Nghe chị em kể, 3 chục triệu không đủ tiêu tết, 2 chục triệu còn thiếu thốn, tôi lại cảm thấy chạnh lòng.
Nghĩ rằng, nếu người ta không có tiền, làm cả tháng mới được 2 triệu, 3 triệu thì thử hỏi họ lấy đâu ra tiền mà tiêu Tết hoang phí như một số người. Thế nên, thiết nghĩ, tiêu nhiều hay ít là do mình, tự điều phối được. Đừng đổ cho thời đại, đừng đổ cho xã hội cũng đừng cứ chỉ biết ngồi than vãn này kia. Có ít tiêu ít, có nhiều tiêu nhiều, ít tiêu kiểu ít, giàu tiêu kiểu giàu. Con người vốn khó mà đạt tới chữ ‘đủ’.
Nghĩ lại ngày trước đi làm, lương mới ra trường, khởi điểm hơn 1 triệu. Ngày đó, cũng thuê nhà, cũng tiền ăn tiền uống như ai. Dù là kinh phí không đắt đỏ như bây giờ nhưng mà so ra thì cũng không chênh lệch là bao, vậy mà vẫn tiêu được đó thôi. Tất nhiên có lúc túng thiếu cũng phải đi vay, nhờ tới bạn bè hỗ trợ vài đồng rồi tháng sau lại trả nhưng mà, khoản ấy không đáng. Vì bản thân ý thức được, tiền ít tiêu theo kiểu ít.
Lương hơn triệu, tiền nhà ở chung với bạn bè, điện nước dùng tiết kiệm. Không điều hòa, không máy giặt, không dùng đồ điện, chỉ dùng bếp ga mini, một nồi cơm điện nhỏ. Hai đứa chia nhau tháng vài trăm tiền nhà. Tiền điện thì hàng tháng bắc ghế lên xem bao nhiêu số, nước cũng đo từng khối một, tính toán với chủ nhà chi li từng đồng để không bị hao hụt. Đó, tiền ăn thì tiết kiệm, ăn bao nhiêu mua từng ấy, không hoang phí mời bạn bè, không tụ tập bia bọt, rượu chè, cũng gọi là tạm đủ. Dư giả thì không có nhưng cuộc sống cũng ổn, còn điều kiện để trụ lại thành phố.
Bạn tôi than vãn, ‘tao 3 chục triệu, hai vợ chồng chắc không tiêu nổi cái Tết này’, tôi cười buồn. Vì nghĩ đến mình mà chạnh lòng. (ảnh minh họa)
Tiền không có nhiều thì mừng cưới 200, không như bây giờ toàn 1 triệu, ít cũng 5 trăm. Vẫn đủ… Tất nhiên, hồi đó 2 trăm giá trị bằng gần 5 trăm bây giờ, nhưng ai bảo bây giờ không thể mừng được mức 2 trăm, 3 trăm. Nếu mừng được mức đó thì sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá. Nhưng cứ thích mừng trội, chơi sang nên hạch toán ra cũng mất cả vài triệu tiền cưới nếu như một tháng ấy mà bạn bè cưới đông. Bảo sao không tốn kém, không có tiền tiêu Tết?
Bạn tôi than vãn, ‘tao 3 chục triệu, hai vợ chồng chắc không tiêu nổi cái Tết này’, tôi cười buồn. Vì nghĩ đến mình mà chạnh lòng. Sao bạn bè lắm tiền vậy mà lại nghĩ không có tiền tiêu Tết? Vậy chúng bạn sắm những gì, mua những gì? Có phải là biếu bố mẹ khoản hậu hĩnh, có phải là mua cây đào to vài triệu, cây quất cũng vài triệu? Có phải là mừng tuổi bố mẹ tầm vài trăm, các cháu lắt nhắt cũng tiền trăm? Thế thì đừng hỏi tại sao không đủ tiền tiêu Tết!
Như vợ chồng tôi đây, tôi xác định, mình chưa có nhiều, làm thế nào để gọi là có chút ít để bố mẹ vui lòng, con cái sum vầy là được. Biếu bố mẹ món quà, hoặc về tận quê mua biếu bố mẹ cây đào nhỏ, coi như là quà Tết. Mừng tuổi không có nhiều thì 1 trăm cho bố mẹ. Các cháu thì đứa 2 chục, đứa 5 chục, vậy cũng là lịch sự rồi. Ai bảo nhiều tiền là lịch sự, ai bảo mừng tuổi to là thể hiện tấm lòng? Thế những người không có tiền biếu bố mẹ, không có tiền mừng tuổi các cháu hậu hĩnh thì không có tấm lòng cả sao? Mình mừng ít cũng là tấm lòng của mình và nếu là người thân, ắt họ sẽ hiểu được hoàn cảnh của mình.
Mình mừng ít cũng là tấm lòng của mình và nếu là người thân, ắt họ sẽ hiểu được hoàn cảnh của mình. (ảnh minh họa)
Nhiều người Tết cứ sắm tràn lan, bánh kẹo mua toàn đồ xịn, rồi toàn dùng hàng sang trọng thì thử hỏi, làm sao không kêu túng thiếu? Nếu cứ vung tay quá trán như vậy, tiền bao nhiêu cho vừa? Bạn bè tôi, cũng người này người kia, kiếm được khối tiền nhưng vẫn than Tết không có tiền, hoặc là tiêu Tết là hết sạch. Nghĩ lại thấy tủi phận mình. Vì mình không có nhiều tiền.
Năm nay 2 vợ chồng chỉ có vẻn vẹn 10 triệu, tôi thấy thế là khá ổn và tôi cũng bàn với chồng, tiêu pha hợp tình hợp lý, cái gì cần thiết thì mua, không cần thiết thì thôi, hoặc hạn chế. Chứ tết nhất, ai chẳng muốn sắm cho nhiều, sắm cho sang.
Tính ra, với 10 triệu, tôi biếu bố mẹ mỗi nhà 1 triệu, hoặc là mua món quà trị giá 1 triệu để biếu bố mẹ. Quà 1 triệu cũng là khá lớn rồi, đâu phải là quà nhỏ đâu. Mình không có tiền thì không chọn rượu Tây 1 triệu, không có tiền nhiều thì có thể chọn mua đồ thờ, cúng, hoặc là quy ra các món quà hay dùng ngày Tết bia, rượu, nước ngọt... 1 triệu mua được khá đấy! Tính ra là còn 8 triệu. Mừng tuổi bố mẹ mỗi người 2 trăm cho có lộc. Các cháu mừng tuổi mỗi đứa 5 chục, vị chi ra chưa hết 1 triệu tất tần tật tiền mừng tuổi... Còn lại 7 triệu.
Cứ nghĩ là người ta không có tiền vẫn có Tết vui, Tết ấm thì mình tại sao không thế nhỉ?
(ảnh minh họa)
Với 7 triệu này, tiền đi lại cứ cho là hết 1 triệu đi, còn lại 6 triệu cũng có thể tha hồ tiêu pha các khoản khác. Phát sinh nhậu nhẹt với bạn bè, đóng góp thêm vào, nhiều cũng chỉ mất 2 triệu cả hai vợ chồng. Tính đi tính lại, mình chọn 1 nơi ăn Tết, nhà nội hoặc nhà ngoại thì góp thêm biếu bố mẹ tầm 1-2 triệu nữa vì cũng coi như là nhờ vả bố mẹ. Tính ra vẫn còn dư ra đôi triệu. Vậy có phải là tiết kiệm không?
Đấy, tôi tính rồi, 10 triệu, vợ chồng tôi cũng sẽ có một cái Tết vui, xông xênh bên gia đình, bố mẹ. Nhưng mà nếu cho tôi 3 chục triệu, tôi cũng có thể tiêu được với mức sang hơn, hoang phí hơn. Vậy mới nói, ít tiền hay nhiều tiền là việc phụ thuộc vào mỗi người, mỗi gia đình. Mình ít thì tiêu ít, mình nhiều thì tiêu nhiều. Nếu mà cứ tính nhiều ít mãi thì thật sự khó lắm. Chẳng biết bao giờ mới gọi là đủ đây!
Cứ nghĩ là người ta không có tiền vẫn có Tết vui, Tết ấm thì mình tại sao không thế nhỉ? Tiền đâu hẳn là món quà quan trọng nhất, không có thì dùng hiện vật, quà cáp, chẳng ai trách được mình. Mà có trách thì cũng phải chịu, vì tôi đây chẳng có điều kiện giàu sang như người ta...
Xem thêm bài liên quan: 10 bí quyết tuyệt vời để sắm Tết thông minh và tiết kiệm Cách sắm Tết chỉ với 10 triệu đồng của vợ chồng tôi |