Thật ra câu chuyện công chức thời nay đã nhiều lần được đề cập. Đó là một cơ chế lao động có tính bền vững, ổn định tương đối cao được nhiều người lựa chọn.
Ở nhiều vùng thôn quê, các bậc phụ huynh vẫn luôn tự hào khi con mình là công chức nhà nước. Bởi công chức nhà nước thì đến tháng nhận lương, hạn hán mất mùa thì lương thưởng vẫn vậy.
Tuy nhiên, trong cơ chế ấy dễ nảy sinh ra mối quan hệ đặc thù giữa sếp và nhân viên. Nếu ở một công ty tư nhân đã từng ghi nhận trường hợp, nhân viên mắng sếp mà được thăng quan thì trong môi trường công chức, chuyện đó chưa từng được ghi nhận.
“Công chức suốt đời sẽ là vật cản cho phát triển, giờ “chỉ có một cách thôi. Đó là bỏ hẳn biên chế đi. Chuyển sang chế độ hợp đồng lao động” – chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nói như vậy trong một bài phỏng vấn gần đây. |
Nói về môi trường công chức, người ta có nhiều giai thoại, những câu chuyện bông đùa về mối quan hệ giữa sếp và nhân viên.
Chuyện vui như thế này:
Anh con rể về than với bố vợ, cũng là một cán bộ nhà nước về việc bị luân chuyển công tác mà không rõ vì sao. Ông bố vợ phưỡn bụng hỏi:
- Ở cơ quan anh làm việc thế nào?
Dạ, con làm việc hăng say, đi sớm về muộn. Luôn hoàn thành công việc được giao - ông con đáp.
- Thế bằng cấp anh thế nào?
Dạ, bằng con oách nhất cơ quan.
- Thành tích lao động thế nào?
Dạ, con luôn luôn dẫn đầu…
Ông bố vợ nghe xong thì chán nản lắc đầu:
- Thế là đúng rồi con ạ, bị điều chuyển là may, gặp bố là bố đuổi thẳng cổ.
Ảnh minh họa Vũ Toàn
Ông con vò đầu không hiểu. Ông bố phải kiên nhẫn giải thích:
Làm việc cho cơ quan nhà nước, còn phải luôn luôn ghi nhớ. Ngoài việc sếp luôn luôn đúng, thì không bao giờ được hơn sếp dưới bất cứ hình thức nào. Trừ việc nhậu!
Nói như vậy là nói vui nhưng không hẳn là không có cơ sở. Cũng là để chỉ ra rằng, làm việc công chức nhiều khi sẽ khiến bản thân bị kìm hãm sự phát triển, giống như quan điểm của bà Phạm Chi Lan “Công chức suốt đời sẽ là vật cản cho phát triển...".
Nếu như ở môi trường ngoài nhà nước, không gian thể hiện của người lao động được mở rộng tối đa, nơi mọi sáng kiến đều được ghi nhận, nơi mọi nỗ lực cá nhân đều được khen thưởng xứng đáng, bởi người lao động cảm nhận được sự trân trọng của người sử dụng lao động. Hơn nữa, thành quả của họ được đánh giá tương xứng.
Không khó để liệt kê ra một ngày lao động của một công chức lười việc điển hình. Buổi sáng, họ đủng đỉnh ăn sáng, rồi đủng đỉnh làm ly cà phê, sinh tố… xong xuôi đâu đó mới đủng đỉnh vào cơ quan ngồi. Sự an phận đôi khi sẽ thành lười nhác, tất nhiên là chỉ nói số đông...
Ví dụ điển hình là việc một chị kế toán rất trì trệ trong việc trả lương cho nhân viên, làm việc không đúng nguyên tắc, chậm một tí thì tìm lý do này lý do khác để biện minh. Người khác thắc mắc thì xin lỗi nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Vì trong họ luôn có tư tưởng, có thế nào thì mình cũng an phận, cố định ở vị trí này rồi và không có gì thay đổi được. Tâm lý ấy khiến con người ta thiếu trách nhiệm ngay với chính bản thân mình...
Ở cương vị một người làm tư nhân, tôi thấy lạ cho những người bạn đồng trang lứa lại làm trong môi trường nhà nước. Các bạn thường vỗ ngực cho rằng mình thế là hơn người khác, mình ổn định, mình chẳng lo thất nghiệp như mấy anh chị ngày ngày vật lộn hết việc này đến việc khác. Rồi họ lại tỏ lòng thương hại cho chúng tôi, những người chán việc này đi tìm việc khác. Vì họ nghĩ, thế là không ổn, thế là thất nghiệp, thế là lông bông.
Nhưng không, với tôi, đó lại là một sự trải nghiệm. Làm trong môi trường này không hợp, ta có thể tìm tới một môi trường khác hài hòa hơn, hợp với năng lực của chúng ta hơn. Những lần nhảy việc chính là những lần chúng ta đúc rút ra những bài học và kinh nghiệm sống tốt hơn cho bản thân mình. Tiếp xúc với nhiều kiểu người khác nhau càng làm cho chúng ta trở nên bản lĩnh, cứng rắn hơn. Nếu cứ mãi ở một nơi, cứ mãi an phận vì nghĩ rằng, thế là ổn... tức là chúng ta không ổn. Không phấn đấu, không nỗ lực và không có nỗi lo bị cho thôi việc vì kém cỏi thì khó mà tiến bộ bản thân được và rất có thể sẽ là 'vật cản cho phát triển'....