Đây là những câu chuyện "học" được của Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Hà Huy Khoái, cựu Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam sau khi đi dạy ở vùng cao.
Cựu Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam Hà Huy Khoái chia sẻ: "Những mẩu chuyện có thật, mặc dù có thể ai đó nói là “không điển hình”, vẫn giúp ta có cái nhìn toàn diện hơn về giáo dục. Không nên chỉ nhìn loanh quanh ở mấy thành phố lớn. Cũng không thể chỉ “nhìn ra thế giới” rồi phán những điều rất thông thái về giáo dục Việt Nam. Thỉnh thoảng cũng nên ngó một chút về vùng sâu, vùng xa, nơi “khỉ ho cò gáy”.
Cựu Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam Hà Huy Khoái
Dưới đây là 4 mẩu chuyện bi hài của Giáo sư Hà Huy Khoái viết về giáo dục vùng cao:
Chuyện thứ nhất: Thi tốt nghiệp
Hôm nay, học sinh kết thúc kỳ thi tốt nghiệpTHPT trong nắng nóng. Lại nhớ chuyện mấy thầy cô giáo cùng cao (học viên cao học) kể. Chuyện thật mà như đùa. Đến gần ngày thi tốt nghiệp rồi mà vẫn còn mấy học sinh không thấy bóng dáng đâu. Liên lạc không được, các thầy cô về tận bản để tìm. Hóa ra các cậu học sinh đó vẫn tranh thủ lên nương.
Biết thầy cô đang “săn”, các em lẩn trốn như con nai, con hoẵng. Thỉnh thoảng, có thầy phát hiện ra em học sinh đang trốn, reo lên vui mừng: ”Nó kia kìa”! Rồi nháo nhào chia nhau các ngả để bắt về thi cho kỳ được.
Các thầy cô bảo: "Biết là sai, nhưng vào phòng thi vẫn phải làm giúp học sinh. Không thế, chúng nó đỗ thế nào được. Mà thế thì năm sau lại chẳng có em nào đến trường. Chẳng lẽ vùng cao không có học sinh”?
Hình như các thầy cô đó lờ mờ nhận thấy mình buộc phải làm sai để chữa cái sai của ai đó, lớn hơn. Danh hiệu “nhà giáo nhân dân” có lẽ chỉ nên dành cho những thầy cô giáo vùng cao. Nghe chuyện họ kể mà cứ thấy ngèn nghẹn. Không cười được.
Chuyện thứ hai: Học phí
Giờ giải lao, chuyện với một học viên cao học, là thầy giáo vùng Lục Ngạn, Bắc Giang:
- Ở chỗ em, học sinh nghèo lắm thầy ạ, nhiều em đến kỳ không xin nổi bố mẹ tiền học phí.
- Thế không được miễn à?
- Vẫn chưa đủ tiêu chuẩn! Bọn em phải nộp giúp chúng nó. Nếu lớp không nộp học phí thì em mất điểm thi đua, mà cũng sẽ bị chậm lên lương.
- Lương đã ít, lấy gì bù? Dạy thêm à, nghe nói bị Bộ cấm rồi chứ?
- Ôi thầy ơi! “Dỗ” chúng nó đến lớp để mình dạy còn chẳng xong, nói gì dạy thêm. Được cái vùng em nhiều vải. Mùa vải, đến vườn người ta lấy vải mang ra chợ bán. Một buổi đi dạy, một buổi bán vải, cũng tạm ổn. Với lại, ở miền núi thì cũng ít tiêu pha.
Danh hiệu “nhà giáo nhân dân” có lẽ chỉ nên dành cho những thầy cô giáo vùng cao. (Ảnh minh họa)
Chuyện thứ 3: Vay... học trò
- Thấy ơi, ở chỗ em có chỉ tiêu mỗi năm, mỗi giáo viên phải vận động được một số nhất định học sinh mới đến trường thầy ạ.
- Không đạt chỉ tiêu thì thế nào?
- Lại mất điểm thi đua, lại chậm lương. Nhưng mà bọn em cũng có cách!
- Cách gì?
- Này nhé, giả dụ chỉ tiêu là phải vận động được 5 em, mà năm nay em vận động được 8 em. Nếu để nguyên “thành tích” như thế thì được khen. Nhưng em cho các bạn trong tổ “vay” 3 em, để bù nếu họ bị thiếu hụt. Năm sau, không may “thất bát” mà chỉ vận động được 2-3 em chẳng hạn, thì em lại đòi nợ! Nghe như chuyện đùa, mà thấy muốn khóc. Không chỉ vì thương những thầy cô giáo đó…
Chuyện thứ tư: Chỉ còn cách... tâm thần
- Thầy ạ, muốn được đạt tiêu chuẩn này nọ, thì tỷ lệ học sinh đến lớp trên tổng số học sinh trong danh sách phải rất cao. Mà trên thực tế thì ở vùng cao, tỷ lệ này thấp lắm. Vì thế, mỗi lần có đoàn kiểm tra xuống, bọn em phải tìm cách làm sao những em nghỉ học phải có lý do “bất khả kháng”.
Nhiều khi phải cho một vài em “mắc bệnh tâm thần”, nghỉ học dài hạn! Cũng sợ phụ huynh biết, họ mắng là ghi con họ tâm thần. Nhưng còn sợ đoàn kiểm tra hơn. Cứ đối phó mãi thế này, bọn em cũng lo rồi mình…tâm thần mất!”
Học sinh không tâm thần. Thầy cô giáo chưa tâm thần. Những chuyện thế này có thể làm cả xã hội “tâm thần”. Chắc cũng phải có ai đó tâm thần rồi chứ nhỉ?
Hà Huy Khoái (sinh ngày 24/11/1946) là Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học ngành toán học của Việt Nam. Năm 1967, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội chuyên ngành toán học. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1978 và là tiến sĩ khoa học năm 1984 tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Ông được phong chức danh Phó giáo sư năm 1984 và Giáo sư năm 1991. Từ năm 2001-2007 ông là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam. Năm 2004, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba. (Theo wikipedia) |