Thói quen vệ sinh tai cả triệu người thực hiện, bác sĩ cảnh báo là sai lầm tai hại

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 23/04/2021 09:30 AM (GMT+7)

Lâu nay nhiều người luôn nghĩ dùng bông tăm, que sắt ngoáy tai là sạch sẽ, lấy được ráy tai ra ngoài nhưng thực tế đây lại là một sai lầm.

Căn bệnh rất hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi

Hiện nay miền Bắc đang ở trong giai đoạn giao mùa nên người dân có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác nhau, nhất là các bệnh liên quan đến tai mũi họng, trong đó có bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ. 

Bác sĩ Lê Anh Tuấn - Trưởng khoa TMH Trẻ em (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) cho biết, trong thời điểm giao mùa sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển. Do đó làm gia tăng tình trạng trẻ bị mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp nói chung cũng như viêm tai giữa nói riêng

Bác sĩ Anh Tuấn cho biết, viêm tai giữa cấp là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Do ở lứa tuổi này tình trạng tình trạng viêm mũi họng, viêm VA rất phổ biến. Trong khi đó, tai giữa và mũi họng được thông với nhau qua con đường vòi nhĩ. 

Thói quen vệ sinh tai cả triệu người thực hiện, bác sĩ cảnh báo là sai lầm tai hại - 1

Viêm tai giữa là căn bệnh rất hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Vòi nhĩ ở trẻ nhỏ lại ngắn và thẳng hơn nên trong những đợt viêm mũi họng cấp, vi khuẩn từ mũi họng sẽ dễ dàng đi lên tai giữa và gây ra tình trạng viêm tai giữa cấp. 

“Như vậy, viêm tai giữa được coi là biến chứng của viêm mũi họng cấp, viêm VA cấp ở trẻ. Khi trẻ có các biểu hiện như chảy mũi, ngạt mũi, sốt... phụ huynh cần đưa con đi khám để được điều trị đúng cách. 

Việc điều trị sớm những trường hợp viêm mũi họng, viêm VA sẽ làm giảm tỷ lệ viêm tai giữa. Việc chăm sóc tai, vệ sinh tai thường xuyên không làm giảm nguy cơ viêm tai giữa cấp ở trẻ em”, bác sĩ Anh Tuấn chia sẻ.

Thói quen dường như ai cũng mắc khi vệ sinh tai

Trong cuộc sống hàng ngày, đa số các phụ huynh thường vệ sinh tai cho trẻ bằng cách lấy tăm bông ngoáy tai cho trẻ, nhất là sau khi tắm xong. Bác sĩ Lê Anh Tuấn khẳng định, việc dùng que tăm bông để ngoáy tai cho trẻ hay người lớn là một thói quen có hại cho tai.

Thói quen vệ sinh tai cả triệu người thực hiện, bác sĩ cảnh báo là sai lầm tai hại - 2

Bác sĩ Lê Anh Tuấn cho biết, thói quen dùng tăm bông ngoáy tai là một sai lầm.

Theo bác sĩ Tuấn, bình thường, da ống tai có những tuyến tiết chất nhờn kết hợp với tế bào chết của da ống tai sẽ hình thành ráy tai. Ráy tai có tác dụng chống thấm nước, bụi bẩn, vi khuẩn nhằm bảo vệ da ống tai và màng nhĩ bên trong. 

Thông thường ráy tai sẽ được đẩy ra khỏi ống tai một cách tự nhiên nhờ sự hoạt động của lông tai. “Chính vì vậy chúng ta không cần ngoáy tai thường xuyên. Việc tự ngoáy tai tại nhà bằng que tăm bông hoặc các dụng cụ lấy ráy tai bằng sắt có thể đẩy ráy tai vào sâu, sát màng nhĩ gây ù tai hoặc xước da ống tai gây viêm ống tai”, bác sĩ Tuấn nói.

Bác sĩ Tuấn hướng dẫn, cách chăm sóc tai đúng nhất là dùng khăn bông mềm lau khô vành tai ngoài sau khi tắm xong và khám bác sĩ tai mũi họng định kỳ 6 tháng/lần. Các bác sĩ sẽ giúp vệ sinh tai sạch sẽ nếu cần.

