Elon Musk, từ đứa trẻ lập dị bị bắt nạt đến “gã điên thiên tài”, người giàu nhất thế giới

Bảo Anh. - Ngày 08/01/2021 12:11 PM (GMT+7)

Elon Musk, người sáng lập hãng xe điện Tesla, đã soán ngôi nhà sáng lập Amazon là tỷ phú Jeff Bezos để trở thành người giàu nhất thế giới, theo hãng tin Bloomberg.

Mới đây, hãng Bloomberg đưa tin tỷ phú Elon Musk, người sáng lập hãng xe điện Tesla, đã soán ngôi nhà sáng lập Amazon là tỷ phú Jeff Bezos để trở thành người giàu nhất thế giới. Cụ thể, tài sản của Elon Musk có tổng giá trị khoảng 188,5 tỷ USD, cao hơn 1,5 tỷ USD so với Jeff Bezos. Như vậy, theo Bloomberg, kể từ tháng 10/2017, đây là lần đầu tiên ngôi vị giàu nhất thế giới thay đổi.

Là cái tên được nhiều người biết đến với khối tài sản đồ sộ cùng những ý tưởng kỳ quặc, thậm chí có thể nói là “điên rồ”, tuy nhiên ít người biết được rằng Elon Musk đã có những ngày tháng tuổi thơ khó khăn khi bị bạn bè bắt nạt.

Đứa trẻ lập dị bị bắt nạt, “chỉ toàn nói điều không tưởng”

Elon Musk sinh năm 1971 ở Nam Phi, trong một gia đình trung lưu. Bố ông là kỹ sư điện tử, mẹ là người mẫu. Chia sẻ về con trai mình, bố ông cho biết: “Khi mọi người đến bữa tiệc và tán gẫu vui vẻ, uống rượu thì Elon Musk sẽ vào thư viện và đọc ngấu nghiến những cuốn sách trong đó”.

Elon Musk, từ đứa trẻ lập dị bị bắt nạt đến “gã điên thiên tài”, người giàu nhất thế giới - 1

Năm 1979, bố mẹ của Musk ly hôn, Musk cùng em trai của mình là sống cùng bố. Những ngày tháng đi học không hề dễ dàng với cậu bé này bởi Musk thường xuyên bị những kẻ bắt nạt trong trường đánh cũng như xô ngã ở cầu thang đến mức thâm tím cơ thể. Không như bạn bè cùng trang lứa, mỗi ngày Musk đều dành tới 10 tiếng để đọc các cuốn sách chủ yếu về khoa học trong thư viện trường. Musk khi ấy trong mắt bạn bè ở trường là một "kẻ lập dị, chỉ toàn nói những điều không tưởng".

Năm 12 tuổi, Musk khiến nhiều bạn bè kinh ngạc khi tự lập trình một game đơn giản mang tên Blastar và bán được cho một tạp chí công nghệ với giá 500 USD. Sau khi tốt nghiệp trung học, Musk chuyển đến Canada, theo học 2 năm ở trường Đại học Queen và tốt nghiệp ở trường Đại học Pennsylvania. Đây cũng là quãng thời gian người đàn ông này phải làm đủ mọi nghề để có tiền trang trải sinh hoạt, từ xúc đất đến chân chạy vặt ở ngân hàng…

“Mỗi ngày tôi chỉ dám tiêu 1 USD cho thức ăn và những thứ cần thiết nhất", vị tỷ phú nhớ lại quãng thời gian khó khăn.

Sau khi tốt nghiệp với hai tấm bằng cử nhân Kinh tế và Vật lý, Musk đến trường Đại học Stanford để làm nghiên cứu sinh song chỉ sau 2 ngày, ông đã quyết định dừng lại để hiện thực hóa những giấc mơ của đời mình.

Elon Musk, từ đứa trẻ lập dị bị bắt nạt đến “gã điên thiên tài”, người giàu nhất thế giới - 2

Musk cùng em trai Kimbal đã đầu tư 28.000 USD để khởi nghiệp Zip2, dự án cung cấp chỉ dẫn du lịch trên các báo lớn như New York Times, Chicago Tribune. Zip2 sau này được Compaq mua lại với giá 341 triệu USD, đem về cho riêng Musk 22 triệu USD.

