Với người Nhật, lòng tự trọng, danh dự là yếu tố quan trọng giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách...
Số liệu thống kê năm 2015 cho thấy Nhật có khoảng 25 nghìn người tự tử, số lượng người tự tử như vậy đã giảm lần đầu tiên trong 18 năm nhưng vẫn cao gần nhất trong nhóm nước phát triển cũng như trên thế giới.
Và trong số đó có rất nhiều là những người thất nghiệp trong độ tuổi từ 40,50, họ đang đi làm nhưng bất ngờ thất nghiệp vì một lý do nào đó, và sau đó cuộc sống của họ diễn ra theo cách mà ít ai trong chúng ta có thể hình dung được.
Có những người chồng sáng sáng vẫn mặc vest đen cà vạt đẹp chỉnh tề ra khỏi nhà, và đến khi đúng hết giờ làm thì anh ấy về nhà, vui vẻ chào vợ, kể chuyện về công ty, đồng nghiệp. Và bởi vì hàng tháng anh ta vẫn đưa tiền cho vợ nên không ai biết thực tế điều gì đang diễn ra trong cuộc sống của anh.
Vợ nghĩ rằng anh vẫn đi làm nhưng không phải vậy. Anh ấy đi đến những công ty nhân sự nộp hồ sơ ứng tuyển việc làm, anh đi đọc hết các bản thông báo tìm việc làm rồi gọi điện, gửi hồ sơ nhưng suốt nhiều năm anh vẫn không kiếm được việc. Cuối cùng, khi số tiền tiết kiệm dần hết và không còn có tiền đưa cho vợ nuôi con nữa, nhiều người chọn cách nhảy xuống tàu kết liễu cuộc sống của mình để vợ con không phải phiền hà vì anh không có tiền. Chuyện đau lòng nhưng lại là sự thật ở đất nước Nhật...
Ngay từ khi còn bé, người Nhật đã dậy con hãy luôn tự giải quyết lấy những vấn đề của mình. Một trong những nguyên tắc sống tối thiểu người Nhật dậy con trước khi cháu đến trường, đó chính là: không được đánh bạn, nhưng nếu bị bạn đánh phải tự cố mà đánh lại, không la hét không mách cô. Trẻ em từ 4,5 tuổi đã được dậy để tự sửa soạn tư trang cho mình khi đến trường và sau khi từ trường về, được dậy để tự bắt xe bus cũng như tàu điện ngầm để đến trường.
Sống ở Nhật năm nay đã là năm thứ 4, người viết nhận thấy rằng nếu như ban đầu trong quá trình tiếp xúc, ai cũng sẽ cảm thấy người Nhật thật thân thiện và gần gũi biết bao. Nhưng khi mối quan hệ đã trở nên thân tình hơn, và bạn muốn tâm sự với người Nhật rằng bạn khó khăn, chắc chắn họ sẽ luôn lắng nghe và giúp đỡ. Nhưng có thể quan hệ với nhau nhiều năm mà bạn cũng sẽ không bao giờ nghe thấy họ phàn nàn câu nào về cuộc sống cá nhân họ.
Có những người chồng sáng sáng vẫn mặc vest đen cà vạt đẹp chỉnh tề ra khỏi nhà, và đến khi đúng hết giờ làm thì anh ấy về nhà, vui vẻ chào vợ, kể chuyện về công ty, đồng nghiệp.
(ảnh minh họa, nguồn internet)
Và bạn chỉ có thể biết được họ khó khăn khi bạn phải quan sát thật kỹ từng cử chỉ lời nói của họ và bạn tìm đến nói chuyện riêng, thật thân tình: “Có phải mày đang có chuyện gì không?, tao nhìn mày không được vui. Hãy kể cho tao, tao hứa đời này có chết tao cũng không bao giờ nói với ai.” Có thể họ sẽ không nói, nhưng cũng đã có lần có cô bạn người Nhật cùng học với tôi đã khóc nức nở rằng: “Bạn trai tao bỏ tao rồi”. Và từ sau lần đó chúng tôi đã thân nhau hơn.
Tôi đã từng mang những câu chuyện ở trên đi hỏi giáo sư của mình tại trường đại học về việc tại sao người Nhật không muốn kêu than hay chia sẻ về khó khăn.
Giáo sư Motorhide Saji thuộc đại học International University of Japan chia sẻ: “Tôi cũng không biết trong quan niệm về cuộc sống và con người của nước bạn có giống Nhật và cũng không dám chắc cách giải quyết của Nhật là hay nhất. Nhưng theo quan niệm của chúng tôi, việc mở mồm kêu ca về khó khăn của mình là một sự nhục nhã ê chề. Khi một kẻ trong cộng đồng kêu gào về khó khăn mà nó phải chịu, tình thương xung quanh chỉ là thiểu số mà nhiều người sẽ âm thầm nghĩ rằng mày quá kém cỏi nên không tự lo được cuộc sống của mày.”
Tất cả những câu chuyện trên muốn nói lên điều gì? Trong khó khăn dù đó là khó khăn về tinh thần hay tài chính, gia đình, người Nhật không có thói quen than khóc, kêu khổ hoặc thậm chí cầu cạnh người khác van xin lòng thương của người khác hộ mình.