Viêm tai giữa khác với viêm mũi họng thế nào?

Bác sĩ Tuấn cho biết, viêm tai giữa cấp là biến chứng của viêm mũi họng, viêm VA. Vì vậy khi bị viêm tai giữa cấp trẻ sẽ có cả các triệu chứng mũi họng và triệu chứng tại tai.

Khác với triệu chứng viêm mũi họng có thể dễ dàng nhận biết như sốt, ngạt mũi, chảy mũi, ho, nôn trớ, các triệu chứng viêm tai giữa cấp khó phát hiện hơn nhất là ở trẻ nhỏ. Triệu chứng điển hình nhất của viêm tai giữa ở trẻ đó là đau tai. Với trẻ lớn, phụ huynh có thể dễ nhận biết khi con kêu đau tai. 

Với trẻ nhỏ chưa biết nói, triệu chứng viêm tai giữa thường kín đáo như: hay đưa tay lên ngoáy tai, vò bứt tai, trằn chọc khó ngủ, quấy khóc do đau. Những triệu chứng này ít được cha mẹ chú ý, chỉ đến khi tình trạng viêm nặng gây chảy mủ tai hoặc sưng vểnh vành tai mới đưa trẻ đi khám bệnh.

Tuyệt đối không thổi vào tai trẻ những loại thuốc trôi nổi

Thói quen vệ sinh tai cả triệu người thực hiện, bác sĩ cảnh báo là sai lầm tai hại - 3

Tuyệt đối không chưa viêm tai bằng bài thuốc dân gian, lời truyền miệng. (Ảnh minh họa)

Khi trẻ được xác định bị viêm tai giữa, tùy vào tình trạng bệnh bác sĩ sẽ khuyên điều trị nội chú hay ngoại trú. BS Tuấn chia sẻ với những trẻ nhỏ điều trị ngoại trú ngoài việc uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chúng ta nên lưu ý một số điểm như sau:

+ Nếu tai không chảy mủ, không cần nhỏ bất kỳ loại thuốc nào vào tai

+ Khi tai chảy mủ, chỉ nên thấm sạch mủ bên ngoài cửa tai một cách nhẹ nhàng và nhỏ thuốc tai theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu lượng mủ nhiều, tốt nhất đưa trẻ đến bác sĩ tai mũi họng vệ sinh tai 1 lần/ ngày

Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi với 4 nhóm thực phẩm, giúp nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Không cần kiêng với bất cứ loại thức ăn đặc biệt nào trừ khi trẻ bị dị ứng với loại thực phẩm đó

Đặc biệt, phụ huynh không nên nhỏ vào tai các loại dung dịch, thuốc không rõ nguồn gốc, như nước lá cây, thuốc bột, tro lông nhím, tàn hương… Vì lượng lượng thuốc hoặc bột tro này sẽ đọng ở ống tai và màng nhĩ, sẽ khó quan sát được màng nhĩ khi thăm khám, khó đánh giá tình trạng bệnh. 

Khi trẻ bị chảy mủ tai, lượng bột bịt kím lỗ thủng làm mủ tai không chảy ra ngoài được, ứ mủ và có thể gây viêm xương chũm cấp gây liệt mặt, chóng mặt, nghe kém, gây viêm màng não hoặc áp xe não... bệnh ở giai đoạn này thường nặng, cần phải mổ, thời gian nằm viện kéo dài và để lại di chứng lâu dài cho trẻ. 

Ngoài ra có những lại bột có thể gây ngộ độc cho tai làm trẻ bị điếc. Vì vậy phụ huynh chỉ nhỏ tai cho trẻ các thuốc do bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng kê đơn hoặc tư vấn.

Viêm tai giữa - bệnh ám ảnh các mẹ có con nhỏ, BS chia sẻ cách phòng bệnh hiệu quả
Bệnh viêm tai giữa thường gặp ở trẻ, căn bệnh này hay bị lại nhiều lần và là nỗi ám ảnh của các mẹ vì nó ảnh hưởng đến sinh hoạt, sự phát triển của...

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Viêm tai giữa