Tứ đại mỹ nhân Hà thành: Người “hồng nhan bạc tỷ” trăm bề, kẻ ôm tuổi già trong điên dại

Ngày 27/12/2018 11:26 AM (GMT+7)

Họ đều là những người đẹp sắc nước hương trời song số phận lại long đong, người êm ấm bên trời Tây, kẻ ôm tuổi già trong điên dại.

Giữa những năm thập kỷ 30 của thế kỷ trước, người dân Thủ đô không ai là không biết đến “tứ mỹ Hà thành” gồm: cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy. Họ đều là những người đẹp sắc nước hương trời song số phận lại long đong, người êm ấm bên trời Tây, kẻ ôm tuổi già trong điên dại.

“Hồng nhan bạc tỷ”

Trong tứ đại mỹ nhân Hà thành, cô Bính Hàng Đẫy được xem là bông hồng may mắn khi có cuộc sống yên bình và hạnh phúc hơn cả.

Cô Bính tên thật là Đỗ Thị Bính (1915), là con của nhà tư sản Đỗ Lợi - một trong những thành viên của dòng họ Đỗ Bá Già (thôn Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Gia đình cô nức tiếng Hà Thành vì sự giàu có khiến nhiều người phải kiêng nể. Người ta kể rằng, khi ấy có tới 20 công trình lớn nhất Hà Nội đều do nhà tư sản Đỗ Lợi làm chủ thầu.

Tứ đại mỹ nhân Hà thành: Người “hồng nhan bạc tỷ” trăm bề, kẻ ôm tuổi già trong điên dại - 1

Trong tứ đại mỹ nhân Hà thành, cô Bính Hàng Đẫy được xem là bông hồng may mắn khi có cuộc sống yên bình và hạnh phúc hơn cả.

Sinh ra trong gia đình có điều kiện, cô Bính sở hữu làn da trắng như trứng gà bóc cùng nét mặt dịu dàng thanh tú. Cô Bính từ nhỏ được cưng chiều như báu vật, được đi học ở trường Tây, răn dạy theo khuôn khổ.  Vì có sở thích mặc áo dài đen nên nhiều người Hà Nội còn gọi cô Bính với cái tên thân thuộc là “giai nhân áo đen”.

Nhắc đến cô Bính, người ta không thể không nhắc tới câu chuyện ăn miếng thịt gà thưởng nhẫn kim cương. Theo đó, từ nhỏ, cô Bính đã có thói quen không ăn thịt gà. Cụ Đỗ Lợi đã cho mời đầu bếp nấu cho vua Bảo Đại về nhà trông coi việc bếp núc, thậm chí còn tuyên bố sẽ thưởng nhẫn kim cương nếu con gái chịu ăn miếng thịt gà. Song cô Bính cũng chỉ mỉm cười ý nhị từ chối những món quà xa xỉ đó. Mãi về sau, khi một đầu bếp của triều đình nhà Nguyễn nấu món bún thang, cô Bính mới xuôi lòng.

Thời thanh xuân, cô Bính có một mối tình “có duyên mà không có phận” với nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp - con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Người ta kể rằng, hàng ngày nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đều mượn cớ đi qua ngôi nhà ở hàng Đẫy để có thể được ngắm nhìn cô.

Họ cứ vậy, chỉ dừng lại ở việc trao nhau cái nhìn trộm. Những tập thơ sau đó của ông như "Mỵ Nương", "Tay ngà" hay "Cô gái bên bờ ao", người yêu thơ ai cũng hiểu được rằng, cảm hứng đều được lấy từ người đẹp Đỗ Thị Bính.

Tứ đại mỹ nhân Hà thành: Người “hồng nhan bạc tỷ” trăm bề, kẻ ôm tuổi già trong điên dại - 2

Cô Bính (thiếu nữ mặc đồ đen có dáng ngồi ở vị trí thấp nhất) 

Thế nhưng họ có duyên mà không có phận. Năm 1939, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp qua đời khi mới 24 tuổi vì căn bệnh lao. Gần 1 năm sau biến cố đó, cô Bính vâng lời gia đình kết hôn cùng chàng kỹ sư Bùi Tường Viên vừa du học ở Pháp về.

Ông Bùi Tường Viên sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc, anh trai ông là Bùi Tường Chiểu - một luật sư nổi tiếng thời bấy giờ. Sau này, Bùi Tường Viên giữ chức Hiệu trưởng Trường Mỹ nghệ Đông Dương (tiền thân của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội).

Đám cưới giữa hai bên gia đình danh giá nức tiếng thời bấy giờ được tổ chức vô cùng long trọng. Ngày cưới, cô Bính khoác lên mình bộ áo dài được dệt từ những sợi chỉ vàng và kim tuyến càng tôn lên nhan sắc đỉnh cao thời bấy giờ.

Tuy khởi nguồn là cuộc hôn nhân sắp đặt nhưng hai người họ đã có cuộc sống hạnh phúc viên mãn đến cuối đời. Sự nhẹ nhàng, ân cần của ông đã khiến cô Bính phải xiêu lòng. Bao năm bên nhau, ông Bùi Tường Viên chưa khi nào to tiếng, luôn thể hiện sự tôn trọng nhường nhịn. Sau này, dù trải qua những biến cố khi gia đình phải đi sơ tán, cô Bính còn có lúc phải đi bán bún song họ vẫn có những tháng ngày hạnh phúc, đầm ấm bên nhau với những đứa con lần lượt ra đời.