Năm 1999, Musk khởi nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng trực tuyến. Năm 2004, người đàn ông này chính thức nên duyên với Tesla khi quyết định đầu tư mạo hiểm 70 triệu USD vào startup nghiên cứu về xe điện. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến Tesla và Space X của ông điêu đứng song chỉ sau vài năm, Musk đã chèo lái con thuyền Tesla vươn lên vượt qua các đối thủ để trở thành nhà cung cấp xe điện số 1 thế giới.

Từ nhỏ đã thể hiện những khác biệt, Elon Musk chưa bao giờ thôi nung nấu những ý tưởng táo bạo, thậm chí bị nhiều người cho rằng điên rồ. Người giàu nhất hành tinh này từng tuyên bố “sẽ chưa thể thỏa mãn cho đến khi đưa được con người lên sao Hỏa”. Đó cũng là một phần lý do ông thành lập SpaceX để tự chế tạo tên lửa với giá rẻ hơn mua ngoài. Đạo diễn Jon Favreau từng tiết lộ hình Elon Musk chính là nguyên mẫu của hình tượng nhân vật Tony Stark trong bộ phim "Iron Man".

Elon Musk, từ đứa trẻ lập dị bị bắt nạt đến “gã điên thiên tài”, người giàu nhất thế giới - 3

Bên cạnh sự nghiệp cũng như những giấc mơ “không tưởng” thì đời sống tình cảm của Elon Musk cũng là điều được nhiều người quan tâm. Sau khi ly hôn người vợ đầu với 8 năm chung sống và 6 người con chung, ông bắt đầu hẹn hò với nữ diễn viên Talulah Riley vào năm 2008 và kết hôn năm 2010. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm chung sống, họ quyết định ly hôn và rồi lại tái hôn vào tháng 7/2013. Tháng 12/2014, Elon Musk đệ đơn ly hôn nhưng rồi lại rút đơn và tháng 3/2016, vợ ông đã đệ đơn ly hôn.

Bí quyết 3 bước giải quyết mọi vấn đề

Để có được sự nghiệp như ngày hôm nay, Musk chưa bao giờ ngừng nỗ lực. Người đàn ông này luôn tâm niệm rằng phát triển không ngừng chính là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Ông từng dành đến 100 giờ mỗi tuần để làm việc trong suốt 15 năm liền và giờ giảm xuống còn 85 giờ.

Tinh thần cầu thị chắc chắn là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của vị tỷ phú này. Tuy nhiên vì sao có những người làm việc rất chăm chỉ song vẫn chỉ đạt được tiến bộ rất nhỏ trong cuộc sống? Đâu là điều còn thiếu để họ đạt tới thành công?

Cũng như Elon Musk, một số bộ óc lỗi lạc nhất mọi thời đại như Aristotle, Thomas Edison, Feynman và Nikola Tesla đều sử dụng liên kết còn thiếu này để tăng tốc, giải quyết khó khăn và tạo ra những thành tựu lớn lao trong đời. Liên kết này ít liên quan đến mức độ chăm chỉ của họ mà liên quan đến cách tư duy. Đây là cách sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề này.

Elon Musk, từ đứa trẻ lập dị bị bắt nạt đến “gã điên thiên tài”, người giàu nhất thế giới - 4

Tư duy nguyên tắc đầu tiên

Elon Musk từng chia sẻ, mối liên kết còn thiếu để bạn đạt được thành công chính là lý luận từ những nguyên tắc đầu tiên. Tư duy nguyên tắc đầu tiên về cơ bản là thực hành chủ động đặt ra những câu hỏi về mọi giả định mà bạn nghĩ rằng mình biết về một vấn đề hay tình huống, sau đó tạo ra kiến thức và giải pháp mới từ đầu.

