Phép màu đêm Giáng sinh và món quà từ ông già Noel, có chăng chỉ dành cho bé ngoan?

Nhã Uyên - Ngày 21/12/2023 00:01 AM (GMT+7)

Nếu như đám trẻ con tôi biết thời ấy, luôn ấp ủ niềm tin rằng ông già Noel sẽ đến vào đêm Giáng sinh với món quà yêu thích, thì phép màu này chưa từng xảy đến với chị em tôi.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà tháng 12 luôn được xem là một trong những thời điểm đẹp nhất năm. Ngay cả khi Sài Gòn chẳng có mùa Đông, không khí tưng bừng, màu sắc lấp lánh của mùa Noel vẫn khiến tôi rung động. Nó lan toả khắp mọi nẻo đường, trong các trung tâm thương mại, hàng quán, len lỏi vào xóm Đạo, lấp đầy căn nhà của những gia đình Công giáo. Và tôi - một người Công giáo - luôn đặc biệt trân trọng ngày lễ này và còn có phần tự hào. Ngay cả khi những ký ức của tôi về mùa Giáng sinh ngày thơ bé không hoàn toàn mang màu sắc mộng mơ.

Không hoàn hảo và lấp lánh như ánh đèn chớp nháy người ta thắp lên, ký ức Giáng sinh của tôi vẫn đầy đủ mọi âm thanh, hương vị... khó có thể quên.

Không hoàn hảo và lấp lánh như ánh đèn chớp nháy người ta thắp lên, ký ức Giáng sinh của tôi vẫn đầy đủ mọi âm thanh, hương vị... khó có thể quên.

Từ ngày lên lớp 1, khi tôi bắt đầu có nhận thức về ngày lễ đặc biệt này, Giáng sinh luôn là thứ dễ dàng được gọi tên bằng những hoạt động cụ thể. Đầu tiên là cùng ba mẹ làm hang đá đón Chúa, sau đó tham dự lễ Giáng sinh và kết thúc chuỗi lễ hội bằng việc cùng gia đình thưởng thức bữa tiệc tối ấm cúng. Dù nghe qua, tôi có vẻ luôn được tận hưởng mùa Noel tưng bừng, nhưng so với đám nhỏ trong xóm, từ điển mùa Giáng sinh của tôi và em gái lại chẳng hề có cái gọi là "quà từ ông già Noel". Đây là điều khiến tôi đến hiện tại, dù đã trưởng thành, vẫn cảm thấy cay nhẹ nơi khoé mắt mỗi khi Đông về.

Thời đó, chẳng cần biết gia đình có theo đạo hay không, thì những đứa trẻ hàng xóm hay bạn học của tôi đều háo hức chờ đến lễ Giáng sinh. Dù không kéo dài như nghỉ Hè hay nghỉ Tết, đặc ân của ngày này chính là được quyền "đặt hàng" ông già Noel. Tôi nhớ mãi hội con nít trong xóm cứ đến tháng 12 lại bắt đầu ra vẻ vâng lời bố mẹ hơn, siêng làm việc nhà hơn và học tập chăm chỉ hẳn chỉ để mong giành được danh hiệu bé ngoan - điều kiện đủ để nhận quà. Và cứ đúng đêm 24/12, bọn nó sẽ nhét lá thư viết điều ước gửi ông già Noel vào chiếc tất để đầu giường, đặt dưới cây thông hay treo cửa sổ rồi đi ngủ với niềm tin rằng sáng hôm sau thức dậy, món quà đó sẽ xuất hiện. 

Tuy nhiên, với tôi và em gái, chẳng rõ từ lúc nào chúng tôi đã được ba mẹ giáo dục rằng ông già Noel không có thật, mà chỉ là một biểu tượng của mùa Giáng sinh. Quà bọn trẻ con trong xóm hay trong lớp nhận được, thật ra là do bố mẹ hay người thân chuẩn bị từ trước. Vì vậy ký ức về ngày Noel của chị em tôi, dường như đã khuyết đi một mảnh phép màu, và len lỏi vào đó một chút ghen tị, thất vọng. 

Nếu như ngày đó, đứa trẻ nào cũng tin rằng ông già Noel là có thật thì chị em tôi đã phải lớn.

Nếu như ngày đó, đứa trẻ nào cũng tin rằng ông già Noel là có thật thì chị em tôi đã phải lớn.