Cũng chính vì lẽ đó mà nước Nhật rất hiếm hoặc gần như không có ăn xin. Khi kinh tế khó khăn, có nhiều nghệ sỹ đường phố xuất hiện trên đường, nhưng họ không bao giờ ngửa tay xin. Họ trình diễn và chờ cộng đồng trả công tùy tâm theo đúng mức cộng đồng đánh giá.
Tại Mỹ, đất nước có nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, khi đến 18 tuổi, các em đều phải tự lập, tự lo cho học phí và cuộc sống của mình. Thống kê của MarketWatch cho thấy rằng cứ mỗi giây trôi qua, nợ học phí của sinh viên Mỹ tăng thêm 2,726 USD. Tổng nợ học phí của sinh viên Mỹ hiện đã lên mức 1,3 nghìn tỷ USD.
Tại Anh, để có thể theo đuổi được con đường học hành, nợ học phí của sinh viên Anh cũng lên đến mức cao kỷ lục. Tính toán của nhiều tổ chức giáo dục cho thấy có những người tốt nghiệp đại học từ năm 21,22 nhưng đến khi 50 tuổi vẫn chưa trả hết học phí.
Điểm chung của giới trẻ của cả ba nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới đều là họ rất tự lập, không kêu than khi thiếu thốn, không ai xuất hiện trên báo để kêu gọi “mạnh thường quân” tài trợ cho mình. Và nhiều thế hệ trẻ như vậy đã làm nên những đất nước mạnh.
Trông người lại ngẫm đến ta. Những năm gần đây, cứ mỗi khi mùa tuyển sinh kết thúc là hàng loạt những chuyện mà có lẽ những người nước ngoài nếu họ hiểu báo chí Việt Nam chắc họ sẽ thấy rất buồn cười.
Danh dự là yếu tố quan trọng giúp người Nhật vượt qua khó khăn (Ảnh minh họa, nguồn internet)
Nào là hàng loạt thí sinh dù không đủ tiêu chuẩn ngành nhưng tha thiết viết đơn xin được ngoại lệ, rồi rất nhiều thí sinh khác lên báo kêu than nhà cháu nghèo quá không đủ tiền để đi học. Rồi cả gia đình lên hình với gương mặt buồn buồn, trông có vẻ rất đáng thương.
Tất nhiên, nhiều người sẽ lập luận rằng kêu than là quyền của họ và như vậy thì nguồn tài chính của các “mạnh thường quân” đến đúng địa chỉ, giúp thay đổi cuộc đời các em, mang đến cho các em tương lai tươi sáng hơn.
Tuy nhiên, người viết tự hỏi những người ủng hộ việc kêu than đó có so sánh các em – những người hoàn toàn có đủ khả năng đi lao động kiếm tiền nộp học phí – với hơn 2 triệu nạn nhân chất độc màu da cam còn đó cùng với người thân gia đình họ, với rất nhiều các em dân tộc miền núi đến manh áo, miếng thịt không có mà ăn thì ai đáng thương hơn.
Với em học sinh không vào được ngành, ai cũng bảo thật không công bằng với em khi bố em làm mà em lại phải chịu. Nhưng có ai tự hỏi rằng cùng tỉnh Lạng Sơn còn hàng chục em khác điểm cao hơn em vì vấn đề lý lịch cũng không vào được, họ có lên báo khóc than? Và nếu đặc cách cho riêng trường hợp của em, sẽ lấy gì đảm bảo công bằng xã hội và tính tôn nghiêm của luật pháp.
Với những em lên báo than khóc vì nhà nghèo không có tiền học đại học, trên thực tế, các em chưa hề tính đến việc sẽ vay học phí để học dù đã có nhiều người làm như vậy và họ thành công. Chính phủ và Bộ Giáo dục Việt Nam đã có chính sách rất rõ ràng và cởi mở cho việc này.
Tính đến hiện tại, ít nhất 170 nghìn sinh viên đang theo học tại các trường đang theo chương trình vay học phí do Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai.
Các em cũng chưa hề nói đến việc sẽ đi làm thêm như thế nào để có tiền học tập trong khi hàng triệu em sinh viên ngoài kia cũng đang ngày đêm phấn đấu đi cày cuốc làm gia sư, làm bán hàng, làm tất cả những việc gì có thể làm để có tiền.
Thậm chí các em cũng không hề muốn chuyển sang ngành học khác có mức chi phí thấp hơn, phù hợp với khả năng chi trả của gia đình các em. Ngành sư phạm vẫn đang miễn học phí, nhiều sinh viên nghèo học sư phạm ra và đang có công ăn việc làm tốt, cống hiến hết mình cho xã hội.
Đa phần các em cũng chưa từng biết đến việc hoạt động tình nguyện đóng góp cho cộng đồng nhưng khi khó khăn chỉ biết kêu khóc cộng đồng phải thương cho mình. Nếu ai cũng có tính dựa dẫm và thực dụng như vậy ngay từ khi còn khó khăn, đất nước sẽ trông mong gì ở những người trẻ đầy toan tính như thế?
Nếu so với những người sinh viên tự lực, các em đã quá kém cỏi về bản lĩnh chứ không nói đến so sánh với những người Nhật luôn tự trọng để không muốn mình là gánh nặng của người khác...
Đất nước mạnh chỉ khi mỗi người trẻ mạnh và tối thiểu tự biết lo cho bản thân mình, sau đó hẵng nói đến những mục tiêu như đóng góp cho đất nước. Các em học sinh yêu quý, hãy vứt tâm thư đi, hãy ngừng than khóc và tự vận động lo cho chính bản thân mình.