"Địa ngục trần gian" khiến cô đau đớn, sống không bằng chết. Nơi ấy chính là ngôi nhà có gã chồng vũ phu và người mẹ chồng khó nết. Cuộc đời Hằng cũng từ đây là chuỗi bi kịch...
Âm mưu thâm độc
Nguyễn Thị Hằng (SN 1972, xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh chị em, cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng ít ỏi. Những lúc mất mùa, cả gia đình lại phải chạy vạy khắp nơi để lo ăn từng bữa. Chị là người thông minh, học giỏi nên được bố mẹ cho ăn học đầy đủ. Sau khi ra trường, chị đã được nhận vào dạy học một trường mầm non gần nhà. Ngày ấy, đồng lương của người giáo viên chẳng được là bao, mỗi mùa gặt xã lại trả cho một ít lúa nên cuộc sống bộn bề khó khăn.
Năm đó, vào một ngày cuối tháng 5/1991, người anh họ khuyên Hằng nên bỏ nghề giáo viên, anh ta sẽ giới thiệu Hằng lên làm tại quán cơm phở ở Lạng Sơn với mức lương 150.000 đồng/ tháng. Ngày ấy, đó là mức lương khá cao, có thể giúp đỡ bố mẹ và các em khỏi cuộc sống khó khăn, nghèo đói. Vì thương bố mẹ, thương các em nhỏ, Hằng đã suy nghĩ và khóc rất nhiều nhưng rồi chị vẫn quyết định theo anh họ đến nơi đất khách quê người để làm công việc mới, kiếm được nhiều tiền hơn.
Ngay hôm sau, Hằng đã trốn gia đình, người yêu, khăn gói theo anh họ lên Lạng Sơn với hi vọng tìm được công việc thu nhập khá, có thể hỗ trợ bố mẹ nuôi các em ăn học. Người anh họ đưa Hằng xuống Hà Nội, sau đó hai anh em ngủ lại đó một hôm rồi sáng hôm sau bắt xe khách lên Lạng Sơn sớm. Hằng tin tưởng anh, người cô lại mệt phờ sau 2 ngày rong ruổi, hết lên xe rồi lại chuyển xe nên lăn ra ngủ. Sáng hôm sau tỉnh dậy Hằng không thấy anh họ đâu cả, lúc ấy, tâm trí chị hoảng loạn, định đi tìm người anh họ thì bị một đám người chặn lại, bảo cô đã bị bán.
Hằng khóc lóc, van xin mấy thanh niên xăm trổ kia để được tha về nhưng đều vô ích. Hôm sau, Hằng bị một bà chủ mà người anh họ bán cho đã ép cô vượt biên sang Trung Quốc. Vì nhớ nhà, sợ hãi nên Hằng khóc lóc suốt ngày, mắt mũi sưng húp, người gầy rộc… khách đến nhìn thấy đều lắc đầu, không mua. Chủ ghét Hằng ra mặt vì mua với giá cao mà chẳng bán được. Mãi 10 ngày sau mới có một người phụ nữ đến hỏi mua Hằng.
Hằng kể: “Đến ngày thứ 10 ở Trung Quốc, tôi gặp một người đàn bà nói thông thạo tiếng Việt. Bà ta bảo: “Tao là người Việt, sang đây từ năm 1975, lấy chồng và có 3 người con. Đứa con trai út của tao năm nay 22 tuổi, nếu mày đồng ý thì tao mua mày về làm dâu nhà tao. Mày cứ ở đây, khóc lóc suốt ngày, nó không bán được thì lại đưa vào nhà chứa, sống khổ sở, nhục nhã lắm. Mày mới sang, không biết tiếng, làm con dâu tao, có gì tao bảo ban. Sau này biết tiếng, tao cho về Việt Nam thăm nhà”. “Nghe bà ấy nói bùi tai, tôi đồng ý. Lúc đó, cũng chẳng nghĩ được nhiều, thấy đồng hương thì nhắm mắt đưa chân, còn hơn là bị bán vào nhà chứa”.
Chuỗi ngày tủi hận
Ở được mấy hôm, Hằng bắt đầu thấy cuộc sống tủi nhục khi mẹ chồng lộ mặt gian ác. Chồng thì ít học, lại là người vũ phu nên cuộc sống của Hằng chẳng khác gì bi kịch. Hằng phải làm việc quần quật như con ở. Có hôm, 1h đêm Hằng mới được ngủ, 3h sáng đã phải dậy bắt đầu ngày làm việc mới. Sống với chồng 6 năm trời mà Hằng không có con, chồng công khai mang người phụ nữ khác về ngủ trước mặt mà không dám hé răng nửa lời, cô chỉ biết cắn răng chịu đựng. Mặc dù chồng Hằng qua lại với rất nhiều phụ nữ trong suốt một thời gian dài như vậy mà không có ai trong số đó có thai. Chính vì lý do đó, nhà chồng đã đổ mọi tội lỗi lên đầu chị, cho rằng Hằng là nguyên nhân của những chuyện không may mắn nên ngày càng ghét bỏ chị hơn.
Chị Hằng kể lại chuỗi ngày khổ hạnh nơi xứ người
Thời gian cứ thế trôi đi, đến khoảng năm 1997, may mắn mỉm cười với chị khi chị biết mình mang thai đứa con đầu lòng. Không dám tin sự thật đó, chị không dám hé răng nói với bất kì ai. Đến khi cái thai được 5 tháng, chị mới quyết định đi khám và khi biết chắc mình đã có con chị mới mừng mừng tủi tủi về thông báo với gia đình chồng.
