Thời gian làm mai một đi nhiều thứ do dịch chuyển của thời cuộc, nhưng có một thức quà theo mãi mỗi dịp Tết đến xuân về. Ấy là mứt.
Không phải ngày nay không có mứt, nhưng giữa hàng loạt những món đồ ăn, thức uống ngày Tết, mứt giờ chỉ là một lựa chọn, không đủ gây ấn tượng trong lòng lũ trẻ. Với thế hệ 8X trở ngược, mứt là Tết, là tuổi thơ đã đi qua và không trở lại nhưng luôn đầy thương nhớ.
Mỗi khi về quê đi chúc Tết, ngồi trong lòng mẹ rồi bà bác chìa ra khay bánh kẹo mời mẹ con tôi một món lấy may, thể nào tôi cũng nhón một miếng mứt. Cầm hạt mứt sen bọc quanh đầy đường đưa vào khoang miệng mà ngon ngọt tê tái. Vị ngọt, béo, bùi ấy là thứ hạnh phúc được nuông chiều bằng vị giác có thật trong đứa trẻ lên 3. Thứ mà sau này lớn lên, tôi rất hiếm khi gặp lại.
Lớn lên, tôi không bao giờ quên những ngày tháng tươi đẹp ngồi trong lòng mẹ, vừa ấm áp vừa dịu dàng, còn mứt thì ngon và Tết lúc nào cũng vui. Lúc đó, tôi vẫn thường thắc mắc mứt được làm ra như thế nào?
Có dịp về làng Xuân Đỉnh, nơi có nghề truyền thống làm bánh mứt kẹo nổi tiếng của Thủ đô. Nghề đã có lúc thăng, lúc trầm nhưng vẫn còn đó. Có gia đình bao nhiêu năm nối truyền làm nghề, có nhà cũng đã bỏ nghề, nhưng tôi đã có lời giải cho thắc mắc thuở thơ bé của mình.
Món mứt sen khiến tôi mê đắm ngày nhỏ có công thức rất kỳ công. Hạt sen sau khi ngâm mềm, luộc kỹ 2 lần thì được ướp nước đường 2 tiếng. Khi sen chìm xuống đáy, người ta vớt sen ra rồi dội đường sôi nóng già để tạo thành lớp "áo đường". Sen "ăn" đủ đường lại được xử lý một lần nữa để chỉ ngậm lượng đường vừa phải. "Lớp áo" ấy làm nên vị ngon ngọt bọc cái béo bùi của sen, tạo thành ký ức Tết của tuổi thơ tôi.
Nghe qua thì tưởng đơn giản nhưng làm mứt sen rất kỳ công, các bước cần chỉn chu mới ra được thành phẩm như ý, lệch một chút thời gian đảo là có khi ảnh hưởng đến thành bại của cả mẻ mứt.
Loại hoa quả nào cũng có thể làm mứt, chỉ là có loại hợp, loại không.
Mứt khoai lang muốn ngon thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Khoai Hoàng Long là lý tưởng để làm mứt vì độ dẻo bùi của nó. Khoai lang Nhật thì nhiều bột, khoai Đà Lạt nhiều mật cũng không cho mẻ mứt khoai ngon.
Còn món mứt quất đẹp, ngon, dậy mùi thơm làm theo cách truyền thống cũng tốn công lắm. Từng quả phải bỏ hạt, vuốt 4 múi cho đẹp. Nhưng quan trọng hơn là phải xử lý giảm cay ở vỏ quất nhưng vẫn giữ được mùi thơm.
Nói chung, để có mẻ mứt ngon phải cầu kỳ, tốn công và đặt hết tâm huyết của mình trong đó. "Bài học" từ mứt cũng là câu chuyện của cuộc đời. Nếu dồn nhiều công sức, tình cảm, sản phẩm cuối cùng sẽ rất khác so với thứ được làm cho có.
Khi trưởng thành, giữa cuộc sống bộn bề, không ít người loay hoay đi tìm đáp án cho câu hỏi "hạnh phúc là gì". Câu trả lời mỗi lúc mỗi khác, nhưng quay về những ngày thơ bé, miếng mứt Tết ngày ấy không khó để làm dậy lên những hân hoan với niềm vui sướng tột độ, thật thà.
Thưởng thức mứt không chỉ bằng vị giác mà còn với tất cả các giác quan. Mùi thơm, dư vị đọng lại, vẻ xinh xẻo của những hạt mứt trứng chim hay màu đỏ của miếng mứt quất, màu vàng của mứt gừng, màu trắng của mứt dừa… Đó là tổng hòa của một sản phẩm ẩm thực trong ký ức nhưng vẫn hiện diện ở hiện tại.
Mứt bây giờ khác mứt xưa nhiều lắm. Người ta chú trọng vào bao bì, cách làm chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Nhiều người sợ ngọt, sợ béo mà hạn chế ăn mứt. Nhưng ngay cả có ăn, nếu muốn tìm vị xưa cũng khó.
Có thể vì những đứa trẻ ngày ấy bây giờ đã vào tuổi trung niên, dư vị của cuộc đời và các món ăn đều đã nếm đủ, nên mứt không còn là sự lựa chọn háo hức của họ nữa. Cũng có thể vì cái vị truyền thống ngày ấy đã nhạt phai đi rồi... Nhưng ngay cả thưởng thức nhiều sơn hào hải vị đến đâu, thì vị mứt tuổi thơ vẫn để lại dấu ấn sâu đậm, khiến nhiều người bồi hồi mỗi dịp Tết đến xuân về.
Tết nay có hàng loạt thức quà, nhưng mứt vẫn tồn tại, vẫn ở đó dù vị thế không còn đặc biệt như xưa. Nói đến mứt, người ta vẫn nghĩ đến Tết. Thứ ăn chơi ngày Tết mà người trưởng thành luôn nâng niu như một vị của tuổi thơ với niềm hạnh phúc rất đỗi ngọt ngào.