Về cơ bản, tư duy theo nguyên tắc thứ nhất sẽ giúp bạn tạo ra thế giới quan độc đáo để đổi mới, giải quyết vấn đề theo cách người khác có thể không nghĩ tới. Dưới đây là 3 bước do chính Musk chia sẻ:

Bước 1: Xác định và chỉ rõ các giả định của bạn

"Nếu tôi có 1 giờ để giải quyết vấn đề, tôi sẽ dành 55 phút để nghĩ về vấn đề đó và dành 5 phút để tìm ra giải pháp", Albert Einstein.

Một số ví dụ mà bạn có thể gặp trong cuộc sống hàng ngày: “Mở rộng quy mô làm ăn sẽ khiến tôi tốn rất nhiều tiền”, “ Tôi không có đủ thời gian để tập thể dục và đạt được mục tiêu giảm cân”…

Khi gặp những vấn đề tương tự như này, việc đầu tiên bạn cần làm là viết ra các giả định của bạn về chúng.

Bước 2: Chia nhỏ vấn đề thành các nguyên tắc cơ bản

“Điều quan trọng là bạn phải xem kiến thức như một loại cây. Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu được các nguyên tắc cơ bản tức là thân cây và cành lớn, trước khi bạn đi vào các chi tiết là lá hay thậm chí là không có gì để bám vào”, Elon Musk.

Cách tốt nhất để bạn khám phá ra chân lý hay yếu tố cơ bản nhất của một vấn đề là đặt ra những câu hỏi phù hợp. Musk từng đưa ra một ví dụ để mọi người hiểu hơn về bước này.

Elon Musk, từ đứa trẻ lập dị bị bắt nạt đến “gã điên thiên tài”, người giàu nhất thế giới - 5

Ví dụ ai đó có thể nói "Các khối pin quá đắt, trước đây chi phí bỏ ra là 600 USD/kWh và trong tương lai cũng không thể cải thiện được”.

Với tư duy nguyên tắc đầu tiên, bạn cần đặt ra câu hỏi: "Thành phần nguyên liệu để làm ra pin là gì? Giá trên thị trường chứng khoán của các nguyên liệu này là bao nhiêu? Sau đó chia các loại thành phần này ra trên cơ sở vật chất và thử hỏi "Nếu mua trên Sàn giao dịch Kim loại London thì từng thứ có giá bao nhiêu”.

Theo ông, chỉ cần bạn nghĩ ra những hướng đi tốt hơn để mua các loại nguyên liệu rồi kết hợp lại chúng, bạn có thể làm ra những viên pin với giá thành rẻ hơn.

Bước 3: Tạo ra giải pháp từ đầu

Khi đã xác định được và chia nhỏ vấn đề, giả định của mình thành các sự thật cơ bản nhất, bạn có thể bắt đầu tạo ra những giải pháp sâu sắc mới hoàn toàn.

Ví dụ, khi nghĩ rằng “Mở rộng quy mô làm ăn sẽ khiến tôi tốn rất nhiều tiền”, bạn cần trả lời:

“Tôi cần làm gì để kinh doanh có lãi? Tôi cần bán sản phẩm dịch vụ cho càng nhiều khách hàng càng tốt.

Có tốn nhiều chi phí để bán được sản phẩm cho các khách hàng mới không? Không nhất thiết khi bạn có cách tiếp cận khách hàng mới theo hướng không quá tốn kém.

Ai có thể giúp tôi tiếp cận này và đạt được thỏa thuận đôi bên cùng có lợi? Bạn có thể hợp tác với các công ty khác hiện đang phục vụ những khách hàng mới đó và chia lợi nhuận với họ 50-50.

Tư duy nguyên tắc đầu tiên chính là cách hiệu quả để giúp bạn phá vỡ lối mòn tư duy theo số đông và tạo ra những giải pháp hoàn toàn mới.

Lương 7 triệu vẫn mua được nhà nhờ học nguyên tắc chia 5 của tỷ phú Lý Gia Thành
Đừng bận tâm tới quần áo bên ngoài. Thay vì mua nhiều bộ đồ, hãy chọn cho mình một vài thứ thật tốt để mặc.
Bảo Anh. (Theo Business Insider)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư duy thông minh