Chị em thi nhau trữ thực phẩm mùa giãn cách nhưng rã đông sai lầm, cả nhà dễ rước bệnh

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 30/07/2021 09:33 AM (GMT+7)

Muốn hạn chế ra ngoài khi không cần thiết và mong cả nhà luôn có bữa ăn đủ đầy, các gia đình cố trữ nhiều thực phẩm nhưng nếu mắc một số sai lầm khi rã đông để chế biến, bạn có thể khiến vi khuẩn sinh sôi, gây hại cho sức khỏe.

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, không ít gia đình vì lo sợ thiếu thực phẩm nên đã đi chợ, siêu thị mua vô số loại rau, thịt, cá về trữ đông dùng dần.

Các chuyên gia dinh dưỡng và thực phẩm cảnh báo việc này không nên vì thực phẩm để lâu không chỉ mất giá trị dinh dưỡng mà nếu bảo quản, rã đông không đúng cách trước khi nấu có thể gây tổn hại đến sức khỏe.

Trữ đông thực phẩm lâu sẽ mất giá trị dinh dưỡng

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết việc cấp đông thực phẩm trong tủ lạnh là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại, vì tiết kiệm được thời gian đi chợ. Tuy nhiên, dưới góc độ dinh dưỡng, PGS Lâm vẫn khuyến cáo người dân nếu có thời gian nên dùng thực phẩm tươi, bữa nào ăn bữa đó là tốt nhất.

Trong bối cảnh dịch bệnh nhiều người mua rất nhiều loại thực phẩm khác nhau để cấp đông. Đây là việc làm không cần thiết, vì thực phẩm tươi sống không hề thiếu. Điều quan trọng nữa đó là thực phẩm tự cấp đông không nên để quá một tuần.

Tích trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh là tuyệt đối không nên.

Tích trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh là tuyệt đối không nên.

“Dù thực phẩm cấp đông có thể bảo quản thời gian dài hơn một tuần không bị hỏng, nhưng nếu cấp đông quá lâu không sử dụng thực phẩm sẽ mất dần chất dinh dưỡng, khi ăn không còn nhiều giá trị. Đặc biệt là các loại rau xanh, bảo quản lâu trong tủ lạnh khi nấu chỉ còn chất xơ, vitamin còn rất ít”, PGS Lâm chia sẻ.

Sai lầm khi rã đông thực phẩm dường như ai cũng gặp

Thực phẩm cấp đông trong tủ lạnh khi nấu sẽ phải trải qua quá trình rã đông. Tuy nhiên vì rất nhiều lý do có thể do vội, học theo mẹo rã đông trên mạng,… mà mỗi người có cách rã đông khác nhau, nhưng đa số là sai cách khiến thực phẩm không chỉ mất dinh dưỡng, mà còn có nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập gây hại cho sức khỏe.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết không chỉ rã đông mà ngay từ quá trình cấp đông nhiều gia đình cũng phạm phải sai lầm.

Sai lầm 1: Bảo quản nguyên con, cả tảng thịt. Không ít gia đình khi mua được thực phẩm như thịt lợn, bò, gà, cá về thường để thành miếng lớn, hoặc để cả con (với gà, cá) để cấp đông. Khi rã đông vừa mất nhiều thời gian, rã đông xong lại cắt đủ khẩu phần ăn rồi tiếp tục cho vào tủ lạnh cấp đông tiếp.

Điều này là một sai lầm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe vì khi thực phẩm rã đông mềm ra, ở môi trường bình thường sẽ bị vi khuẩn tấn công gây nên hiện tượng ôi thiu, nếu cấp đông tiếp chất lượng thịt giảm rất nhiều. Sau đó, miếng thịt nấu sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí gây ngộ độc, tiêu chảy.

Rã đông trong lò vi sóng là một sai lầm.

Rã đông trong lò vi sóng là một sai lầm.

Sai lầm 2: Rã đông bằng lò vi sóng. Để nhanh có thực phẩm chế biến trong bữa ăn, không ít người lấy thực phẩm trữ đông ra cho vào lò vi sóng để rã đông. Nhiều người cho rằng việc làm này vừa nhanh vừa tránh vi khuẩn xâm nhập.

Tuy nhiên, việc rã đông này sẽ khiến cho miếng thịt bị chín ép mặt ngoài, trong khi phía trong vẫn còn đông cứng. Điều đó sẽ làm giảm chất lượng thực phẩm đi rất nhiều. Đặc biệt khi nấu thực phẩm sẽ không chín đều nhau, ảnh hưởng đến chất lượng món ăn.

Sai lầm 3: Ngâm trong nước hoặc xối nước nóng. Đây là cách rã đông thường gặp nhất ở cả vùng nông thôn và thành thị và ít người biết rằng đó là một sai lầm. Vì rã đông bằng cách ngâm nước ngoài việc bị vi khuẩn xâm nhập, các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm cũng bị hòa tan trong nước.

Đối với việc rã đông bằng nước nóng cũng khiến cho dinh dưỡng bị mất đi và làm chín bề mặt thịt phía ngoài nhưng không tan hết phần đông cứng phía trong.

Ngâm nước dã đông khiến vi khuẩn dễ xâm nhập.

Ngâm nước dã đông khiến vi khuẩn dễ xâm nhập.

Bảo quản và rã đông như thế nào là hợp lý

Theo tư vấn của PGS Nguyễn Duy Thịnh, cách bảo quản và rã đông hợp lý là:

- Chỉ trữ lượng thực phẩm vừa đủ dùng 5-7 ngày, không nên tích trữ quá nhiều đồ ăn và để quá lâu.

- Cần ước lượng chia lượng thực phẩm theo nhu cầu sử dụng của gia đình cho từng bữa rồi mới cấp đông. Tuyệt đối không cấp đông cả tảng thịt lớn.

- Đối với các đồ chế biến sẵn như giò, chả…khi bảo quản cần để riêng, không nên đặt cùng các thực phẩm sống khác.

- Rã đông an toàn và khoa học nhất là phải lên kế hoạch ăn uống của từng bữa. Ví dụ như sáng ăn thịt lợn, tối ăn thịt gà thì cần phải bỏ thịt lợn từ ngăn đá xuống ngăn mát từ tối hôm trước, để sáng hôm sau nấu. Đồng thời, tối ăn thịt gà thì cần chuyển khẩu phần thịt từ ngăn đá xuống ngăn mát từ sáng để tối về chế biến.

Việc cho thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn mát sẽ khiến quá trình rã đông diễn ra từ từ, không làm mất dinh dưỡng. Hơn nữa môi trường trong tủ lạnh cũng sẽ hạn chế được vi khuẩn hơn môi trường bên ngoài (dù không thể tuyệt đối).

- Khi chuyển xuống ngăn mát, thực phẩm cần phải bảo quản kín để tránh gây mùi hoặc ảnh hưởng các thực phẩm khác đang được bảo quản ở ngăn mát (có thể cho vào hộp đạt tiêu chuẩn, túi zíp…).

- Thịt sau khi rã đông nên chế biến ngay lập tức, tuyệt đối không được đem cấp đông trở lại.

Đừng tích trữ mì ăn liền, phòng chống dịch COVID-19 tại nhà nên mua 9 thực phẩm này
Thay vì mua mì ăn liền tích trữ tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội, mọi người mua 9 loại thực phẩm dưới đây vừa để được lâu, lại đảm bảo dinh...

Dịch COVID-19

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm