Quý bà Trần Lệ Xuân và 2 con gái đều qua đời trong tháng Tư. Sự trùng hợp ấy khiến nhiều người nhắc đến "lời nguyền tháng Tư" hay "tháng Tư tử thần".
Cái chết của 2 con gái
Ngày 12/4/1967 con gái cả của quý bà Trần Lệ Xuân là Ngô Đình Lệ Thủy đã chết vì tai nạn xe hơi ở ngoại ô Longjumesu, Pháp khi mới 22 tuổi. Theo nhiều tài liệu mô tả, cô đã bị 4 chiếc xe tải cùng đâm vào khi cô đang lái xe Peugeot 404.
Thời điểm ấy, đứa con được bà Nhu cưng chiều nhất đang học năm thứ 3 Y Khoa. Khi còn sống trên nhung lụa hoặc ngay cả lúc đã lưu vong ở nước ngoài, Lệ Thủy luôn gắn bó bên mẹ như hình với bóng. Thậm chí, cô là người duy nhất trong 4 đứa con của bà Nhu có mặt trong hầu hết cuộc gặp gỡ, đàm phán và trả lời báo chí của mẹ.
Khá nhiều tài liệu khai thác về cái chết của Ngô Đình Lệ Thủy. Trước thời điểm cô bị tai nạn xe hơi, gia đình họ Ngô liên tiếp phải gánh 4 cái tang dồn dập của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và bà nội Lệ Thủy.
Ngoài giờ học, để khuây khỏa nỗi buồn đau, con gái cả của quý bà Trần Lệ Xuân thường đi khiêu vũ với các bạn cùng trường tới khuya. Trong một lần Lệ Thủy ra về sau buổi khiêu vũ với hơi men trong người, cô đã bị tai nạn thảm khốc, trên chiếc xe rúm ró, Lệ Thủy chết trong tư thế đang ôm tay lái, nhiều mảnh kính xe vỡ đâm vào người và tay lái đập vào ngực. Biết tin con gái mất vào nửa đêm ngày 12/4/1967, bà Nhu đã ngất xỉu tại chỗ.
Trần Lệ Xuân và con gái Lệ Thủy (ảnh internet)
Sau này, bà kể lại trong hồi ký của mình: "Ngô Đình Lệ Thủy sinh năm 1945 tại Huế. Năm đó, Ngô Đình Nhu đang trốn tránh ở khu Phát Diệm thì Trần Lệ Xuân và con gái Lệ Thủy đang ở Huế. Khi Lệ Thủy mới được 4 tháng thì hai mẹ con chứng kiến cùng lúc hai cái chết của Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân (con trai Khôi) bị xử tử. Rồi sau đó, Diệm-Nhu và Cẩn rồi Lệ Thủy đều lần lượt ra đi".
45 năm sau, vào ngày 16/4/2012, con gái út của bà Nhu là Ngô Đình Lệ Quyên cũng chết vì tai nạn xe mát trên một xa lộ ở Roma Uno, Ý. So với Lệ Thủy, Lệ Quyên ít được chú ý hơn. Có nguồn tin còn nhận định rằng bà Trần Lệ Xuân không hợp với người con này nên việc Lệ Quyên xuất hiện cùng mẹ là vô cùng hiếm.
Theo tờ "Corriere della Sera", vụ tai nạn xảy ra khi bà Lệ Quyên trên đường vào trung tâm thành phố làm việc. Cú va chạm giữa chiếc xe máy của bà với một xe bus chở học sinh đi ngược chiều khiến chiếc xe máy chui vào gầm xe bus, bản thân bà bị hất văng ra khoảng 7m.
Người mẹ cũng "chọn" tháng Tư
Trong 4 người con của bà Trần Lệ Xuân, con gái đầu và út đã qua đời trong tháng Tư định mệnh. Nhiều tờ báo quốc tế gọi đó là "lời nguyền tháng Tư" hay "tháng Tư tử thần" để chỉ về những cái chết bất đắc kì tử trong gia đình họ Ngô. Một điều trùng hợp là chính bà Nhu cũng qua đời trong lặng lẽ vào ngày 24/4/2011 tại một bệnh viện ở Rome, Ý.
Nhiều người khi xâu chuỗi tin tức về 3 cái chết của những người phụ nữ trong gia đình bà Trần Lệ Xuân đã không khỏi giật mình và đưa ra nhiều chiều hướng lý giải, nhìn nhận.
Có ý kiến cho rằng, phải chăng ngoài sự trùng hợp tình cờ ấy còn phảng phất câu chuyện về nhân-quả đáng lưu tâm nhất là những cuộc ra đi vĩnh viễn vào tháng 4, trước thềm Phật Đản hằng năm.
Bà Nhu với con gái út Ngô Đình Lệ Quyên năm 1963 (ảnh internet)
Tất nhiên, đó vẫn chỉ là những đồn đoán, liên tưởng xa xôi nhưng một thực tế là cái chết của 3 người phụ nữ trong gia đình họ Ngô đã nối dài thảm kịch khủng khiếp xảy ra với gia đình này.
Nhà văn Monique Brinson Demery - tác giả cuốn hồi kí "Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực bà rồng" đã đưa ra những bình luận nhiều ẩn ý và liên tưởng khi đến thăm mộ phần một trong số những người ruột thịt của bà Nhu: "Những lời của Lệ Chi (chị gái Trần Lệ Xuân) vang lên trong tâm trí tôi: Bạn càng kể lể về những vinh quang của quá khứ, cái kế cục sẽ càng trở nên kinh khủng".
Monique Brinson Demery cũng tiết lộ, vì đã có thời gian tiếp xúc với quý bà Trần Lệ Xuân và ám ảnh tột độ về cuộc đời đầy giông bão ấy nên sau khi nhân vật chính trong cuộc sách của cô qua đời, cô thường xuyên có những giấc mơ kì lạ.
"Tôi đứng trong một biệt thự ở Rome... Từ đó tôi được dẫn tới cái ghế dài bọc nhung bên cạnh cô gái duyên dáng mà tôi cho là Lệ Thủy, đứa con đã chết từ lâu của bà Nhu... Tôi buộc phải đứng chờ, chờ mãi, cho đến khi một bà già tóc bạc gầy nhom hiện ra nơi ngưỡng cửa. Tôi cảm thất một thôi thúc kì lạ muốn đi tới vòng tay ôm bà, nhưng bà phẩy tay bảo tôi về lại chỗ ngồi. Bà không bao giờ đi vào phòng, nhưng tôi có thể nghe rõ tiếng bà như thể bà đang nói vào tai tôi: Giờ này tôi bận, không tiếp cô được. Rồi người đàn bà già nua đó quàng vai cô gái, hai người đi khuất. Họ gần như biến mất vào một ngách tối..." - Monique Brinson Demery viết.