Mới đây, trong một nhóm kín chuyên bóc phốt làm đẹp trên Facebook, câu chuyện son trộn (hay còn gọi là son fake) được bán tràn lan, thiếu kiểm soát đã khiến không ít cô gái hoang mang. Thực tế, chẳng riêng kem trộn, son trộn, trên thị trường còn tồn tại nhiều mỹ phẩm trộn chưa bị phát giác.
Với chị em phụ nữ Việt, có lẽ cụm từ “kem trộn” đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Từng được quảng cáo rầm rộ trên các trang buôn bán online với khả năng làm trắng, dưỡng da, chống lão hóa,..., kem trộn ở một thời điểm nào đó đã khiến nhiều chị em phụ nữ thi nhau mua về dùng thử.
Tuy nhiên, chỉ cho tới khi hàng loạt các trường hợp người dùng bị hủy hoại làn da do thoa kem trộn, người ta mới thực sự dành thời gian để tìm hiểu rõ hơn về thứ sản phẩm gắn mác “thần dược” nhưng lại có giá rẻ bất ngờ này. Không ít người đã phải rùng mình khi chứng kiến các hình ảnh, video ghi lại cảnh trộn kem với nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng, môi trường sản xuất bẩn thỉu, nhếch nhác, người sản xuất thậm chí còn chẳng đeo găng tay, khẩu trang,... Cũng từ đó, kem trộn đã dần dần bị nhiều cô gái tẩy chay.
Kem trộn là sản phẩm kém chất lượng từng khiến không ít cô gái khốn đốn.
Rất nhiều cô gái khẳng định mình chính là nạn nhân của kem trộn khi làn da cứ ngày một xấu xí, viêm nhiễm,...
Người ta có thể nhận biết được đâu là kem trộn bởi bao bì thường in tên, logo của các thương hiệu lạ hoắc, vô danh trên thị trường, thậm chí chỉ đựng trong hũ nhựa trơn, không có bất cứ thông tin nào về ngày sản xuất, nguồn gốc, thành phần,... Tuy nhiên, nếu được nhìn thấy hình ảnh của thỏi son trộn (hay còn gọi là son fake) mang hình thức y hệt thỏi son MAC - thương hiệu son được nhiều chị em ưa chuộng dưới đây, chắc chắn không ít cô gái sẽ phải giật mình vì chẳng thể phân biệt thật - giả. Có chăng, người ta chỉ có thể nhận ra thỏi son trộn qua mức giá mà nó được chào bán mà thôi.
Son trộn "đội lốt" son MAC được chào bán với mức giá rẻ như cho.
Đúng, không riêng gì kem trộn, giờ đây trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện son trộn, và hơn nữa là rất nhiều loại mỹ phẩm trộn khác nữa mà người ta vẫn chưa phát hiện ra nơi đang tiêu thụ chúng. Cụ thể với riêng sản phẩm son môi, câu chuyện son trộn (son fake) đã trở thành chủ đề khiến dân tình bàn tán xôn xao trong một nhóm kín chuyên bóc phốt làm đẹp trên facebook.
Theo chia sẻ của nhiều cô gái, họ đã tinh ý nhận ra không ít người bán son trộn với chiêu trò quảng cáo, mời gọi cực hấp dẫn. Trong đó, đáng chú ý nhất, có người còn đưa ra luôn cả hình ảnh những thỏi son trộn mang nhãn mác, bao bì hệt thỏi son MAC được chào bán với ưu đãi “Mua 1 được 11” nhân dịp lễ độc thân 11/11. Thậm chí, người chủ shop còn mạnh dạn khẳng định chị em có thể thoải mái check code để kiểm tra son thật hay giả. Qua đó phải công nhận rằng việc sản xuất, làm giả các dòng son của các thương hiệu được ưa chuộng đang ngày một trở nên tinh vi, khó nhận biết bằng mắt thường.
"Mua 1 tặng 11" là ưu đãi mà chủ shop này dành cho các cô gái khi mua thỏi son MAC này. Qua mắt thường, có lẽ không nhiều có gái có thể nhận ra những thỏi son trên tay chủ shop là thật hay giả.
Tuy nhiên, điều mà ai cũng có thể nhận ra là sự phi thực tế của màn chào bán son rẻ như cho không này. Bởi một thỏi son MAC chuẩn xịn đã có mức giá tới 450-500 ngàn đồng, chẳng ai điên tới mức tặng không người khác hẳn 11 thỏi son, tương đương khoảng hơn 5 triệu đồng cả, trừ khi những thỏi son này đều là son trộn, được làm giả với giá thành sản xuất rẻ chỉ vài đến vài chục ngàn đồng.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, phải có người mua thì mới có người bán. Chắc chắn rằng đã có không ít cô gái vì ham rẻ mà quyết định tậu về bộ son trộn mang 12 màu cực phong phú này, vô tư sử dụng trong khi không hề biết tới tác hại của chúng đối với sức khỏe của bản thân. Được biết, phần lớn các thỏi son trộn (son fake) đều chứa thành phần là những chất hóa học cực độc, đồng thời chứa rất nhiều chì. Khi mới sử dụng, màu son có thể lên đẹp và hút mắt, tuy nhiên chỉ sau ít tuần sử dụng, màu sắc của thỏi son sẽ thay đổi hoàn toàn. Đây cũng là thời điểm các cô gái sử dụng son trộn bắt đầu phải đối mặt với tình trạng môi bị dị ứng, chuyển màu thâm, xuất hiện đốm đen, viêm nhiễm, nổi mẩn đỏ xung quanh miệng,...
