Mai là ngày nhà báo Việt Nam, ngày của chúng em đấy anh ạ”, mới bảnh mắt ra vợ tôi đã rót vào tôi những lời mật ngọt như thế. Thân phận làm chồng, bao nhiêu năm nay làm sao tôi dám quên ngày trọng đại của vợ.
Mà suy cho cùng phụ nữ có quá nhiều ngày trọng đại. Nào là Quốc tế phụ nữ, Phụ nữ Việt Nam, ngày tình yêu, kỷ niệm ngày cưới, kỷ niệm nụ hôn đầu tiên ta trao nhau, kỷ niệm 2 năm, 4 năm ngày em đưa anh về ra mắt bố mẹ…và với một cô vợ nhà báo, tôi có thêm một ngày nữa phải tặng quà.
Ôi chao, thế nên có lần tôi đã viết cho vợ bài thơ rằng: “Mỗi ngày kỷ niệm trôi qua. Anh lại mất một phần quà rất sang”.
“Thế nào, nhà báo nữ của anh hôm nay em thích gì. Tôi vừa trượt xuống giường vừa ném lại một lời đãi bôi với vợ. Tưởng như thường lệ, nàng sẽ nói cho có vẻ quan trọng và không quá vồ vập: Anh cho em mấy phút suy nghĩ. Đàn bà là vậy. Yêu đắm yêu đuối một chàng trai, nhưng khi được ngỏ lời yêu, chỉ muốn lao đến ôm chặt, chiếm dụng người con trai vừa thốt ra lời ấy như sợ nó bay đến tai cô khác mất.
Nhưng rồi cá tính bẩm sinh dặn họ phải kìm lòng lại, thế là đôi mắt lúng liếng, thế là cái tay bứt cái tay, thế là khuôn mặt ửng đỏ, lát sau mới nhỏ nhẻ e thẹn nói rằng: “Anh cho em thời gian suy nghĩ nhé”. Đàn ông nào kém kạnh gì, nghe câu “Anh cho em thời gian suy nghĩ nhé”, kết hợp quan sát cử chỉ hành động là đủ biết câu trả lời của thời gian là như thế nào.
(Ảnh minh họa)
Vợ tôi thì khác, nàng là một nữ nhà báo. Cái nghề đặc biệt tạo ra con người đặc biệt. Cái lần đầu tiên tôi tỏ tình với nàng, tôi nói một câu sặc mùi Internet như sau: “Em, làm mẹ của các con anh nhé”. Nàng nhìn tôi như nhìn một vật thể lạ gắt lên: Điên à, hâm à. Con rơi con vãi của anh thì anh tìm đứa nào đẻ ra mà bắt về làm mẹ, cớ gì bắt em làm mẹ chúng nó. Trúng bài rồi, tôi cầm lấy tay nàng tiếp lời: “Không, ý là những đứa con đó em đẻ ra ấy, em đẻ con với anh nhé”. Hâm, đến cái mở bài cũng chơi trò úp mở, chốt luôn. Anh sẽ xuất bản cho anh một đàn con. Thế đấy, cuộc tỏ tình của chúng tôi diễn ra kém phần lãng mạn như thế.
Bọn bạn tôi thỉnh thoảng tò mò hay hỏi lấy vợ nhà báo thì có gì đặc biệt ?. Đúng là chỉ ở trong cái đặc biệt thì mới biết cái đặc biệt thế nào. Nhưng đặc biệt của việc có một nữ nhà báo trong nhà đôi lúc cũng chẳng lấy gì làm thoải mái. Câu nói phổ biến nhất ở nhà tôi là quan điểm. Thật ra toàn là câu nàng nói. Đi làm về, nàng lại ném cho tôi một bài báo hoặc của nàng hoặc của ai đó rồi hỏi: Quan điểm của anh thế nào ?. Quan điểm của anh à, cứ phải nấu ăn đã. Bố con anh đói lắm rồi. Quan điểm của anh về bài này thế nào ?. Quan điểm của anh là khi chưa có ăn, bụng sẽ đói.
Trở lại việc lúc sáng, hôm nay nàng không cần thời gian suy nghĩ, nàng đã ném ra cho tôi một bảng kê các món quà cần được tặng trong ngày 21-6. “Gì mà nhiều thế này?”. Tôi hét lên. Vợ tôi vẫn bình tình trả lời: Năm nay kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam đấy anh, quà nó cũng phải tương xứng với ngày trọng ấy chứ.
Trong nhà, vợ tôi luôn luôn đúng. Trong nhà, lý lẽ của vợ tôi luôn là chân lý cuối cùng. Điều này đã trở thành nguyên tắc trong nhiều gia đình. Còn trong gia đình tôi, nó càng được đề cao. Còn gì đau khổ hơn phải nghe một cô vợ nói nhiều, mà ở đây là nói nhiều của một nữ nhà báo.
Lấy vợ nhà báo, có nghĩa là phải chấp nhận với những chuyến đi xa vắng nhà, toàn là đột xuất. “Em đi nhé, công tác”. Tin nhắn của nàng vừa nhảy vào máy tôi khi tôi đang ở cơ quan. “Bao giờ em đi ?”. Tôi hỏi. Nàng đáp:”Ngay bây giờ”. Bao giờ em về, vẫn tôi hỏi. Vẫn nàng đáp: Không biết bao giờ.
Lấy vợ nhà báo phải chấp nhận ngôn ngữ của nhà báo, kiểu như: Khi em đang phát sóng, anh không được chèn sóng. Chồng, chúng mình xuất bản thêm một thằng con trai nữa nhé. Hoặc nửa đêm, nàng bận dậy, nhìn vào không trung mờ ảo, rồi cuống cuồng bật máy tính lên, lúi húi viết như một kẻ lên đồng.
Lấy vợ nhà báo, thỉnh thoảng bạn sẽ nhận được bài thơ kiểu này kẹp trên cửa khi nàng đi công tác:
“Đừng giận em bởi những chuyến đi xa
Nụ hôn vội, bao lời chưa kịp nói
Đồ ăn sẵn, em đã vừa mua mới
Bố con anh ở nhà, cố sống đợi em về”.