“Nàng Kiều phố cổ” đám ma không tiếng khóc

Cô Phượng Hàng Ngang tên đầy đủ là Vương Thị Phượng, vốn là mỹ nhân nức tiếng Hà thành xưa. Sở hữu vẻ đẹp làm mê đắm biết bao trái tim đàn ông, chẳng ai có thể ngờ cuộc đời “nàng Kiều phố cổ” lại nhiều biến cố, bi kịch đến vậy.

Cô Phượng là con gái cưng của nhà buôn bán tơ lụa giàu có nức tiếng ở phố cổ Vương Toàn Thắng. Cô sở hữu làn da nõn như trứng gà bóc, gương mặt thanh tú cùng tóc dài đen mượt. Người Hoa kiều ở phố Hàng Ngang thời bấy giờ còn tả cô có cặp lông mày “yên my” (lông mày như mây khói), đôi mắt “bán thụy phượng hoàng” (con phượng hoàng nửa thức nửa ngủ - mắt mơ màng say đắm).

Tứ đại mỹ nhân Hà thành: Người “hồng nhan bạc tỷ” trăm bề, kẻ ôm tuổi già trong điên dại - 3

Chân dung cô Phượng hàng Ngang, một trong tứ đại mỹ nhân Hà thành xưa.

Cô Phượng nổi tiếng là người thông minh, sáng dạ từ nhỏ. Cô thường ăn mặc rất nền nã, khi chít khăn nhiễu tam giang, khi chít khăn nhung đen, đuôi gà vắt qua mái tóc. Cô hay mặc yếm hoa hiên, quần lĩnh tía cạp điều thắt lưng quan lục cùng áo dài vải phin trắng may sát thân hình nở nang.

Là niềm khao khát của biết bao gã đàn ông, nhưng chẳng ai ngờ chính nhan sắc vạn người mê ấy lại đẩy cuộc đời đến những bi kịch, bôn ba. Theo lời mai mối của gia đình, cô Phượng kết hôn với công tử A Đẩu, cháu ruột của nhà tư sản chuyên buôn bán lụa Phan Vạn Thành sống ở Hàng Đào.

Nhà chồng giàu có nên sau khi kết hôn, cô Phượng sống trong an nhàn, được bố mẹ chồng cưng chiều. Thế nhưng, A Đẩu lại chỉ coi vợ như một thứ đồ vật xinh đẹp, một “chiến tích” để khoe với bạn bè. Cô Phượng đã rơi không biết bao nhiêu nước mắt vì phải chứng kiến chồng ngang nhiên gái gú, cặp kè trước mặt rồi bị chồng vũ phu.

Tứ đại mỹ nhân Hà thành: Người “hồng nhan bạc tỷ” trăm bề, kẻ ôm tuổi già trong điên dại - 4

Người phụ nữ tài sắc vẹn toàn nhưng bạc mệnh. 

Giữa lúc cô đơn và đau khổ nhất ấy, cô đã gặp và đem lòng cảm mến nhà báo Hoàng Tích Chu, người đàn ông tài hoa đất Kinh Bắc. Cuối năm 1927, người ta xôn xao tin cô Phượng mất tích, sau này mới rõ là cô Phượng theo nhà báo Hoàng Tích Chu vào Sài Gòn, để lại một lá thư từ biệt đầy nước mắt.

Những tưởng người đàn bà đẹp ấy đã tìm thấy hạnh phúc thực sự nhưng sau đó nhà báo Hoàng Tích Chu đã sang Pháp để học nghề báo mà không thể đưa cô theo. Gia đình ông vì cho rằng hai người không môn đăng hộ đối nên cô Phượng thành người không chốn nương thân.

Cha mẹ đều đã qua đời, cô Phượng làm nghề buôn bán để kiếm sống. Một lần không may bị lừa hết vốn liếng nên cô đành nhờ đến sự giúp đỡ của ông Lưu, người đàn ông từng đem lòng si mê cô. Chuyện ông Lưu tình tự với cô Phượng bên ngôi nhà ở Long Biên đến tai vợ ông. Bà này sau đó đã phong tỏa hết tài sản của chồng, kết thúc mối quan hệ giữa hai người họ.

Cô Phượng sau đó tìm về một ngôi chùa ở Hưng Yên xin xuất gia. Lại một lần nữa, nhan sắc hiếm có của cô khiến ông Bách, Tham tán ở tòa Sứ si mê. Ông lấy cô Phượng về làm vợ lẽ, đây cũng chính là biến cố dẫn đến cái kết đầy tủi hổ cho cô.

Vợ cả của ông Bách tuy bên ngoài miệng nói cười nhưng đã âm mưu để hạ độc cô Phượng trong lúc chồng đi công tác, khiến cô hóa điên lúc tỉnh lúc mê. Cô Phượng bị đưa về chợ Bờ (Hòa Bình) rồi lưu lạc về Gia Lâm may mắn được một người hàng xóm trông coi như con đẻ.

Một tuần sau, cô Phượng qua đời. Đám tang cô không có lấy một giọt nước mắt, duy chỉ có một người tình cũ đã rủ lòng thương, khắc cho cô Phượng tấm bia đề: "Mộ người bạc mệnh Vương Thị Phượng".

Góc khuất cuộc đời Hoàng hậu cuối cùng của Trung Quốc: Nghiện khỏa thân, chết trong cô độc
Sinh ra trong một gia đình quý tộc, 17 tuổi đã bước lên ngôi vị mẫu nghi thiên hạ nhiều người ao ước, thế nhưng vị hoàng hậu cuối cùng của Trung Quốc...
Thanh Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những nhan sắc một thời