Trái với ý nghĩ của chị, chồng và gia đình chồng phản ứng rất tiêu cực, đặc biệt khi biết giọt máu trong bụng chị là con gái. Họ cho rằng Hằng đi ngoại tình nên mới có con chứ vợ chồng sống với nhau 6 năm trời mà có con được đâu. Dù có thai nhưng Hằng vẫn phải làm việc quần quật cho đến tận lúc sinh con. Hôm nhập viện, chồng chị cũng không thèm đến. Lúc vượt cạn xong, Hằng nhận được điện thoại của chồng xác nhận đứa bé là trai hay gái, khi biết đứa bé là con gái anh ta tắt máy luôn.
Thời gian thấm thoát trôi đi, đến năm 1999, Hằng có thai đứa con thứ 2 và cũng là con gái. Nhà chồng chỉ khao khát có cháu trai nên không quan tâm gì đến mấy mẹ con của Hằng. Chị kể: “Đến năm 2006, tôi sinh được một đứa con trai nhưng đứa bé đoản mệnh và mất ngay sau đó vài ngày. Chưa hết đau đớn vì mất con, tôi đã phải chịu những trận đòn ác liệt của người chồng vũ phu bởi hắn cho rằng tôi chính là khắc tinh gây nên cái chết của đứa bé. Bị đánh nhiều quá, tôi lo không sống nổi nên vùng lên để chạy.
Lúc đó trời đã tối, người lại mệt nên tôi không thể chạy nhanh được, hôm đó lại mưa, đường trơn nên tôi ngã liên tục, người đàn ông khỏe mạnh không khó khăn để bắt được tôi. Đang cơn điên, hắn lao vào đánh tôi túi bụi, bắt phải bò về nhà. Đến gần sân, không chịu được nữa nên tôi ngất đi. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên sàn nhà ở phòng ngủ, quần áo ướt sũng, đầy đất. Ngẩng mặt lên nhìn xung quanh, tôi chết lặng khi nhìn thấy chồng đưa gái về nhà ngủ, ngay trước mặt và trên chính chiếc giường của tôi...”
Tiếp tục câu chuyện với PV, chị Hằng kể: “Đến năm 2007, tôi mang thai đứa nhỏ thứ 4. Khi biết đứa trẻ là con gái, mọi người trong gia đình chồng vô cùng thất vọng và liên tục ép tôi phải bỏ cái thai đó đi. Người ta nói “hổ dữ còn không ăn thịt con” huống chi tôi là một người mẹ, không thể nhẫn tâm giết con mình được. Khi về nhà, tôi tiếp tục bị chồng đánh một trận đòn đau vì không chịu bỏ thai. Tôi cầu xin anh ta cho sinh đứa bé, sau này sẽ cho nó đi để người ta nuôi nấng chứ mình không nuôi. Rồi anh ta ra điều kiện, muốn giữ lại cũng được nhưng đẻ xong phải cho ngay… đó thực sự là những ngày tháng kinh khủng nhất trong cuộc đời của tôi”.
Cuộc "đào tẩu" trong sợ hãi
Đến đầu năm 2010, Hằng bắt đầu thực hiện kế hoạch bỏ trốn. Hằng thuật lại: “Nhà chồng ở trên núi, cách xa trường đứa con gái đầu và đứa con gái thứ hai theo học khoảng 40km. Hôm đó, tôi lấy cớ đứa 2 đứa nhỏ lên trường nhập học sau kì nghỉ tết, tôi bảo sẽ cõng đứa nhỏ đi cùng, coi như cho con đi chơi và để chồng ở nhà làm việc gì thì làm. Được chồng đồng ý, lúc ấy tôi vội vàng đi ngay. Đi bộ đến đường lớn, tôi cùng 3 đứa con bắt taxi chạy một mạch ra đến cửa khẩu Lạng Sơn. Lúc đó, tiếng đã thông thạo và tôi cũng bí mật tích cóp được một số tiền kha khá sau vụ mía cuối năm nên chi phí đi lại dễ dàng hơn.
Đi taxi đến cửa khẩu, tôi phải nhờ mấy bà cụ gần đó đưa mấy đứa bé theo đường núi để vượt biên. Vì nếu đi theo đường chính, chắc sẽ bị Biên phòng phía Trung Quốc giữ lại, kế hoạch chạy trốn coi như không thành. Nếu tôi một mình đưa con sang, thứ nhất không biết đường, thứ 2 là rất dễ bị nghi ngờ là bắt cóc trẻ con. Mấy bà cụ ở đây lâu, đã quen mặt công an, biên phòng thì qua được dễ dàng. Cũng thật may mắn, sau khi biết chuyện của tôi, mọi người đã giúp đỡ rất nhiệt tình và cuộc chạy trốn của tôi trót lọt. Qua biên giới, tôi quyết định liên lạc với gia đình chồng báo mình đã trở về Việt Nam cùng 3 con, bảo họ đừng mất công tìm kiếm. Sau đó, tôi bắt xe khách đưa con trở về quê hương…”
Chị Hằng đưa con về trong sự bất ngờ của gia đình, hàng xóm sau gần 20 năm mất tích. Về đến nhà, mọi người trong gia đình ai cũng khóc, thương cho số phận của chị và mừng vì chị đã may mắn thoát khỏi nơi “địa ngục trần gian” đó. Sau những tháng ngày tủi nhục, chị lại trở về trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, của các anh chị em. Một cuộc sống mới mở ra trước mắt, dù chắc chắn có nhiều khó khăn nhưng Hằng tin vì các con, chị sẽ có động lực vượt qua được hết.
“Tên nhân vật đã được thay đổi”