Bác sĩ "chỉ điểm" 4 sai lầm phổ biến nhất khi nuôi con mà nhiều mẹ Việt đang mắc phải

Ngày 10/06/2018 11:00 AM (GMT+7)

Trong buổi talkshow mới đây, nhà văn Uyên Bùi cùng bác sĩ Ngô Đức Hùng và Ths.Bs Nguyễn Xuân Đạt đã có những chia sẻ cởi mở về những điều bác sĩ không nói với mẹ.

Mới đây, trong buổi ra mắt cuốn sách “Để con được ốm” bản tái bản, bổ sung, tác giả Uyên Bùi tổ chức talkshow “Những điều bác sĩ không nói với bạn” với sự tham gia của 2 bác sĩ khách mời là bác sĩ Ngô Đức Hùng (tác giả: Để yên cho bác sĩ "hiền") và Ths.Bs Nguyễn Xuân Đạt - Chuyên khoa Tai - Mũi - Họng.

Bác sĩ amp;#34;chỉ điểmamp;#34; 4 sai lầm phổ biến nhất khi nuôi con mà nhiều mẹ Việt đang mắc phải - 1

Tác giả Uyên Bùi cùng 2 khách mời của chương trình.

Tại buổi chia sẻ này, rất nhiều vấn đề được 2 bác sĩ đề cập đến, đúng với tên của talkshow đây đều là những điều bác sĩ không nói, không thể nói và không có thời gian để nói với mẹ. Trong đó có những quan điểm sai lầm mà mẹ vẫn đang làm hàng ngày, hàng giờ, thậm chí tự hào chia sẻ với những người khác như: Đọc tài liệu tiếng Anh và nghĩ là đúng, nuôi con sao cho tăng cân thật nhanh, ép con ăn thật nhiều…

1. Tài liệu tiếng Anh không phải là chân lý

Việc nuôi con, dạy con như thế nào mỗi người lại có một quan điểm khác nhau, trong mỗi gia đình lại có một cuộc chiến ngầm, đấy là cuộc chiến giữa một bên là tư tưởng hiện đại và 1 bên là đi theo truyền thống, nhất là trong những gia đình có nhiều hơn 2 thế hệ cha mẹ và con cái. Đối với ông bà, những người đi trước luôn luôn muốn cháu mình bụ bẫm.

Việc người lớn quan tâm tới cân nặng của một đứa trẻ, luôn miệng chê "Sao con gầy thế? bé thế, con nặng thế, thừa cân thế?"… vô hình chung trở thành câu “cửa miệng” dùng để hỏi thăm tình hình sức khỏe của trẻ.

Tác giả Uyên Bùi bỏ ngỏ câu hỏi: Phải chăng là hệ lụy trên sinh ra từ chính các bác sĩ, khi hầu hết hiện nay, các bác sĩ tại Việt Nam đang áp chuẩn của WHO về chiều cao cân nặng của trẻ từ đó đánh giá 1 em bé có đang phát triển tốt hay không gây hiểu nhầm cho các ông bố bà mẹ. 

Bác sĩ amp;#34;chỉ điểmamp;#34; 4 sai lầm phổ biến nhất khi nuôi con mà nhiều mẹ Việt đang mắc phải - 2

Câu hỏi đặt ra là các quy chuẩn liệu có đúng "chuẩn" với con?

Đáp lại câu hỏi này, bác sĩ Ngô Đức Hùng cho hay, y học là 1 ngành khoa học mang tính chất tương đối, nó được nghiên cứu ra trên một mẫu số chung trên 1 quần thể lớn. Vì thế ngay cả các bác sĩ, mỗi khi đọc kết quả của một nghiên cứu nào cũng phải quan tâm kĩ tới việc nghiên cứu này được thực hiện ở đâu mẫu số như thế nào, đặc điểm nhóm đó là gì… trước khi xem xét kết quả và bởi vậy không thể áp dụng một cách máy móc.

Bác sĩ Hùng nói thêm, không phải tài liệu tiếng Anh nào cũng là chân lý và không phải quy chuẩn nào cũng đúng với người Việt Nam - kể cả đó là tiêu chuẩn do WHO đưa ra. Một nghiên cứu có đúng hay không phụ thuộc vào đặc điểm vùng miền, dân tộc của nhóm đối tượng đó.

Ngoài ra, các nghiên cứu y học đúng cho đa số chứ không đúng cho tất cả. Vì trong nghiên cứu y học, tỷ lệ lớn hơn hoặc bằng 95% đã được gọi là tuyệt đối, như vậy, sai số là 5% số người trên tổng số 100%.

Chính vì lẽ đó, việc các bà mẹ đọc tài liệu nước ngoài và nghĩ rằng đấy là đúng rồi áp dụng vào để tự đánh giá sức khỏe cho con mình là sai lầm.

2. Kinh nghiệm là “nghiệm lại mà kinh”, chỉ đúng với cá nhân không áp dụng toàn bộ

Có nhiều cha mẹ có sở thích khá “nông nhàn” là tự bắt bệnh cho con, nhìn các triệu chứng và bắt đầu tìm trên mạng về những triệu chứng này rồi ồ lên, “sao giống con mình đến thế”. Sau khi đã xem xét xong, các mẹ thường lên mạng xã hội, tìm các hội bỉm sữa hoặc 1 bác sĩ mà mình biết nhắn tin hỏi các biểu hiện mà con có và cố ý lái theo hướng các triệu chứng về bệnh mà mình vừa đọc được. Hàng loại "bác sĩ Google" từ đó được sinh ra.

