Khi mua tuyết mai về chúng ta đem cắt ngắn vài phân, ngâm trong nước khoảng 20-30 cm. Một hai ngày sau hoa, lộc sẽ bung.
Đó là gợi ý của cô Xuân Hương về cách chơi tuyết mai – một loài hoa trắng mềm mại, nhỏ li ti được các chị em rất ưa chuộng trong mỗi dịp Tết đến. Thậm chí, không ít phái nữ còn ví von: “Những Tết gần đây hoa tuyết mai nổi lên như ngôi sao sáng”.
Tuyết mai là loài hoa có nguồn gốc từ Trung Quốc và nở vào dịp đầu xuân. Những bông hoa nhỏ li ti màu trắng đem lại vẻ đẹp mềm mại, nhã nhặn, hết sức thanh tao. Ngoài ra, loài hoa này còn thu hút nhiều người bởi mùi thơm thoang thoảng, nhè nhẹ.
Đặc trưng của tuyết mai mỗi cành có chiều dài khoảng 1,2 đến 1,5m, thân cành nhú nhiều lộc và nở nhiều hoa, dù hoa nhỏ song chính vì nở nhiều nên chúng tạo ra một khối tổng thể cuốn hút.
Là loài hoa “nổi lên như ngôi sao sáng” song không phải ai cũng biết cách chơi tuyết mai. Để có cái nhìn tổng quan về việc chọn, cắm và dưỡng sao cho chơi được lâu nhất, cô Xuân Hương sẽ đưa ra một vài hướng dẫn cơ bản.
Không nên mua những cành đã nở bung
Theo cô Xuân Hương, khi chọn mua hoa tuyết mai nên chọn mua ở những nơi quen thuộc, đáng tin tưởng, chọn cành tuyết mai có cả nụ và những bông đang nở đủ từ trên xuống dưới, không nên mua những cành đã nở bung, vì chúng sẽ nhanh tàn, cũng không nên chọn những cảnh chỉ toàn nụ vì thường sẽ đợi khá lâu hoa mới nở.
Có lẽ sẽ chẳng cần phải nhắc ai cũng biết đó là việc ưu tiên chọn hoa tươi chứ không phải những cành bị dập, hoa bị héo. Để bình hoa trở nên nhẹ nhàng, các mẹ nên chọn các cành đa dạng khác nhau, bao gồm cả cành cong và thẳng.
Chẻ đôi gốc để cành hút nước dễ dàng.
Cô Hương chọn bình gốm để cắm tuyết mai.
Dưỡng trước khi cắm
Tuyết mai là loại thân gỗ nên khá khó hút nước, để giúp hoa hút nước được tốt, chị em nên cắt chéo gốc, sau đó dùng kéo hoặc dao chẻ đôi, có thể chẻ gốc làm 4 nếu cành đó bung chậm.
Ngoài ra, phương pháp khá truyền thống mà nhiều người chơi hoa ai cũng biết, để hạn chế vi khuẩn làm thối cành, chị em có thể đốt gốc hoa trước khi cắm hoa vào bình nước.
Bình tuyết mai được cô Hương kết hợp khéo léo cùng với đào dây.
Dưỡng sau khi cắm
Thay nước 1 – 2 lần/ngày hoặc dùng thuốc dưỡng hoa hay B1, Aspirin thả vào bình nước là 2 trong nhiều cách giúp hoa đã cắm tươi lâu, kéo dài thời gian chưng hoa trong nhà.
Trường hợp hoa có biểu hiện rụng lá, rụng bông, chị em đổ thêm nước cho hoa, có thể xịt hoặc phun sương lên cành để chúng tươi mới trở lại. Theo lời cô Hương, một bình tuyết mai có thể chơi trong nhà cả tuần, với những người biết cách dưỡng có thể để đến được 15 - 20 ngày mà không sợ cũ.
Nhờ dưỡng tốt nên hơn 10 ngày tuyết mai vẫn còn rất tươi mới.
Dùng bình gốm cắm tuyết mai
Cô Xuân Hương cho biết, cắm và chơi tuyết mai dễ như cắm đào dăm. Người cắm sẽ lựa theo thế cong, thẳng của cành tuyết mai để cắm sao cho ăn ý nhất. Nên chọn những chiếc bình gốm cao sẽ phù hợp hơn bởi cành tuyết mai thường dài. Ngoài ra, việc chọn bình gốm cắm tuyết mai ngày Tết còn giúp chúng ta liên tưởng đến những giá trị truyền thống, mang vẻ ấm cúng, sum vầy.
Việc lựa chọn chỗ đặt bình hoa cũng là yếu tốt quyết định đến vẻ đẹp, sự sang trọng của bình hoa tuyết mai. Chị em có thể đặt bình ở nơi nhiều ánh sáng, không gian thoáng mát trong nhà như phòng khách, phòng làm việc hay phòng bếp.
Cũng giống cô Hương, mỗi dịp cận Tết chị Định cũng sắm cho mình vô vàn những bó tuyết mai đem bày trong không gian xinh đẹp của gia đình. Cùng ngắm những bình tuyết mai nhẹ nhàng, tinh khôi của mẹ Việt ngay dưới đây.
Tuyết mai có thể cắm mấy bình kề nhau.
Mặt hoa quay ra ngoài, mặt cành giấy vào giữa.
Cành cong càng đẹp.
Cành cong tạo dáng mềm mại cho bình.
Cành trước mặt cắm ngược nên thân hở ra ngoài.
Bình cao trên 28cm và miệng nhỏ dưới 8cm là đủ 1 bó.
Hoa cắt ngắn để bàn vừa đẹp.