Công việc gia đình tưởng chừng như việc nhỏ nhưng lại là lí do khiến nhiều cặp vợ chồng cãi nhau, thậm chí là ly hôn. Mối bất hòa giữa việc vợ phải làm quá nhiều việc còn chồng “không động tay, động chân” vào thứ gì là nguyên nhân gây ức chế.
Sai lầm của nhiều phụ nữ là cố gồng mình lên làm hết mọi việc để rồi đến lúc không chịu được sẽ… bủng nổ. Lẽ ra, bạn nên có kế hoạch ngay từ đầu, không cần phải coi việc nhà là trách nhiệm duy nhất của người phụ nữ.
Nếu bạn khéo léo, bạn hoàn toàn có thể khiến chồng tự giác làm việc nhà. Dưới đây là những bí quyết giúp bạn có thể làm được việc đó:
Xác định những việc cần làm
Lập danh sách tất cả các công việc hàng tuần và những việc cần phải hoàn thành. Bạn sẽ phân loại việc gì dành cho chồng, việc gì cho mình. Tiêu chí để phân việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian, thói quen, ưu điểm của anh ấy để có sự phân công hợp lí nhất.
Lập danh sách tất cả các công việc hàng tuần và những việc cần phải hoàn thành. Bạn sẽ phân loại việc gì dành cho chồng, việc gì cho mình. (Ảnh minh họa)
Những việc lặt vặt điển hình như:
- Dọn dẹp nhà cửa
- Giặt giũ và gấp quần áo
- Mua sắm đồ đạc cho gia đình
- Nấu ăn, rửa bát
- Đưa con đi học…
- Chăm sóc vật nuôi trong nhà…
Những việc thuộc về ưu điểm của anh ấy như cắt tỉa cây cảnh, sửa đồ đạc bị hư, thiết bị điện, ống nước… dĩ nhiên nên phân bổ cho chồng.
Ngoài ra, cũng nên tính toán tới thời gian và tính cách riêng của anh ấy nữa để tránh việc ví dụ như chồng bạn bị dị ứng với chó mèo nhưng lại bắt anh ấy phải làm chăm sóc chúng.
Lựa chọn thời điểm để giao việc
Tất nhiên, bạn không thể nào chọn lúc hai vợ chồng vừa cãi nhau, vừa xảy ra mâu thuẫn căng thẳng để nói: “Mai anh làm việc này đi”. Hãy dành thời gian vào buổi tối, không có các con, mang một chút đồ ăn nhẹ và lôi bản danh sách ra…
Đừng giao việc cho chồng ngay khi hai bên vừa cãi vã (Ảnh minh họa)
Hãy nói một cách vui vẻ và đề nghị: “Tuần tới anh giúp em những việc này nhé”… Chồng bạn chắc chắn sẽ có tâm trạng tốt để tiếp nhận việc thay vì bị ép buộc.
Hãy mở đầu bằng cách khen ngợi chồng trước
Đừng bắt đầu lời đề nghị bằng câu chê bai: “Anh chẳng bao giờ động tay, động chân vào việc gì cả, từ mai anh dọn phòng đi nhé”. Không lấy gì làm lạ nếu như anh ấy bắt đầu lảng tránh và khó chịu.
Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng những lời khen: “Anh tỉa cây đẹp hơn em nhiều, từ mai anh làm việc đó nhé” hoặc “Các con rất thích được anh đón mỗi khi tan trường, từ mai anh đón các con nhé”…
Chồng của bạn sẽ thấy rất hãnh diện vì anh ấy được đánh giá cao trong công việc và có cảm giác chỉ mình làm điều đó mới tốt mà thôi. Tất nhiên, khi đó anh ấy sẽ hào hứng nhận việc.
Đừng vội chê bai khi anh ấy làm chưa tốt
Ngay cả khi chồng bạn đã nhận việc không có nghĩa là anh ấy sẽ hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Người vợ khôn ngoan là người không vì thế mà ngay lập tức bày tỏ sự thất vọng, cáu kỉnh với kết quả chưa như ý muốn.
Hãy nhẹ nhàng, từ tốn động viên anh ấy và khéo léo chỉ cách cho chồng: “Em nghĩ anh nên thử cách này xem sao…”. Đó là cách để chồng bạn tiếp thu mà không cảm thấy bị tự ái, mất thể diện.
Hãy khen ngợi chồng mỗi khi anh ấy làm việc gì giúp bạn (Ảnh minh họa)
Nghiêm khắc trong phân công việc nhà
Một điều cuối cùng cần phải nhớ chính là việc bạn cần có thái độ nghiêm túc trong chuyện phân công việc làm. Đừng ôm đồm hết vào mình với suy nghĩ: “Thà làm cố cho xong”, cũng đừng thỏa hiệp theo kiểu: “Thôi đàn ông không bắt anh ấy làm”.
Trách nhiệm với gia đình thuộc về cả hai vợ chồng, ai cũng cần phải vun vén cho tổ ấm của mình. Nếu anh ấy quá lười biếng và ỷ lại, hãy có một cuộc nói chuyện nghiêm túc yêu cầu chồng cần phải hỗ trợ, giúp đỡ mình. Trước thái độ cứng rắn nhưng cách nói chuyện vẫn tôn trọng này, chồng bạn sẽ phải xem lại bản thân mình.