Thái Văn Cơ, người mẹ bất hạnh nhất lịch sử TQ

Ngày 31/03/2014 05:00 AM (GMT+7)

Trong kỳ 4, cũng là kỳ cuối của loạt bài này, chúng tôi xin được khép lại “Trung Hoa Tứ đại tài nữ" bằng việc giới thiệu tới các bạn về cuộc đời và những đóng góp của cho văn chương, nghệ thuật Trung Quốc của Thái Văn Cơ.

(Trung Hoa Tứ đại tài nữ - kỳ 4)

Có một điểm chung giữa Lý Thanh Chiếu, Trác Văn Quân, Ban Chiêu – những nữ sĩ chúng tôi đã giới thiệu trong 3 kỳ trước của Trung Hoa Tứ đại tài nữ: họ đều là những người phụ nữ tài giỏi nhưng có cuộc sống hôn nhân trắc trở, bất hạnh. Và người cuối cùng trong Tứ đại tài nữ, Thái Văn Cơ, thật trùng hợp cũng là vị nữ sĩ có chung số phận như vậy, thậm chí, bà còn là người mẹ quá bất hạnh khi phải sớm vĩnh biệt hai con của mình khi chúng còn thơ dại.

Trong kỳ thứ 4, cũng là kỳ cuối của loạt bài này, chúng tôi xin được khép lại “Trung Hoa Tứ đại tài nữ" bằng việc giới thiệu tới các bạn về cuộc đời và những đóng góp của cho văn chương, nghệ thuật Trung Quốc của Thái Văn Cơ.

Tài nữ - người mẹ bất hạnh nhất lịch sử Trung Quốc

Thái Văn Cơ (Thái Diễm), sinh năm 177, chưa rõ năm mất, tự là Chiêu Cơ, là người Trần Lưu (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Cha bà là Thái Ung (132-192), một nhà văn, nhà sử học làm quan cuối thời Đông Hán.

Tương truyền, Thái Ung, cha của bà còn là một thi nhân rất thành thạo âm luật. Truyền thuyết kể lại rằng ông thông thạo âm luật đến mức một hôm tình cờ nghe tiếng củi cháy, bèn bảo với người đốt củi: “Tôi nghe tiếng củi nổ, biết là củi tốt, chớ nên đốt”. Ngay sau đó, ông xin khúc củi cháy dở đem về, làm thành một cây đàn, đánh lên quả nhiên tiếng rất trong. Được thừa hưởng tài năng và sự dạy dỗ của cha, năm tám tuổi, Thái Văn Cơ đã nổi tiếng giỏi đàn, cũng tinh thông thơ ca, văn chương.

Cuộc sống riêng tư của bà gắn liền với những biến cố lịch sử của thời đại, được người đời thương cảm bởi sự éo le, phiêu bạt khắp chốn trong rất nhiều năm. Năm mười sáu tuổi, Thái Diễm lấy chồng là một danh sĩ khá nổi tiếng, thế nhưng chẳng được bao lâu thì chồng mất. Chuyện này khiến gia đình nhà chồng cho là bà khắc mệnh, vợ chồng bà lại chưa có con, nên Văn Cơ bị nhà chồng đuổi về nhà cha mẹ đẻ.

Thái Văn Cơ, người mẹ bất hạnh nhất lịch sử TQ - 1

Về sau nhờ có Tào Tháo, vốn là bạn thân của Thái Ung, vì thương xót Văn Cơ nên cho sứ giả đem vàng ngọc tới chuộc về. (ảnh minh họa)

Sau này, nhà Đông Hán bắt đầu có dấu hiệu suy tàn, thời kỳ loạn lạc. Thái Ung dâng sớ cảnh báo hoàng đế chuyện triều chính, thế nhưng hoàng đế chấp lời cảnh báo ấy về sự hưng vong của nhà Hán, đồng thời cũng lạnh nhạt dần, không trọng dụng Thái Ung nữa. Cuối cùng, cha bà đã buộc phải cáo lão để trở về quê nhà bên ngoài thành Trường An.

Sau đó không bao lâu, quả nhiên, nhà Đông Hán bắt đầu suy tàn, quân Đổng Trác lúc bấy giờ vào làm loạn, vượt quyền nhà vua, chèn ép quan lại và dân chúng, bắt dân nữ. Một nữ sĩ tài năng như Văn Cơ đáng tiếc cũng không thể tự cứu chính mình, năm 192, Thái Văn Cơ bị quân Đổng Trác bắt. Đến năm 195, Tả Hiền Vương của Nam Hung Nô đánh bại một đạo quân của Đổng Trác, thấy Văn Cơ xinh đẹp tài giỏi nên bắt lại, bà phải lưu lạc làm vợ người ở đất Hung Nô, sinh được hai người con.