Tuy nhiên, dù ba mẹ đã dạy chị em tôi biết quá sớm về hiện thực rằng chẳng có ông già Noel nào tồn tại trên đời, chẳng có món quà nào dành cho bé ngoan, chẳng có lời hồi đáp nào dành cho những bức thư gửi đi trong ngày Noel…, nhưng tôi tin rằng 2 đứa trẻ chúng tôi, vẫn được nuôi dưỡng bằng những ký ức tuyệt vời của đêm Giáng sinh, trong một gia đình Công giáo. 

Ngày đó, ba mẹ tôi dù bận rộn cỡ nào cũng tranh thủ làm hang đá, trang trí cho căn nhà có chút gọi là đón lễ Giáng sinh. Thay vì sắm hẳn cây thông, treo trái châu lấp lánh và giăng đèn cho thêm lung linh như bao người, ba mẹ tôi luôn làm mô hình mái lá đơn sơ, giản dị của hang đá. Thời thơ ấu của tôi, dường như chẳng có năm nào ba mẹ bỏ qua niềm đam mê này. Bởi vì với họ, đây là cách để thể hiện mình là một người Công giáo hiếm hoi trong xóm nhỏ, và là cách cầu xin ơn trên phước lành. 

Với người Công giáo như chúng tôi, hang đá là biểu tượng cho giá trị thiêng liêng nhất, được tôn kính trong tiềm thức suốt hơn 2000 năm qua.

Với người Công giáo như chúng tôi, hang đá là biểu tượng cho giá trị thiêng liêng nhất, được tôn kính trong tiềm thức suốt hơn 2000 năm qua.

Một truyền thống không thể bỏ qua của người Công giáo đó chính là xem hoạt cảnh và dự lễ đêm Giáng sinh. Dù nội dung của những nghi thức này năm nào cũng giống nhau, thậm chí tôi đã thuộc nằm lòng cả những tình tiết của buổi diễn tái hiện lại câu chuyện nguồn gốc của ngày lễ đặc biệt này, nhưng chưa năm nào tôi không thấy háo hức chờ mặc đồ đẹp, cùng ba mẹ đến nhà thờ. Để rồi sau giờ lễ, các thành viên sẽ tụ họp ở nhà ông bà để ăn uống, kể cho nhau nghe những câu chuyện về cuộc sống đời thường, về Ngày Chúa Jesus sinh ra đời.

Đó là cách gia đình tôi tạo ra những ký ức tuyệt vời vào mùa Noel. Với tôi, chính những kỷ niệm đẹp bên gia đình, những khoảnh khắc rất nhỏ nhưng ấm áp và ý nghĩa ấy đã phần nào lấp vào khoảng trống vô hình của những món quà chưa từng được nhận từ ông già Noel. Và có lẽ vì vậy mà không giống như lũ trẻ khi lớn lên dần cảm thấy mọi ngày lễ trở nên bớt vui hơn, bớt háo hức mong chờ, Giáng sinh vẫn ấm nóng và âm ỉ như cục than trong lòng tôi, chỉ chờ cơn gió nhẹ của tháng 12 thổi lên để bừng lửa. 

Cứ khi ánh đèn Noel được thắp lên trên các con phố, tôi lại thổn thức nghĩ về mùa đẹp nhất trong năm.

Cứ khi ánh đèn Noel được thắp lên trên các con phố, tôi lại thổn thức nghĩ về mùa đẹp nhất trong năm.

Giờ đây, Noel còn chỉ là một ngày lễ phương Tây du nhập vào Việt Nam, hay dịp đặc biệt dành cho những người theo đạo Công giáo. Giáng sinh đã trở thành lễ hội gần như của mọi nhà. Cứ đến khoảng thời gian này, đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh cây thông, người tuyết, ông già Noel... hay dòng người xúng xính váy áo, xếp hàng chờ chụp ảnh dưới ánh đèn lấp lánh. Đây cũng là lúc nhiều gia đình trang hoàng lại căn nhà, tổ chức những bữa tiệc, gặp gỡ người thân và bạn bè. Đặc biệt, Giáng sinh cũng trở thành dịp để người ta quan tâm đến nhau hơn, yêu thương nhau nhiều hơn. Việc nhận và gửi tặng quà Giáng sinh dường như đã trở thành điều quen thuộc giữa những người lớn, không riêng gì con trẻ.

