảnh minh họa)

Thường tôi thức trắng đêm để viết nhưng ban ngày vẫn làm tốt vai trò người nội trợ. Trong mắt mọi người, tôi vẫn là một phụ nữ ở nhà chồng nuôi, là một bà nội trợ bình thường. Khi có ai đó đọc thấy bài viết của tôi trên báo, trên tạp chí hoặc tình cờ mua một tập truyện, họ hỏi chồng tôi về công việc của tôi thì anh bảo đó chỉ là một nghề “làm cho vui”, vì tôi muốn được thỏa mãn ước mơ của mình chứ thu nhập hàng tháng không bằng 1/4 lương anh. Người ta hỏi lại tôi, sao “bán trí tuệ” giá bèo như vậy, tôi chỉ cười trừ. Tôi biết anh sĩ diện, không muốn bị mọi người so sánh thu nhập của hai vợ chồng và tôi hoàn toàn thông cảm tâm trạng của anh nên chấp nhận là người phụ nữ sống dựa vào chồng, chuyện đó đâu có gì đáng nói!

Một lần, chú thím anh từ Long An ghé thăm, vừa nhìn thấy căn nhà mới sửa lại của vợ chồng tôi, họ luôn miệng xuýt xoa khen anh quá giỏi, một mình làm nuôi vợ và hai con mà còn có dư để sửa nhà, đồng thời khuyên tôi đối với chồng phải “cúc cung tận tụy” hơn vì chồng giỏi như vậy, để hở ra là có ngày mất vào tay người khác. Thím còn khuyên tôi nên tìm việc gì đó để làm phụ với chồng, chứ chồng vất vả vậy mà vợ cứ ăn không ngồi rồi coi sao được. Tôi liếc nhìn anh, chờ một lời thanh minh nhưng anh không nói gì, chỉ luôn miệng khoe với chú thím những dự định của mình rằng con sẽ mua cái này, sắm cái kia… khiến họ càng khen anh không tiếc lời và nhìn tôi lắc đầu như tiếc cho anh lấy phải người vợ không giúp ích gì cho chồng trong kinh tế.

Không ai nghĩ, tất cả những thứ có được trong nhà đều do sức lao động bằng chất xám của tôi, lương của anh chỉ đủ tiền điện, tiền gas và cho cả nhà ăn sáng. Đôi khi chạnh lòng, tôi tâm sự với chồng thì anh bảo: “Trong nhà, chỉ đàn ông là vai trò trụ cột chứ đàn bà cần gì chứng tỏ mình cũng biết kiếm tiền. Hãy để người khác nhìn vào và ngưỡng mộ anh thì em cũng hãnh diện lây, không đúng hay sao?”.

Vì muốn cho êm cửa êm nhà và cũng vì không có ý định tranh giành vị trí trụ cột trong gia đình nên từ ấy đến nay, chồng tôi luôn giữ thế thượng phong, tôi chỉ là kẻ ngồi không ăn bám. Nuôi con thành đạt và lèo lái con thuyền hôn nhân vượt qua sóng gió nhưng tôi chưa bao giờ nhận được sự ái mộ hay nghe được một lời cảm ơn từ chồng. Anh vì sĩ diện nên muốn mình luôn là người đàn ông số một trong nhà và trong mắt mọi người, đôi khi anh cứ tưởng mình như thế thật nên có thái độ bề trên với vợ như một sự ban ơn, thử hỏi như vậy có công bằng và bình đẳng cho phụ nữ trong vai trò làm vợ?

Theo An Nhiên (Phunuonline)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình