Gương mặt ngây thơ cùng ánh mắt màu xanh đẹp lạ kỳ của 2 anh em bị câm điếc bẩm sinh khiến ai nhìn lần đầu cũng bị thu hút. Ẩn sau ánh mắt ấy là câu chuyện buồn của 2 số phận đáng thương nơi xóm nghèo.
Nằm gọn trong con hẻm thuộc đường Cô Giang (quận 1), ngôi nhà cũ kỹ rộng chừng 6m vuông của gia đình bà Tâm (60 tuổi) là nơi sinh sống của 9 thành viên: 5 lớn - 4 nhỏ. Lạ thay, ngôi nhà ấy hiếm khi có tiếng nói cười của trẻ nhỏ vọng ra. Hỏi mới biết, số đông người trong căn nhà bị câm điếc bẩm sinh, có cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.
Mắc chứng “bệnh lạ” từ gen người dì ruột
Nhìn đứa cháu gái đang nô đùa chạy nhảy, bà Tâm nhẹ nhàng nói: “Con bé câm điếc vậy thôi! Chứ, nó hiếu động không khác gì những đứa trẻ bình thường. Nó biết ăn, biết chơi và nhận thức được mọi thứ xung quanh. Thằng anh nó cũng thế! Chỉ tiếc, ba mẹ chúng không thương nên vô tâm bỏ rơi chúng từ khi còn nhỏ”.
2 đứa trẻ bà Tâm nhắc tới là bé Lương Ngọc Thùy An (4 tuổi) và Lương Ngọc Bảo (7 tuổi). Bảo và An là anh em ruột trong một gia đình có bố mẹ đều bình thường. Tuy vậy, từ khi sinh ra, 2 bé đều mắc “bệnh lạ” xanh mắt và bị câm điếc bẩm sinh.
Đôi mắt màu xanh đẹp - lạ của Thùy An để lại bao ấn tượng cho người đối diện
Khi được hỏi về căn bệnh lạ của 2 bé, bà Tâm cho biết: “Mẹ nó cũng có 1 mắt bị xanh nhưng khả năng nghe nói bình thường. Có lẽ, con bé An và thằng Bảo hưởng gen di truyền bệnh từ dì ruột của nó. 2 đứa con gái cái út cũng mắc bệnh 1 mắt xanh - 1 mắt đen nhưng chúng không bị câm điếc”.
Nhớ lại ngày Ngọc Bảo chào đời, bà Tâm cho hay, khoảnh khắc cu cậu cất tiếng khóc, gia đình bà ai cũng hạnh phúc và vui mừng. Nhận bé từ tay bác sĩ, mọi người bỗng ngạc nhiên và lo sợ khi thấy đôi mắt màu xanh lạ kỳ giống dì út. Dù vậy, họ vẫn yêu thương và chăm sóc Bảo như những đứa trẻ khác.
Một lần tình cờ, bà Tâm làm rơi đồ xuống đất và phát ra tiếng động lớn, nhưng Bảo không tỉnh giấc khóc òa như phản ứng tự nhiên của đứa trẻ bình thường. Thấy vậy, gia đình bà vội vàng đưa bé đi khám. Cầm kết quả trên tay, họ xót xa chấp nhận đứa cháu ngoại bị câm điếc bẩm sinh.
“Thằng Bảo lên 3, con gái tôi sinh bé Thùy An. Ẵm con nhỏ trên tay, nó hoảng sợ khi thấy con gái có đôi mắt hệt như đứa đầu. Nó gào khóc và xin tôi đem An cho ai đó nuôi, nhưng tôi không đủ can đảm dứt ruột bỏ cháu của mình. Từ đó, nó bị ám ảnh bởi đôi mắt màu xanh có điềm báo xấu”, bà Tâm nghẹn ngào tâm sự.
Ngọc Bảo sinh ra với đôi mắt màu xanh và bị câm điếc bẩm sinh
“Mẹ nó nói: Có tiền thì về,…không thì thôi”
Thùy An lên 2 tuổi, ba mẹ chúng bỏ đi làm ăn xa. Thương cháu nhỏ không có ba mẹ ở bên, vợ chồng bà Tâm đã đưa 2 đứa về nuôi nấng, chăm sóc. Hồi đầu, họ có về thăm 2 bé nhưng không có gì cho con, kể cả tấm bánh gói kẹo.Hơn 1 năm nay, họ không về thăm chúng nữa. Bởi vậy, cả Bảo và An không hề biết mặt cha mẹ của mình.
“Khi biết nhận thức, tụi trẻ đều nghĩ dì út là má. Ở nhà, bé An thân thiết với con út nhiều hơn 2 đứa con gái của nó. Lúc An trêu đùa anh chị, con út chỉ cần trợn mắt đưa tay là nó sợ, ngồi gọn 1 góc nhà. Thi thoảng, nó cũng hờn dỗi khóc nhè đòi dì út bế bồng”, bà Tâm kể.
Dường như, thấu hiểu được sự thiếu hụt tình cảm của cháu nhỏ, người dì câm điếc đã và đang cố gắng bù đắp “tình mẫu tử” cho 2 bé Bảo - An để các con đỡ tủi thân và đủ hơi ấm khôn lớn.
Trong căn nhà cũ kỹ và ọp ẹp ấy luôn chan chứa tình yêu bao la của người bà dành cho cô cháu gái nhỏ
Bà Tâm cho biết thêm, ba mẹ của 2 đứa trẻ đang sinh sống ở Sài Gòn. Họ không dám về thăm con vì làm ăn thua kém và không có tiền. “Chưa bao giờ, tôi mong ba mẹ tụi trẻ quay trở lại. Chúng về, tôi lại nặng gánh gia đình hơn. Người ta mách, chúng đang bán nhang, bán chim nhưng không đủ sống. Tôi nhớ lần cuối mẹ con An về, nó bảo với tôi: Có tiền thì về, không thì thôi”, bà Tâm thở dài nói.
Ba mẹ bỏ rơi từ nhỏ, Ngọc Bảo và Thùy An đã học được tính tự lập. Từ chuyện ăn uống, tắm giặt cho đến vệ sinh cá nhân, 2 bé có thể tự làm, không cần sự trợ giúp của ngoại và dì. “Ông trời thương, tụi trẻ ít ốm đau nên sức khỏe của chúng rất tốt. Thi thoảng, con An húng hắng ho rồi khỏi, không phải thuốc thang gì hết”, bà Tâm cho biết.
Cuộc sống cơ cực, kiếm ăn từng ngày
Trước giờ, 9 miệng ăn trong gia đình bà Tâm đều trông cậy vào vài đồng tiền lãi từ việc bán vé số của vợ chồng cô con gái út và 2 đứa cháu ngoại bị câm điếc. Bà kể, cứ 9h sáng, Thùy An theo dì út đi bán vé số trên khắp các con hẻm trong quận 1. Bữa ế vé, An và dì phải đi bộ xa vài chục km sang quận 4, quận Bình Thạnh hay quận 8 bán. Tầm 1-2 giờ chiều, dì cháu họ bắt đầu về nhà ăn trưa và nghỉ ngơi.
Tình cảm dì- cháu cao quý và thiêng liêng như tình mẫu tử
Trong lúc An đi bán vé số, anh trai đi học tại trường dành cho trẻ tình thương tại quận 4. Các sáng trong tuần, Bảo được dì cả đưa đến trường và 4 giờ chiều bác hàng xóm đón về. Khi đường phố Sài Gòn lên đèn, cu cậu cùng chú dượng bắt đầu hành trình kiếm cơm bằng những tờ vé số.
“Mỗi ngày, chúng bán được vài chục tờ vé số, đồng lãi chẳng đáng là bao. Lâu lâu, người ta lại giật mất hết vé số, van xin họ chẳng cho lại. Hôm đó, gia đình tôi lại buồn, mâm cơm chỉ có đĩa rau muống luộc với bát nước mắm. Bữa nào hên, con An hay thằng Bảo được người ta cho gói bánh, hộp sữa là bữa đó, tôi không phải lo bữa ăn cho chúng”, bà Tâm cho biết.
Khuôn mặt ngây thơ, nhồn nhiên và đáng yêu của Thùy An
Sài Gòn mùa này trở mưa từng cơn dài bất chợt. Vậy mà, hai đứa trẻ lên 4 lên 7 vẫn miệt mài đi bán vé số kiếm từng đồng tiền mua gạo mua rau...!!!
Hiện tại, bà Tâm có thể lo cho 2 đứa cháu có số phận đáng thương. Nhưng, bà không dám chắc có thể ở bên các cháu mãi mãi
Còn nhỏ tuổi, An đã phải theo dì đi bán vé số mưu sinh kiếm sống
Phút tò mò, hiếu động của cô bé khi nhìn thấy máy ảnh