Bác sĩ amp;#34;chỉ điểmamp;#34; 4 sai lầm phổ biến nhất khi nuôi con mà nhiều mẹ Việt đang mắc phải - 3

Cả 2 tác giả đều đồng ý cho rằng chữa bệnh hay chẩn đoán bệnh cho con theo kinh nghiệm là sai lầm.

Điều này không những không giúp con mà còn làm mọi chuyện thêm rối ren. Bác sĩ Hùng khẳng định các bác sĩ sẽ không bao giờ chẩn đoán cho bất kì một bệnh nhân nào qua mạng, qua điện thoại mà không được “sờ” trực tiếp vào bệnh nhân, vì có 1 điều chắc chắn là “na ná” bệnh không phải là bệnh, “hơi hơi” giống không bao giờ là giống.

3. Nuôi con, đừng nhòm sang nhà hàng xóm

Chúng ta luôn có tư tưởng so sánh, khi còn nhỏ thì nhòm sang nhà bên cạnh xem con nhà người ta đã biết nói chưa, biết đi chưa, tăng cân ra sao rồi nhìn lại con nhà mình. Đến khi lớn lại xem con họ học hành ra sao, chăm chỉ thế nào… suốt cả cuộc đời đặt con ở thế so sánh với người khác.

Hành động này là vô nghĩa, chỉ có các mẹ đang tự tạo ra áp lực cho mình. Áp lực để con phải nặng cân bằng con người ta, nói nhanh như con người ta, học giỏi như con người ta mà thiếu đi thứ căn bản nhất là tôn trọng sự phát triển cá nhân của con.

Vì lý do này, hiện nay, đi khắp các chung cư vào lúc 5-6h chiều, không khó để bắt gặp hình ảnh các bà mẹ “thợ nhồi” cầm tô cháo to gấp đôi mặt con, vừa chạy theo vừa la hét cốt chỉ để “tống” vào miệng con một miếng cháo rồi lại thả con ra để con chơi. Hay bấm thang máy từng tầng, 1 tầng tương ứng 1 thìa cháo,... Cứ như vậy, từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm nọ cho tới khi con lớn.

Những cách làm trên thực chất chỉ với 1 mục đích duy nhất là làm trẻ bị phân tâm, không chú tâm đến việc phải ăn uống. Đứng trên góc độ khoa học, bác sĩ nhấn mạnh, đấy là cách làm phản khoa học, hoàn toàn không tốt.

Mặc dù trẻ trong thời điểm đó có thể ăn rất nhiều nhưng con không hứng thú với bữa ăn sẽ tạo thành 1 thói quen cực kì xấu và tăng áp lực lên dạ dày của trẻ từ đó gây ra các bệnh lý về dạ dày.

Bác sĩ amp;#34;chỉ điểmamp;#34; 4 sai lầm phổ biến nhất khi nuôi con mà nhiều mẹ Việt đang mắc phải - 4

Rất nhiều vấn đề đã được các bác sĩ giải đáp trong buổi talkshow này.

4. Trẻ em Việt Nam đang bị béo phì, trong đó có thể có con bạn

Bác sĩ Hùng cho biết, mới đây, trong 1 cuộc khảo sát trẻ em trên toàn Đông Nam Á, Việt Nam đứng hàng đầu danh sách đất nước có trẻ bị béo phì, tuy nhiên, trẻ bị suy dinh dưỡng lại chỉ giảm nhẹ - không đáng kể. Như vậy tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chúng ta chưa giải quyết được trong khi đó, tỷ lệ trẻ bị béo phì lại tăng trưởng rất cao. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ béo phì tập trung nhiều nhất ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Giải thích cho vấn đề này, bác sĩ cho hay, tỷ lệ trẻ tăng cân nhanh như vậy 1 phần là do diều kiện kinh tế phát triển, cha mẹ nào cũng muốn mang đến cho con cuộc sống tốt nhất nên không ngần ngại mua cho con những thức ăn bổ dưỡng như tổ yến, hải sâm, tôm hùm… Điều đáng nói là cho con ăn thường xuyên, không có sự cân đối giữa dinh dưỡng và thể trạng của con.

Trong khi đó tác giải Uyên Bùi trích dẫn câu nói của bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn - Nguyên Phó Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM rất hài hước, dí dỏm nhưng không phải vì thế mà không đúng rằng: “Nếu ai đó chê con bạn gầy là bình thường, nếu họ khen con bạn mũm mĩm lúc đó con bạn đã bị thừa cân”.

Như vậy, không phải cứ béo là sẽ tốt như câu “béo - tốt” ông bà ta hay nói, nuôi con là quá trình bố mẹ đồng hành và tôn trọng sự phát triển của con, vì thế trước khi lo lắng con đã đạt “chuẩn” hay chưa, đã bằng con người ta hay chưa, điều cha mẹ nên làm là giảm áp lực trên vai và thả lỏng… chờ đợi con “tự lớn”.

Những sai lầm tai hại của cha mẹ khiến trẻ bị viêm đường hô hấp mùa nắng nóng
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra những sai lầm tai hại khiến trẻ phải nhập viện vì viêm đường hô hấp.
Lê Lê
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kiến thức nuôi con