'Tôi đang có một gia đình tuyệt vời. Về phần gia đình lớn lúc trước ba, mẹ, anh, chị đều là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho tôi đủ nghị lực học tập và phấn đấu trong cuộc sống', thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký chia sẻ.
Gia đình có thể được xem là điểm mở đầu cũng như điểm kết thúc trong cuộc đời của mỗi con người. Trong thời đại công nghiệp như hiện nay, một người bình thường xây dựng hạnh phúc gia đình đã khó, còn với một người khuyết tật khó hơn gấp bội.
Phóng viên đã có buổi phỏng vấn thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký để chia sẻ đến bạn đọc bí quyết xây dựng gia đình và cách nuôi dạy con cháu.
- Thầy nhận xét thế nào về vai trò của gia đình trong cuộc sống?
- Tôi có thể nói rằng trong hành trình trưởng thành của mỗi con người yếu tố gia đình đóng vai trò quyết định. Nó vừa là động cơ, vừa là đông lực và đồng thời cũng vừa là mục đích. Dù là ai, con người nào, phấn đấu cuối cùng thì cũng mong gia đình hạnh phúc để tiếp nối dòng chảy văn hóa cho con, cháu sau này.
- Thầy có thể nói sơ qua về các thành viên trong gia đình?
- Vâng! Tôi đang có một gia đình tuyệt vời. Về phần gia đình lớn lúc trước ba, mẹ, anh, chị đều là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho tôi đủ nghị lực học tập và phấn đấu trong cuộc sống. Gia đình nhỏ hiện giờ tôi có ba con 2 gái, 1 trai. Con gái lớn đang làm hiệu trưởng của một trường trung học, con gái thứ hai đang làm hiệu phó cho một trường tiểu học và cậu út đang làm giảng viên cho một trường đại học ở Sài Gòn. Tôi có tất cả 6 đứa cháu, tất cả chúng nó đều rất ngoan.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký
- Bí quyết giữ lửa cho hạnh phúc gia đình của thầy như thế nào ?
- Trước tiên mình phải biết hâm nóng tình cảm gia đình. Yếu tố quyết định chính là cách điều hành gia đình mình đi vào nề nếp như thế nào. Hơn nữa, mọi người trong gia đình điều biết sống vì nhau, biết sống cho nhau.
Đặc biệt, là những người lớn, người đi trước phải thật sự là cây cao bóng cả, biết sống mẫu mực hóa chính mình trong từng lời nói, cử chỉ. Trong cách sống để người khác noi theo. Những người đi sau phải biết kính trên nhường dưới. Tôi luôn cố gắng tạo ra những tình huống hài hước, dí dỏm để mọi người cùng cười với nhau từ đó gia đình gần gũi nhau, gắn kết nhau hơn.
- Những khi giận hay cãi nhau, thầy làm gì để không khí gia đình bớt căng thẳng?
- Giận hay cãi nhau là chuyện bình thường, nhưng cách giải quyết của mỗi gia đình không giống nhau. Hai chúng tôi luôn tìm mọi cách để giải quyết vấn đề, hai người phải tự điều chỉnh. Tôi và bà nhà giận nhau không quá 30 phút có khi vài, ba phút là lại làm hòa ngay. Khi bà ấy giận tôi thường pha trò, kể chuyện xưa để làm dịu không khí căng thẳng... Ba quan điểm của tôi là sống hòa, sống đơn giản và sống thoáng.Các vấn đề khó khăn hai người tự thỏa hiệp và ngồi lại giải quyết.
- Như thầy chia sẻ thì các con thầy điều có công việc ổn định nếu không muốn nói là thành đạt, các cháu của thầy cũng rất ngoan. Vậy thầy có thể chia sẻ cách giáo dục để nuôi dạy các anh/chị ấy nên người?
- Ngay khi có đứa con gái đầu tiên, tôi đã có bài thơ ru con để hát cho con nghe. Khi lớn hơn một chút, tôi bịa ra những câu chuyện cổ tích. Thế là, tôi đưa bé vào thế giới thần tiên, thế giới của lòng nhân hậu, thế giới của những điều tốt lành, giúp bé nhận ra đâu là nhân vật xấu xa, đâu là nhân vật hiền hậu… Tôi luôn tập cho các cháu ý thức tự giác học hành, tìm được niềm vui say sưa trong học tập, đọc sách. Những khi đi chơi, tôi hay dạy các bằng cách dự đoán màu sắc, những sự việc, hiện tượng gần gũi với con người, tự nhiên… để luyện cho cháu sự tư duy, thông minh, nhạy bén. Tôi luôn tâm đắt nhất với câu châm ngôn dạy con cháu:
“Cho con một thuyền vàng đầy, không tày dạy con cách đọc một quyển sách”
- Điều gì làm thầy thấy thỏa mãn nhất sau mấy chục năm phấn đấu thưa thầy?
Tôi năm nay đã 70 tuổi, sau những năm tháng đứng trên bục giảng và phấn đấu ngoài xã hội, điều hạnh phúc nhất của tôi là làm được một người bình thường dù không có đôi tay như người bình thường. Có gia đình vui vẻ, hạnh phúc, con và các cháu đều ngoan, hiếu thảo.
- Xin cảm ơn thầy.