Suckhoedoisong.vn xin giới thiệu với bạn đọc những chia sẻ của PGS.TS.BSNT Hoàng Thị Lâm - Trưởng bộ môn Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Dị ứng, Miễn dịch & Da liễu, Bệnh viện E, Chủ tịch chi hội Dị ứng Miễn dịch Y học giấc ngủ về vấn đề này.
Dị ứng với các thức ăn, hóa chất, thuốc... là vấn đề thường gặp, được nhiều người quan tâm. Dưới đây là ý kiến của PGS.TS. Hoàng Thị Lâm, trưởng bộ môn Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, trường Đại học Y Hà Nội, trưởng khoa Dị ứng Miễn dịch Da liễu bệnh viện E chủ tịch chi hội Dị ứng Miễn dịch Y học giấc ngủ về vấn đề dị ứng với vắc xin.
Vắc xin ngừa COVID-19 có vai trò tạo miễn dịch để giúp cơ thể phòng tránh bệnh COVID-19. Khi tiêm vắc xin, phần lớn các trường hợp, sẽ tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể phòng nhiễm COVID-19 mà không có tai biến nào.
Những bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc, nhưng không nhớ rõ tên thuốc, hoặc những bệnh nhân dị ứng với vắc xin, cần khám bác sĩ dị ứng trước khi tiêm vắc xin để đề phòng bệnh nhân dị ứng với thành phần PEG, hoặc polysorbate 80. |
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sẽ có những tác dụng không mong muốn khi đưa vắc xin vào cơ thể. Những tác dụng không mong muốn này này đa phần đều thoáng qua và hết trong vòng 2-3 ngày sau khi tiêm. Các phản ứng tại chỗ tiêm có thể là sưng, nóng đỏ, đau. Các triệu chứng toàn thân tiếp theo có thể là mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, sốt, run, nôn hoặc buồn nôn.
Các triệu chứng này đều do tác dụng tạo miễn dịch bảo vệ của vắc xin mà không phải do nguyên nhân dị ứng. Một số thuốc có thể làm giảm nhẹ triệu chứng khi tiêm vắc xin như ibuprofen, paracetamol, aspirin, kháng histamine v.v….
Mặc dù vậy, nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc này trong quá trình tiêm vắc xin. Đặc biệt, một số biện pháp hỗ trợ như nghỉ ngơi đủ, uống nhiều nước, mặc quần áo thoải mái, vận động nhẹ nhàng và có thể chườm lạnh lên chỗ tiêm cũng góp phần làm giảm các triệu chứng (nếu có) sau khi tiêm văc xin.
Trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhân viên y tế được tư vấn, khám sàng lọc sức khoẻ
Cách nhận biết dị ứng vắc xin
Dị ứng vắc xin là phản ứng bất thường của cơ thể khi tiếp xúc với vắc xin. Các triệu chứng dị ứng có thể xuất hiện nhanh trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với nguyên nhân nghi ngờ, nhưng cũng có thể xuất hiện rất chậm từ vài giờ, vài ngày thậm chí vài tuần sau đó. Bệnh cảnh lâm sàng của dị ứng vắc xin cũng rất đa dạng, từ mức độ nhẹ đến nặng, có thể ảnh hưởng đến một cơ quan nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan cùng lúc.
Dị ứng nhanh có thể nhẹ như là mày đay phù Quinck viêm da v.v.. nhưng cũng có thể nặng như xuất hiện phản vệ mà nặng hơn nữa là sốc phản vệ với các triệu chứng hoa mắt chóng mặt ngất xỉu, suy hô hấp, trụy tim mạch có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Dị ứng chậm cũng rất đa dạng như bệnh huyết thanh, viêm mạch, rối loạn tế bào máu, tổn thương da nặng như DRESS, Stevens Johnson, Lyell v.v…
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dị ứng vắc xin. Những người có cơ địa dị ứng, tức là những người mắc các bệnh dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, dị ứng thuốc, dị ứng vắc xin, sốc phản vệ, dị ứng thức ăn, dị ứng latex, dị ứng nọc côn trùng v.v…. là những người dễ dị ứng văc-xin hơn so với những người khác.