Về sau nhờ có Tào Tháo, vốn là bạn thân của Thái Ung, vì thương xót Văn Cơ nên cho sứ giả đem vàng ngọc tới chuộc về. Thế nhưng, đau đớn xiết bao cho một người mẹ, hai đứa trẻ không được phép trở về quê hương cùng bà. Đối với Văn Cơ, điều này làm bà vô cùng đau khổ, dằn vặt và thương nhớ suốt quãng đời còn lại trên cố quốc.

Xúc cảm bi thương trong những bài thơ của Thái Diễm

Cuộc sống đọa đày, vất vả của Thái Văn Cơ đã ảnh hưởng lớn tới phong cách thơ ca của bà. Với xúc cảm đau đớn, chân thật, bà đã sáng tác những tác phẩm nổi tiếng và được người đời ngợi ca như một trong những tài nữ giỏi giang nhất của Trung Quốc cổ đại.

Thái Văn Cơ, người mẹ bất hạnh nhất lịch sử TQ - 2

“Bi phẫn thi” tuy nội dung chính là thuật lại cuộc đời cá nhân Thái Văn Cơ, song vận mệnh của bà gắn chặt với những biến cố lớn của xã hội, nên tính điển hình – tính lịch sử vô cùng rõ rệt. (ảnh minh họa)

Nói đến các tác phẩm của của Thái Diễm, có hai bài thơ được lưu truyền qua các thế hệ và còn lại đến tận ngày nay. Đó là Bi phẫn thi (Bài thơ đau thương) - một bài thơ theo thể ngũ ngôn cổ phong, và một thiên có tên Hồ già thập bát phách (Mười tám điệu phách của người Hồ). Trong đó Bi phẫn thi là một trong những bài thơ tự sự nổi tiếng nhất của thơ ca cổ điển Trung Quốc: “Thời Kiến An, khó có tác phẩm nào mang quy mô phản ánh rộng hơn và cũng làm xúc động lòng người hơn là Bi phẫn thi” (GS. Nguyễn Khắc Phi)

Gắn với cuộc đời của Thái Văn Cơ, với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp tự sự và xúc cảm trữ tình, “Bi phẫn thi” như một nhật ký đầy cảm xúc và nỗi buồn nước mất, nhà tan, chất chứa tâm trạng của bà trong quá trình suốt từ khi triều đình nhà Hán rối loại, cho đến lúc buộc phải sống nơi biên thùy xa lạ bên đất Hung Nô, day dứt khi phải vĩnh biệt hai con và tâm trạng cô đơn, lo sợ khi đã sống yên nơi cố quốc. “Bi phẫn thi” tuy nội dung chính là thuật lại cuộc đời cá nhân Thái Văn Cơ, song vận mệnh của bà gắn chặt với những biến cố lớn của xã hội, nên tính điển hình – tính lịch sử vô cùng rõ rệt.

Cảm nhận, đánh giá về “Bi phẫn thi” có nhiều, không chỉ là từ phía các nhà nghiên cứu Trung Quốc mà còn từ các học giả, nhà phê bình văn học trên khắp thế giới, nhân đây, chỉ xin trích đoạn một đánh giá của học gỉa Việt Nam Nguyễn Hiến Lê: “Khi về nước rồi, bà làm bài Bi phẫn thi dài 540 chữ, tả nỗi long đong của bà, lời cực thống thiết, tựa như mỗi chữ là một giọt lệ”

……

Hoang thảo phong tục khác

Đạo lý chẳng giống ai

Một nơi nhiều sương tuyết

Gió Hồ suốt năm dài

Phiêu phiêu phất tà áo

Lồng lộng thổi vào tai

Những khi nhớ phụ mẫu

Kêu than mãi khôn nguôi

Có khách từ ngoài tới

Được hay, xiết mừng vui

Ra đón thăm tin tức

Quê lại chẳng cùng nơi

Bỗng có người thân thích

Phái sứ giả đón về

Khi được toàn nguyện vọng

Lại khó bỏ hài nhi

Máu mủ liền khúc ruột

Tái ngộ không hẹn kỳ

Sống chết đều xa cách

Sao nỡ nói chia ly

Hài nhi ôm lấy cổ

Hỏi mẹ thực muốn đi?

“Người bảo là như vậy

Mai kia có trở về? 

Thường ngày mẹ yêu mến

Sao nay chẳng nhân từ?

 Hài nhi còn nhỏ tuổi

Nỡ chẳng đoái hoài ư!”…

Đ.A.P
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những nhan sắc một thời