Mãi đến những năm gần đây, khi tìm hiểu về nguồn gốc của phong tục tặng quà Giáng sinh, tôi mới ngỡ ra nhiều điều. Dù có nhiều phiên bản khác nhau, song tất cả đều đại diện cho sự cho đi mà không mong nhận lại, sự hy sinh lợi ích của bản thân để mang đến niềm vui cho người khác. Với người Công giáo, đó là chuyện trong đêm Chúa Jesus ra đời, 3 vị vua phương Đông đã đến trao tặng Ngài: Nhũ hương, Vàng và Mộc dược. Sau này, khi Chúa Jesus chịu đóng đinh lên cây thánh giá và hy sinh cho nhân loại, việc tặng quà đêm Giáng sinh trở thành một biểu tượng tôn giáo mang ý nghĩa dành cho ai đó điều gì mà không cần đáp trả.

Một câu chuyện khác lại kể rằng, từ thời La Mã cổ đại, người La Mã đã có truyền thống tổ chức lễ hội, trao tặng nhau những món quà với câu chúc "Io Saturnalia" (hay "Merry Christmas") nhằm thắp lên sự ấm áp, xua tan cái lạnh giá của đêm Đông khắc nghiệt.

Dù bạn tin vào câu chuyện nào đi chăng nữa, thì truyền thống tặng quà ngày Giáng sinh chính là đại diện cho mong muốn mang đến niềm vui, giúp sưởi ấm tâm hồn và cầu chúc cho nhau những điều tốt lành nhất. 

Chỉ riêng việc dành thời gian nghĩ đến người mình yêu thương và chọn cho họ món quà đặc biệt nhân dịp Giáng sinh đã đủ khiến trái tim tôi ngân nga giai điệu hạnh phúc.

Chỉ riêng việc dành thời gian nghĩ đến người mình yêu thương và chọn cho họ món quà đặc biệt nhân dịp Giáng sinh đã đủ khiến trái tim tôi ngân nga giai điệu hạnh phúc.

Lúc bạn đọc đến dòng này, tôi đang háo hức chuẩn bị gói những món quà nhỏ dành cho dịp tụ họp ăn mừng Ngày Chúa Jesus ra đời cùng gia đình. Song không chỉ riêng họ, tôi vẫn luôn dành cho đứa trẻ bên trong mình một món quà đặc biệt như cái cách tôi giữ cho ngày Noel sống mãi trong tâm trí. Nếu lỡ mùa Đông này bạn vẫn chưa nhận được món quà nào từ những người thân yêu, đừng quên rằng bạn vẫn có thể là "ông già Noel" của chính mình. Bởi tôi tin ông già Noel không có thật nhưng phép màu luôn tồn tại, dù khi còn bé hay là lúc đã lớn lên. Và chính tôi, cũng đang sống như thế, trong niềm hân hoan được làm "bà già Noel" của những người thân yêu, gửi trao đến họ sự ấm áp và niềm vui về ngày lễ đặc biệt ý nghĩa này.

Mong cho bạn và gia đình có một mùa Giáng sinh thật an lành và ấm áp. Ngay cả khi Sài Gòn chẳng lạnh, hãy vẫn luôn tìm kiếm phép màu cùng sự ấm áp cả trong cảnh vật và trong nhau.

Trung thu nay, Trung thu xưa
Trung thu xưa, chúng tôi háo hức từ trước cả tháng, tập múa, làm đèn, đếm ngược từng ngày đợi Rằm tháng Tám. Trung thu nay, đứng giữa đêm hội rộn ràng...

Chạm

Theo Nhã Uyên Ảnh: Tổng hợp MXH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Cổ tích thực ra không chỉ có từ ngày xửa ngày xưa. Mà cả ngày nảy ngày nay, trong những gì ngọt ngào, tử tế.

Mỗi lần đi qua một khu nhà tập thể và nhìn lên, tôi lại nhớ về cái thời mình còn là một đứa trẻ đi học bán trú, leo ra ngoài lồng sắt của...

Thật lạ là khi bé, ta được khuyến khích hãy mơ những giấc mơ thật lớn lao. Nhưng khi trưởng thành, câu chúng ta hay nghe lại là: "Thực tế...

Tin bài cùng chủ đề Chạm