Không phải ai cũng có thể dị ứng văc-xin.
Những lưu ý
Theo CDC (Mỹ) và tổ chức Dị ứng Thế giới (WAO) những bệnh nhân dị ứng thuốc ví dụ như dị ứng penicillin, dị ứng thuốc chống đau giảm viêm non Steroid, v.v… đều không có chống chỉ định tiêm vắc xin COVID-19. Bệnh nhân hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa hay dị ứng thức ăn, đều có thể tiêm được vắc xin.
Tương tự những bệnh nhân dị ứng nọc côn trùng cũng không cần tránh tiêm vắc xin. Vắc xin COVID-19 không chứa latex, gelatin hay tế bào phôi nên những bệnh nhân dị ứng latex, gelatin hay dị ứng trứng đều có thể tiêm vắc xin mà không có chống chỉ định Mặc dầu vậy, nên hội chẩn với bác sĩ dị ứng trước khi tiêm vắc xin cho những bệnh nhân có cơ địa dị ứng này.
Đặc biệt, những bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc, nhưng không nhớ rõ tên thuốc, hoặc những bệnh nhân dị ứng với vắc xin, cần khám bác sĩ dị ứng trước khi tiêm vắc xin để đề phòng bệnh nhân dị ứng với thành phần PEG, hoặc polysorbate 80 .
Đây là hai thành phần có thể có trong vắc xin COVID-19 nhưng đồng thời cũng có trong nhiều sản phẩm của phụ gia thực phẩm, trong một số loại thuốc và sản phẩm hỗ trợ y khoa, trong mỹ phẩm cũng như các chất làm sạch. Nếu bệnh nhân dị ứng với PEG hoặc polysorbate thì cũng có nguy cơ dị ứng với vắc xin có chứa thành phần này. Trong trường hợp này, khám chuyên khoa Dị ứng là cần thiết để phòng ngừa dị ứng vắc xin.
Với những bệnh nhân dị ứng với vắc xin khi tiêm lần 1, liệu có tiêm tiếp liều thứ hai hay không? Theo tổ chức Dị ứng thế giới, nếu bệnh nhân dị ứng nhẹ với vắc xin khi tiêm lần 1, ví dụ như chỉ có phản ứng dị ứng tại chỗ tiêm hoặc có các triệu chứng nhẹ như mày đay, ban đỏ ngứa thoáng qua hoặc các triệu chứng dị ứng này đáp ứng tốt với kháng histamine thì không cần đổi vắc xin khác.
Bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục tiêm vắc xin của lần 1, tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ dị ứng trước khi tiêm và nên lưu bệnh nhân lại theo dõi với thời gian lâu hơn sau khi tiêm. Nếu bệnh nhân có triệu chứng phản vệ, đặc biệt là sốc phản vệ, nên hội chẩn bác sĩ chuyên khoa Dị ứng trước khi đưa ra quyết định có cần đổi vắc xin khác hay không.
Tóm lại, dị ứng vắc xin có tỉ lệ rất thấp, đặc biệt là sốc phản vệ, khoảng 1 trường hợp/1triệu liều vắc xin nói chung. Tuy nhiên, với vắc xin ngừa COVID-19, trong những ngày đầu tiên sử dụng đã có 2 trường hợp sốc phản vệ ở Anh và 6 trường hợp ở Mỹ và sau một thời gian tỉ lệ này đã được ước tính khoảng 1 trường hợp/200 000 đến 400 000 liều vắc xin.Mặc dù vậy, phản ứng dị ứng với vắc xin hiếm khi xảy ra ở những người không có cơ địa dị ứng. Chính vì vậy, tuân thủ chỉ định tiêm vắc xin cũng như tuân theo phác đồ xử trí dị ứng của Bộ Y Tế là biện pháp an toàn, giúp phòng tránh dị ứng khi tiêm vắc xin. |