Theo các chuyên gia da liễu, việc sử dụng son môi chứa nhiều chì trong một thời gian dài có thể gây ra các bệnh như cao huyết áp, đau khớp, suy giảm trí nhớ. Trong đó, các thỏi son mang màu càng đậm thì hàm lượng chì càng cao. Bên cạnh đó cũng được biết, những loại son có khả năng bám màu cao thường chứa nhiều chất propylen glycol, loại chất có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới não, gan, thận, đặc biệt còn là nguyên nhân gây ung thư. Chưa kể tới, các loại son trộn, son kém chất lượng còn có nguy cơ cao nhiễm độc thủy ngân, thạch tín,..., gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng.
Những thỏi son trộn sau một thời gian ngắn sử dụng sẽ nhanh chóng chuyển màu.
Đôi môi sau một thời gian sử dụng son giả sẽ bong tróc, mưng mủ, xuất hiện đốm đen,...
Qua tìm hiểu được biết, không riêng kem trộn hay son trộn, hiện nay tại Việt Nam đang tồn tại rất nhiều cơ sở gia công mỹ phẩm giá rẻ vẫn ngày ngày sản xuất ra vô vàn các loại mỹ phẩm trộn, mỹ phẩm giả khác rồi đóng bao bì, gắn nhãn mác hệt hàng thật.
Tìm kiếm từ khóa gia công mỹ phẩm giá rẻ trên trang mạng tìm kiếm, người ta sẽ ngay lập tức nhận được rất nhiều kết quả, đáng chú ý là rất nhiều cơ sở đều không công khai rõ ràng địa chỉ nơi sản xuất, xưởng gia công. Những cơ sở này luôn sẵn sàng nhận các đơn đặt hàng, sản xuất theo số lượng lớn các loại mỹ phẩm từ mặt nạ, kem dưỡng da, kem chống nắng, đến phấn trang điểm,... Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà chúng sẽ được làm ra theo mẫu sản phẩm của các thương hiệu mỹ phẩm có tiếng, được in mã vạch và thậm chí có dán cả tem chống hàng giả nhằm đánh lừa thị giác, khiến người mua không thể phân biệt thật giả.
Rất nhiều loại mỹ phẩm được làm giả chứ không riêng kem trộn, son trộn.
Chỉ 30 ngàn đồng, các cô gái đã có ngay một hũ kem chống nắng đa năng: từ chống nắng, làm da căng bóng, trị nám.
Mỹ phẩm giả được gia công gần như y hệt hàng thật.
Việc công khai cung cấp dịch vụ làm giả mỹ phẩm có tên tuổi của nhiều cơ sở kinh doanh bất chính đã nói lên sự quản lý, kiểm soát thị trường lỏng lẻo tới mức báo động tại Việt Nam. Người bán hàng bất chính cứ thu lợi khổng lồ, người dùng cứ dần dần phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thiếu cảnh giác, sử dụng phải những loại mỹ phẩm chứa thành phần không rõ ràng, được pha trộn qua loa, thiếu tính khoa học, đồng thời không được vô trùng sạch sẽ. Đây chính là thực trạng vô cùng đáng buồn tại Việt Nam - một quốc gia đang trên đà phát triển mạnh.
Các cô gái cần thật cảnh giác, kiểm tra thật kỹ trước khi quyết định mua bất kỳ loại mỹ phẩm nào. An toàn nhất, hãy tìm tới những cửa hàng phân phối chính thức của thương hiệu mỹ phẩm đang quan tâm để mua được những sản phẩm chính hãng.
Với tình trạng này, người tiêu dùng, hay cụ thể là các cô gái chỉ còn một cách duy nhất là tự bảo vệ mình trước những màn “biến hình” khó lường của mỹ phẩm giả. Nói một cách cụ thể hơn, hãy là một người tiêu dùng thông minh, luôn cảnh giác trước những loại mỹ phẩm mang thương hiệu lạ, có nguồn gốc không rõ ràng hay mang mức giá quá rẻ. Đồng thời, các cô gái chắc chắn cần vững lòng trước những lời quảng cáo “mật ngọt” từ các shop mỹ phẩm không có tên tuổi, chỉ coi đó là một trong những thông tin để tham khảo trước khi quyết định mua thay vì đặt 100% niềm tin vào nó.